|
Phòng CSGT Hà Nội trao biển số ô tô cho anh Nguyễn Việt Hưng - công dân đầu tiên thực hiện thành công dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng DVCQG
|
Sáng 19/8, cùng với lễ khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm Thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, dịch vụ công thứ 998, 999 và 1.000 cũng được VPCP cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Đây là những dịch vụ chất lượng cho hàng triệu người dân, DN.
Phấn đấu ô tô ra khỏi gara đã có biển số
Dịch vụ công thứ 1.000 là dịch vụ kê khai, nộp lệ phí trước bạ mức độ 4 và cấp đăng ký, biển số xe mức độ 3 (thí điểm đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước tại Hà Nội, TPHCM). Dịch vụ công thứ 999 là dịch vụ liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động. Dịch vụ công thứ 998 là dịch vụ đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp.
Tại nhiều địa phương, các công dân đã trực tiếp trải nghiệm 3 dịch vụ công trực tuyến theo đúng tiêu chí không phụ thuộc thời gian, vị trí địa lý, chỉ cần ngồi một chỗ cùng với máy tính/điện thoại thông minh và internet để thực hiện thủ tục hành chính.
Tại điểm cầu showroom Công ty Thành Công (đường Tam Trinh, Hà Nội), anh Nguyễn Anh Tú được anh Nguyễn Việt Hưng ủy quyền thực hiện dịch vụ kê khai, nộp lệ phí trước bạ và tờ khai đăng ký ô tô. “Việc đăng ký, cấp biển số xe trực tuyến rất đơn giản, chỉ mất 2 phút đối với kê khai, nộp lệ phí trước bạ và 3 phút với đăng ký xe. Trong khi đó trước đây tôi phải mất nửa ngày đi đến cơ quan thuế nộp thuế và nhiều ngày đi lại cơ quan công an để đăng ký xe. Hình thức đăng ký mới này sẽ tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí", anh Tú chia sẻ.
Sau khi anh Tú nộp xong tờ khai đăng ký xe cho anh Hưng, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội nhận được tờ khai, kiểm tra, đối chứng hồ sơ, các thông tin khai báo đã hoàn toàn chính xác, hợp lệ, đầy đủ và anh Nguyễn Việt Hưng thực hiện bấm biển.
Sau khi bấm biển, anh Hưng chia sẻ: “Tôi may mắn là người đầu tiên thực hiện thành công dịch vụ kê khai nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, biển số xe trực tuyến. Dịch vụ này không chỉ đơn giản mà còn quá thuận lợi. Việc phục vụ của cán bộ, cơ quan Nhà nước cũng rất nhiệt tình, chu đáo, thân thiện”.
Ngay tại Phòng CSGT Hà Nội, các cán bộ đã trao biển số xe cho anh Nguyễn Việt Hưng - công dân đầu tiên thực hiện thành công dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng DVCQG.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, lợi ích của dịch vụ công số 1.000 là rất lớn, khi lần đầu tiên có cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các bộ, ngành trong lĩnh vực này. Hiện nay dữ liệu về kỹ thuật phương tiện, về thuế, dữ liệu đăng ký đã tổng hợp trên Cổng DVCQG, người dân chỉ cần kê khai một lần và dùng chung dữ liệu này. Trước kia cần 6 loại giấy tờ thì hiện nay nhờ dữ liệu điện tử chỉ còn 2 loại giấy tờ.
"Cục CSGT sẽ tiến tới điện tử hóa toàn bộ quy trình đăng ký xe, phấn đấu xe ra khỏi gara đã có biển số", Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết.
Quy trình đơn giản, tiết kiệm hơn 327 tỷ đồng/năm
Tại điểm cầu showroom Công ty Trường Hải (quận Phú Nhuận, TPHCM), anh Đoàn Công Danh cũng thực hiện dịch vụ thứ 1.000. Sau khi trải nghiệm, anh Danh chia sẻ: “Nếu như trước đây, tôi sẽ phải khai và chuẩn bị nhiều hồ sơ để nộp phí trước bạ, mang xe đến tận cơ quan công an để cà số khung, thì bây giờ tất cả các thủ tục đó đều được thực hiện trực tuyến. Tôi thấy rất thuận tiện cho người dân sử dụng".
Dịch vụ công thứ 1.000 mang đến quy trình thực hiện vô cùng đơn giản cho công dân. Cá nhân, tổ chức chỉ cần đăng nhập, khai số seri phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng, mã hồ sơ lệ phí trước bạ và một số thông tin của chủ xe để hoàn thành tờ khai giấy đăng ký xe. Trên cơ sở đó, các dữ liệu (thuế, đăng kiểm) sẽ được tự động tích hợp vào tờ khai (thông tin của người nộp thuế, thông tin của xe).
Người khai đăng ký sẽ nhận được thông báo bằng tin nhắn về điện thoại từ Cổng DVCQG thông báo địa điểm đến đăng ký xe. Chủ xe chỉ cần đưa xe, mang theo hóa đơn hoặc giấy tờ mua bán xe và giấy tờ tùy thân đến cơ quan CSGT để bấm biển, lấy biển số và giấy chứng nhận đăng ký xe.
Có thể thấy rõ lợi ích mà dịch vụ công trực tuyến trên mang lại, đó là đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ người dân phải khai, phải nộp. Đơn giản hóa trình tự thực hiện với hồ sơ điện tử đã được chia sẻ dữ liệu dùng chung của đăng kiểm, thuế và CSGT. Người dân chỉ cần một lần đến cơ quan Nhà nước để bấm biển, nhận biển số. Giảm thời gian, chi phí đi lại thực hiện thủ tục.
Theo số liệu tổng hợp của CSGT, khi triển khai toàn quốc, dịch vụ này sẽ phục vụ khoảng hơn 4 triệu trường hợp đăng ký xe trong một năm. Với việc áp dụng thí điểm tại Hà Nội, TPHCM, ước tính sẽ tiết kiệm khoảng hơn 327 tỷ đồng/năm.
|
Trải nghiệm thành công dịch vụ công tại đầu cầu Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh
|
Quản lý lao động của DN thuận lợi
Tại điểm cầu Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam (đường Lý Thái Tổ, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), chị Nguyễn Thị Hoa Hường đại diện cho công ty thực hiện thủ tục đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp.
Chị Hường cho biết, trước đây, để đóng BHXH hằng tháng cho gần 3.000 lao động của công ty chị phải đi đến cơ quan Nhà nước để thực hiện: “Nay việc đóng BHXH được thực hiện trực tuyến tôi thấy thật sự thuận tiện, không những giúp DN thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, mà còn tiết kiệm được nhiều ngày công do không phải thực hiện thủ công như trước đây”.
Dịch vụ công này giúp DN cắt giảm thủ tục báo cáo tình hình thay đổi lao động (6 tháng, 1 năm, đột xuất), đồng thời giúp chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý lao động giữa các cơ quan, đảm bảo việc thực hiện tốt hơn chức năng quản lý giữa các cơ quan. Dịch vụ này sẽ phục vụ khoảng 800.000 đơn vị sử dụng lao động. Nếu thực hiện dịch vụ liên thông điện tử, đơn vị sử dụng lao động sẽ tiết kiệm được ít nhất 2 ngày công/năm, từ đó tiết kiệm chi phí mỗi năm tối thiểu 344 tỷ đồng/năm.
Sau khi thực hiện thủ tục liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động, chị Hoàng Thị Lê Anh, chuyên viên nhân sự Công ty VNPT-Technology cho biết, việc kê khai, nộp hồ sơ trực tuyến đối với dịch vụ liên thông giữa BHXH và lao động rất đơn giản. Việc thực hiện liên thông, chia sẻ giữa các cơ quan như thế này sẽ giúp việc quản lý lao động thuận lợi và tinh gọn hơn rất nhiều.
Dịch vụ công thứ 998 sẽ phục vụ trên 780.0000 đơn vị tham gia đóng BHXH cho hơn 14,5 triệu lao động và 12,8 triệu bảo hiểm thất nghiệp của người lao động hằng tháng. Đây là dịch vụ công thiết yếu, hiện nay các đơn vị lao động hàng tháng đều làm bằng hình thức thủ công (chuẩn bị chứng từ ủy nhiệm chi, đến ngân hàng hoặc cơ quan BHXH để đóng các loại bảo hiểm cho người lao động). Do đó, nếu thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bên cạnh thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, còn giúp đơn vị sử dụng lao động tiết kiệm được ít nhất một ngày công mỗi tháng cho việc thực hiện thủ tục này. Nếu chỉ lấy con số 501.044 đơn vị sử dụng lao động đã có giao dịch điện tử với BHXH thì số tiền tiết kiệm của toàn xã hội sẽ vào khoảng 1.329 tỷ đồng/năm.
Gia Huy