Bà Trần Thị Lương sinh ra trong một gia đình nông dân ở tỉnh Hà Tây (cũ). Mười ba tuổi, theo phong tục xưa, bà đính hôn với chàng trai cùng xóm. Mười bảy tuổi, độ đẹp nhất của đời con gái, người yêu bà vừa tuổi mười tám, xung phong nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Anh được biên chế vào tiểu đoàn vận tải, chở vũ khí đạn dược tiếp tế cho miền Nam. Năm 1962, đoàn xe vận tải mới vào tới Quảng Trị thì trúng bom, người yêu của bà đã hy sinh!
Bà Trần Thị Lương thắp hương tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ
Ngày thống nhất đất nước, gia đình, bạn bè an ủi, động viên mãi, bà Lương mới quyết định về chung nhà với một sĩ quan Không quân đóng tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Ông là người Quảng Trị tập kết ra Bắc. Hai vợ chồng đưa nhau về quê chồng sinh sống ở khu phố 2, phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà.
Năm 2005, trong một lần đến Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, trước hàng ngàn tấm bia mộ nghi ngút khói hương, bà nhìn thấy tấm bia mang tên liệt sĩ Trần Đình Miều, người yêu cũ của bà.
Bà Trần Thị Lương nhớ lại ký ức xưa
Bà Lương bảo rằng, gần một đời người mà câu chuyện chiến tranh, chia ly, đoàn tụ - như vừa mới hôm qua: “Khi tôi đi tham quan cùng chị em Quảng Trị, như kiểu ai xui thế nào ấy, tự nhiên lại thấy mộ anh ấy. Cảm xúc tôi lúc ấy hồi hộp, vừa mừng, vừa tủi, vừa thương anh ấy nữa, hy sinh từ ngày ấy đến giờ chẳng ai biết chỗ anh ấy ở đâu cả. Tôi cảm động, tôi mới vào nói chuyện với ông chồng tôi, ông chồng tôi nói, rứa em phải ra ngoài đó mà tin cho gia đình người ta để đem hài cốt của anh ấy về nghĩa trang ngoài quê mình cho nó gần gũi, thắp nhang hương khói cho anh kẻo tội. Hàng năm, tôi phải mua giấy áo cúng. Cứ mỗi năm, đến ngày 27/7, tôi lại đốt cho anh”.
Du khách đến thăm nhà lưu niệm Vĩ tyến 17 và khát vọng thống nhất non sông
Cứ đến dịp 30/4 hàng năm, gia đình liệt sĩ Bùi Kim Đỉnh từ thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ lại vào Nghĩa trang Quốc gia đường 9, thắp nén hương tưởng nhớ người thân. Chiến sĩ Bùi Kim Đỉnh hy sinh trên đất Quảng Trị trong “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, lúc anh 28 tuổi. Sau này, đồng đội đã mang chiếc ba lô có đựng các kỷ vật cùng 12 cuốn nhật ký từ chiến trường miền Nam về trao lại cho gia đình. Năm 2012, Nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản cuốn nhật ký ghi lại những ngày tháng chiến đấu oanh liệt của người chiến sĩ trong suốt 8 năm trời trên chiến trường miền Nam, từ năm 1964 đến 1972.
Thành cổ Quảng Trị
Anh Bùi Hùng Tuấn, em trai của liệt sĩ Bùi Kim Đỉnh cho biết, gia đình phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị thành lập Quỹ học bổng Bùi Kim Đỉnh, dùng một phần số tiền phát hành cuốn sách “Khát vọng sống và yêu” để gây quỹ khuyến học. Học bổng Bùi Kim Đỉnh được trao mỗi năm 1 lần vào dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30/4.
Anh Bùi Hùng Tuấn tâm sự, chúng ta đã đi qua cuộc chiến tranh, mọi người gác lại nỗi đau, chung tay xây dựng đất nước thịnh vượng, gìn giữ hòa bình: “Tôi nghĩ rằng để đất nước hòa bình, thống nhất như ngày hôm nay thì bao thế hệ cha anh đã phải hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Và việc đi thăm viếng các liệt sĩ để bày tỏ lòng tri ân với các liệt sĩ. Thứ hai là đối với liệt sĩ Bùi Kim Đỉnh anh đã để lại bộ nhật ký chiến trường, phổ biến nhật ký là những ước mơ, nguyện ước của các anh trước lúc hi sinh”- Anh Tuấn nói.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn
Ở tỉnh Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sỹ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sỹ quốc gia. Mảnh đất chịu nhiều nỗi đau chiến tranh quá lớn, khát vọng hòa bình càng lớn. Vùng đất Quảng Trị mạnh mẽ vươn dậy sau 48 năm thống nhất non sông. Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân Trương Đức Hai ở xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho rằng: Đến Quảng Trị hôm nay, ngoài Thành cổ Quảng Trị, dòng sông Thạch Hãn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 thì mọi người còn nhìn thấy nhiều cánh rừng cao su, cà phê xanh tít tắp, những khu dân cư trù phú, khu du lịch biển Cửa Tùng, Cửa Việt đang đổi thay từng ngày. Những hình ảnh đó trên mảnh đất tưởng chừng không còn sự sống sau chiến tranh đã hồi sinh mạnh mẽ, trở thành điểm đến của những ký ức chiến tranh và khát vọng hòa bình của cả dân tộc Việt Nam.
Tri ân các anh hùng liệt sĩ
Ông Trương Đức Hai khẳng định trên vùng đất thiêng Quảng Trị luôn nồng ấm khát vọng sống và yêu thương: “Ngày 30/4 ngày đất nước hoàn toàn giải phóng để lại trong ký ức bao người phấn khởi. Trong niềm vui chung thì cũng có những nỗi buồn, trong đó có những đồng đội, đồng chí, những người đã có quá trình cống hiến tuổi xuân, khi người ta chưa có gia đình và không gặp được người thân, hiện giờ có nhiều gia đình không tìm ra được những hài cốt của những liệt sĩ đó. Hằng năm không những cá nhân mà anh em còn lại luôn luôn đi thăm hỏi gia đình có những đứa con đã hy sinh cho quê hương. Năm nào cũng thế đến dịp 27/7, dịp lễ Tết, 30/4 anh em đồng đội đều đến nghĩa trang để tri ân đồng đội đã hy sinh”./.