Người dân Quảng Trị "giải nhiệt" ở bãi biển
Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị cho biết, do chịu ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây và hoạt động mạnh của gió Tây Nam (gió Lào) gây hiệu ứng phơn nên khu vực tỉnh Quảng Trị đã xuất hiện đợt nắng nóng kéo dài từ ngày 28/6 đến nay. Trong đợt nắng nóng này, nhiệt độ cao nhất trong ngày được đo trong lều khí tượng là 38 độ C. Tuy nhiên, thực tế nhiệt độ ngoài trời, đặc biệt ở các khu vực đường bê tông, rải nhựa lên đến 40-50 độ C hoặc có thể hơn. Đặc biệt, gió Tây Nam (gió Lào) ở khu vực đồng bằng tốc độ trung bình đạt cấp 4, cấp 5; giật trên cấp 6, cấp 7 khiến nắng nóng khô hạn gay gắt. Dự báo, hiện tượng này sẽ kéo dài đến hết ngày 7/7.
Để đối phó với nắng nóng người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đổ xô về các bãi tắm lớn như: Bãi tắm Hoàng Hậu, Thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh; bãi tắm Cửa Việt, Gio Hải của huyện Gio Linh; bãi tắm Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng… để tắm biển và tham gia các hoạt động thể thao dưới nước giải nhiệt cũng như ăn uống. Theo thống kê của Phòng Du lịch- Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị, hiện nay công suất phòng tại các khách sạn ở vùng biển đều đạt từ 70-80%.
Chị Hoàng Ngọc Phương Uyên ở khu phố 9, phường 5, thành phố Đông Hà, Quảng Trị cho biết: Nắng nóng khiến cuộc sống của gia đình chị đảo lộn. Nắng quá nên cả ngày không ai dám đi đâu xa. Ở thành phố không khí nóng bức, ngột ngạt rất khó chịu nên chờ chiều tối cả nhà chị lại về biển Cửa Việt tắm biển, ăn uống…
Theo ghi nhận của phóng viên, tại bãi biển Cửa Việt, huyện Gio Linh vào khoảng 16 giờ-20 giờ hằng ngày, hàng ngàn lượt người đổ ra biển để tắm. Các dịch vụ ăn uống đi kèm hoạt động nhộn nhịp để phục vụ nhu cầu của người dân.
Ông Nguyễn Văn Thạnh, Trưởng Ban quản lý Bãi tắm Cửa Việt cho biết: Trong năm 2018 lượng khách đổ về bãi tắm Cửa Việt đông hơn cùng kỳ những năm trước, trung bình mỗi ngày lượng khách đạt khoảng 2.000-2.500 lượt, đặc biệt những ngày cuối tuần đạt từ 5.000-7.000 lượt khách.
Để đảm bảo an toàn, Ban Quản lý bãi tắm đã cử người trực 100% để thực hiện tốt công tác cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ dùng loa phát thanh để thông báo và kêu gọi những người tắm ở các vị trí không an toàn, ở xa hoặc tắm muộn cẩn thận, đảm bảo an toàn. Ngoài ra, đơn vị cũng khuyến cáo người dân khi vui chơi tắm biển cần chú ý quản lý chặt trẻ nhỏ đi cùng cũng như tài sản mang theo.
Tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Trị, các kênh mương thủy lợi, ao, hồ, đập, sông, suối là nơi thu hút nhiều trẻ em đến tắm và vui chơi. Thực tế này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước rất cao. Theo số liệu của Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới - Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, chỉ trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã có 5 trẻ bị tử vong do tai nạn đuối nước, trong đó chủ yếu tập trung vào dịp hè. Trước thực trạng trên, các ngành chức năng đã khuyến cáo các bậc phụ huynh quan tâm chăm sóc và quản lý con em của mình, phòng tránh nguy cơ tai nạn đuối nước…
Số bệnh nhân đến khám và điều trị tại các bệnh viện tăng cao
Bệnh nhân nhi nhập viện điều trị bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc chủ yếu liên quan đến các vấn đề hô hấp và tiêu hóa. Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN
|
Nắng nóng kéo dài liên tiếp nhiều ngày qua tại Vĩnh Phúc khiến số bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em, người già đến khám và điều trị tại các bệnh viện tăng hơn những ngày thời tiết không nắng nóng. Các trường hợp đến khám chủ yếu mắc các bệnh sốt virus, viêm đường hô hấp, tai mũi họng ở trẻ em và bệnh tăng huyết áp, tim mạch ở người già.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Phó trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Những ngày nắng nóng, lượng bệnh nhân đến khám bệnh tăng cao so với ngày thường, đặc biệt từ ngày 2 - 5/7, bệnh viện tiếp nhận khoảng gần 2.300 lượt bệnh nhân đến khám bệnh, tăng khoảng 10% so với ngày trước đó. Trong đó, số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú tăng gấp đôi so với những ngày chưa nắng nóng.
Bác sỹ Lê Hồng Trung, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Ngay từ đầu năm, bệnh viện đã lên kế hoạch chuẩn bị cho công tác chăm sóc bệnh nhân trong những ngày hè nên chất lượng khám và điều trị bệnh luôn được đảm bảo. Bệnh viện đã tăng cường kiểm tra hệ thống điện, trang bị thêm quạt và dụng cụ chống nóng...
Theo các bác sĩ: Để phòng bệnh khi thời tiết nắng nóng, mọi người, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ cần uống đủ nước, ăn đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung các loại hoa quả để tăng sức đề kháng. Người già có thói quen tập thể dục nên dậy từ sáng sớm và buổi chiều sau khi tắt nắng hãy đi tập thể dục. Các bậc phụ huynh cần tránh cho trẻ nhỏ ăn đồ lạnh hoặc uống đá quá lạnh, ảnh hưởng đến họng và đường hô hấp. Đặc biệt, khi có dấu hiệu mắc bệnh, người dân không tự ý mua thuốc uống mà đến ngay cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nông dân đi cấy đêm để tránh nắng
Tại các vùng ven thành phố, bà con nông dân chọn đi cấy lúc tờ mờ sáng hay lúc mặt trời đã lặn, ban đêm để tránh cái nắng gay gắt. “Cấy lúa vào mùa này vất vả lắm, năm nay lại cấy đúng vào những ngày nắng nóng nhất, nhưng phải chịu vất vả thôi vì nếu không cấy thì mạ non sẽ hỏng mất"- bác Trần Thị Hằng ở phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội phân trần.
Nắng nóng đã khiến đời sống cũng như sinh hoạt của người dân Hà Nội bị đảo lộn. Người già và trẻ nhỏ bị ảnh hưởng khá nhiều. Chị Đỗ Thị Kim Chi, giáo viên Trường Mầm non Tuổi Thần Tiên - Dương Nội, quận Hà Đông cho biết, thời tiết nắng nóng, ngột ngạt đã khiến con gái 8 tháng của chị bị ốm.
Nhiều người dân Thủ đô đã hạn chế tối đa việc ra đường vào khoảng thời gian từ từ 11 giờ đến 14 giờ hằng ngày. Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều tuyến đường, khu vực ở Hà Nội vào khung giờ này rất ít người qua lại.
Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày nắng nóng, cùng với dịch vụ ship hàng, nhu cầu sử dụng taxi cũng tăng cao hơn so với ngày thường. Các dịch vụ Grab, Uber ở Hà Nội hoạt động hết công suất. Anh Triệu Tiến Sơn, tài xế Taxi Quê Lụa chia sẻ: “Mấy ngày hôm nay thời tiết nắng nóng nên lượng khách đặt xe nhiều hơn".
Mặc dù thời tiết khắc nghiệt nhưng nhiều người dân lao động vì kế sinh nhai vẫn phải lao ra đường để làm việc. Đẩy xe quần áo băng qua các tuyến phố dưới nền nhiệt trên 40 độ C, chị Nguyễn Thị Lý, một người bán quần áo rong cho biết: “Nắng nóng cũng phải tranh thủ đi bán hàng, may ra có khách mua hàng mới có tiền trang trải cuộc sống".