Phối cảnh một khu nhà ở xã hội tại Hà Nội (ảnh:nhaoxahoihn.vn)
Nhà ở xã hội là một trong 4 thể loại nhà ở có đặc thù riêng và luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ. Quyết tâm này của Đảng và Nhà nước được thấy rõ sau khi Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua cuối năm 2006, ngay sau đó rất nhiều văn bản pháp luật về hướng dẫn, thực hiện và quản lý hoạt động này cũng đã được ban hành. Có thể thấy qua các văn bản pháp luật; Nghị định số 90/2006/NĐ-CP quy định rõ cơ chế đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp; Nghị định số 100/2015/NĐ-CP quy định về việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội, mục tiêu này ngày càng được khẳng định rõ hơn.
Để thực hiện các mục tiêu đó, Chính phủ nói chung và lãnh đạo các địa phương nói riêng đã có nhiều chủ trương, quyết sách để hỗ trợ tối đa, thúc đẩy công cuộc xây dựng nhà ở xã hội. Việc thông qua hàng loạt các chính sách như miễn trừ thuế sử dụng đất, Nhà nước đầu tư hạ tầng khu vực ngoài hàng rào, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp...Qua đó, không chỉ người dân mua NOXH có lợi mà ngay cả nhà đầu tư xây dựng NOXH cũng được hỗ trợ tối đa khi tham gia xây dựng công trình NOXH.
Trong những năm qua, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên kết quả thực hiện chương trình NOXH vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Phản ánh tới báo chí, một người dân mua NOXH tại Hà Nội cho biết: “Rất vất vả tôi mới tiếp xúc được gói mua NOXH, sau đó cũng phải chuẩn bị, xác minh hàng loạt giấy tờ mới làm được thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để vay tiền mua nhà. Thế nhưng khi hoàn thành thủ tục thế chấp để vay vốn tại ngân hàng, đến Văn phòng đăng ký đất đai đăng ký thế chấp thì không thể đăng ký được với lý do căn hộ đang bị chủ đầu tư thế chấp tại một tổ chức tín dụng. Liên hệ với chủ đầu tư dự án thì nhận được câu trả lời rằng: Tài sản không hề bị thế chấp?!” – Anh P.V.T, một công chức thuộc đối tượng được mua nhà tại Hà Nội phản ánh.
Ðáng chú ý là mặc dù chương trình phát triển NOXH đã được nâng lên thành luật, trong đó quy định rõ các cơ chế hỗ trợ, cũng như nguồn lực hỗ trợ dành cho cả người mua nhà, ngân hàng hỗ trợ và chủ đầu tư xây dựng NOXH. Tuy nhiên, người dân vẫn gặp “khó” bởi chính cách làm việc thiếu trách nhiệm của một số chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Cùng với trường hợp của anh T, cũng gặp khó khăn khi tiến hành làm thủ tục vay vốn và bị trả lại hồ sơ với lý do “tài sản đang bị thế chấp tại một tổ chức tín dụng” chị T.T.H tại Hà Nội bức xúc phản ảnh: “Tại sao lại “đang bị thế chấp”? Chúng tôi đã ký hợp đồng mua nhà với chủ đầu tư, ký hợp đồng 3 bên cùng Ngân hàng và chủ đầu tư dự án rồi? Luật đã quy định rõ ràng về việc người dân khi mua NOXH được thế chấp chính căn hộ đã mua để vay vốn để thanh toán tiền mua nhà, nhưng nay tài sản này lại vẫn đang bị thế chấp, như vậy có phải là chủ đầu tư đang cố tình “làm khó” cho người dân khi mua NOXH?”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chủ đầu tư dự án xây dựng NOXH sẽ được hưởng hàng loạt cơ chế ưu đãi, hỗ trợ; được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê. Được dành tới 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở trong phạm vi dự án xây dựng NOXH để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại. Chủ đầu tư dự án được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng NOXH..Tuy vậy, không hiểu sao quá trình làm việc và thực hiện việc mua NOXH của người dân với chủ đầu tư xây dựng NOXH vẫn gặp “khó”?
Lo ngại khi không vay được tiền để thanh toán tiền nhà theo tiến độ, anh Phạm Văn Tuyến – Quán Thánh, Hà Nội chia sẻ: “Sau khi đóng 20% giá trị căn hộ đã mua sau khi ký hợp đồng mua nhà, tôi nhận được thông báo đóng nốt số tiền mua nhà còn lại từ chủ đầu tư. Tuy đã tiến hành ký hợp đồng 3 bên cùng với ngân hàng và chủ đầu tư nhưng cho đến nay tôi vẫn chưa thể vay được tiền từ ngân hàng do căn hộ tôi đã mua vẫn đang bị chủ đầu tư thế chấp! Như vậy, ngoài việc không thể vay tiền để thanh toán vào dự án, tôi còn phải chịu thêm khoản lãi suất từ phía chủ đầu tư tính do chậm nộp tiền theo tiến độ?! Đề nghị các cơ quan quản lý cần làm rõ việc này, thay bằng hỗ trợ, chúng tôi đang gặp quá nhiều khó khăn khi tiếp cận với việc mua NOXH? mà lỗi chính là do phía chủ đầu tư”.
Qua những phản ánh trên, có thể thấy người dân đang gặp phải rất nhiều khó khăn khi thực hiện việc mua nhà và vay vốn để mua nhà ở xã hội hiện nay. Đáng chú ý, khó khăn này lại đến từ chính đơn vị đầu tư nhà ở xã hội, là đơn vị được hưởng rất nhiều ưu đãi từ phía cơ quan quản lý Nhà nước..?!
Theo luật sư Nguyễn Xuân Dũng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, về việc người dân gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng khi tài sản căn hộ họ (người mua nhà) vẫn đang bị thế chấp sau khi hợp đồng mua bán giữa họ và chủ đầu tư được ký kết thì phải xem lại trách nhiệm ở phía chủ đầu tư. Ông Dũng cho biết: “Theo khoản 3, điểm a Điều 63 Luật Nhà ở năm 2014 quy định: Việc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội có sẵn phải tuân thủ các điều kiện sau đây: Khu vực nhà ở để cho thuê, cho thuê mua, để bán đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng, hồ sơ thiết kế và tiến độ của dự án đã được phê duyệt; nếu chủ đầu tư muốn thế chấp nhà ở thì phải giải chấp trước khi bán, cho thuê mua nhà ở này, trừ trường hợp được người mua, thuê mua và bên nhận thế chấp đồng ý. Như vậy tài sản (là căn hộ sẽ hình thành trong tương lai) của người dân mua phải được giải chấp trước khi bán và người dân có quyền sử dụng tài sản này thế chấp vay vốn tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào để vay tiền thanh toán mua nhà ở xã hội..”./.
HC - VH