|
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà. Ảnh: VGP/Hà Đạo
|
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), từ ngày 23/8, TPHCM bắt đầu triển khai xét nghiệm cộng đồng cho toàn bộ người dân. Trong đó, tại các tổ dân phố có mức nguy cơ cao (vùng cam) và vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ) sẽ xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, hay còn gọi là test nhanh, do người dân tự thực hiện theo từng hộ gia đình. Quá trình người dân tự lấy mẫu tại nhà sẽ được thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, việc tổ chức cho người dân lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, hoặc tự lấy mẫu ở nhà là rất quan trọng. Việc này sẽ giúp giảm nguồn lực y tế, vì chỉ cần đội ngũ giám sát và tình nguyện viên hỗ trợ cho người dân. Thời gian trước, việc lây lan F0 trong khi lấy mẫu đã xảy ra ở một số nơi do chưa đảm bảo điều kiện sát khuẩn, vì vậy, người dân tự lấy mẫu cũng sẽ đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện test diện rộng.
Sống chung với người thân trong gia đình ở vùng có nguy cơ cao ở phường Tân Quý (quận Tân Phú), bà Nguyễn Thị Thu Hằng chia sẻ, ban đầu khi tự lấy mẫu test xét nghiệm, bà cũng có chút bỡ ngỡ, nhưng được nhân viên y tế hướng dẫn nhiệt tình, hiện giờ bà đã tự lấy mẫu test rất dễ.
Chị Nguyễn Thị Hà ở chung cư Sài Gòn Gateway (TP. Thủ Đức) luôn lo lắng và mong muốn bản thân cùng gia đình được thường xuyên kiểm tra có bị nhiễm COVID-19 hay không. Chị bày tỏ rất phấn khởi vì hiện nay đã được hướng dẫn chi tiết cách tự lấy mẫu test nhanh ngay tại nhà.
“Trong bối cảnh hiện nay của TPHCM thì tự lấy mẫu test nhanh để tầm soát là rất cần thiết. Hệ thống y tế đang căng mình điều trị cho người mắc bệnh. Chính vì vậy, mỗi người dân tự test nhanh chính xác nhất theo hướng dẫn của tình nguyện viên, nhân viên y tế là để bảo vệ chính mình, bản thân và cộng đồng”, chị Hà chia sẻ.
Nhiều người dân cũng nhận thấy, việc tự lấy mẫu test nhanh tại nhà còn tránh tối đa việc tập trung đông người và nguy cơ lây nhiễm chéo.
Theo HCDC, có 7 bước hướng dẫn để người dân tự test nhanh với COVID-19 gồm: Chuẩn bị tuýp dung dịch đệm (buffer) theo hướng dẫn của nhà sản xuất; tự lấy mẫu trước gương hoặc thực hiện thao tác lấy mẫu cho các thành viên khác trong hộ gia đình; dùng tay xoay đều tăm bông trong tuýp nhựa chứa dung dịch đệm, nhúng que tăm bông lên xuống trong dung dịch đệm (10 lần); chuyển tay lên phần thân trên tuýp, bóp chặt và rút từ từ que tăm bông (đảm bảo vắt sạch toàn bộ dung dịch còn đọng trên đầu tăm bông xuống đáy tuýp); đóng chặt nắp màng lọc, lắc đều dung dịch trong tuýp bằng tay (5 lần); ghi tên mỗi thành viên lên từng khay test tương ứng và nhỏ 3 đến 5 giọt dung dịch trên vào giếng test (theo hướng dẫn của nhà sản xuất) và cuối cùng là đọc kết quả sau 15-30 phút theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Trường hợp âm tính: Chỉ xuất hiện 1 vạch C. Trường hợp dương tính: Xuất hiện cả 2 vạch C và T.
Người dân sẽ báo cáo kết quả và nộp lại khay test cho cán bộ y tế để tổng hợp.
Theo chỉ đạo mới nhất của BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM, Thành phố sẽ xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn cho toàn bộ người dân tại các tổ dân phố, tổ nhân dân có mức nguy cơ cao và vùng nguy cơ rất cao trong 14 ngày tới. Riêng các tổ dân phố có mức nguy cơ thuộc vùng xanh, vùng cận xanh và vùng vàng sẽ xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp (5 hoặc 10 tuỳ theo vùng) theo đại diện hộ gia đình. Tần suất xét nghiệm là 2 lần, cách nhau 7 ngày.
Các đội xét nghiệm của từng địa phương, trong đó mỗi đội phụ trách 4 tổ dân phố, cấp phát sinh phẩm xét nghiệm kháng nguyên nhanh đến từng hộ dân có khả năng tự thực hiện xét nghiệm. Việc cấp test nhanh cho người dân phải có sự tham gia của tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố hoặc ban quản lý khu phố, ấp...
Đối với người dân không thể tự thực hiện xét nghiệm, đội xét nghiệm sẽ chịu trách nhiệm thực hiện và có thể hướng dẫn cho người dân thực hiện cho các thành viên trong gia đình.
Sau 30 đến 60 phút, nhân viên đội xét nghiệm quay lại nhận kết quả từ người dân, đọc kết quả, ghi nhận những trường hợp có kết quả dương tính vào danh sách và xử lý những trường hợp F0 theo hướng dẫn của ngành y tế về xử lý ca khẳng định.
Hiền Minh