Sáng 1/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nghe Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng chống COVID-19 báo cáo về công tác truy vết, theo dấu các ca nhiễm COVID-19 thời gian qua.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Tổ trưởng Tổ thông tin cho biết, ngoài hơn 100 tình nguyện viên làm việc trực tiếp tại tổ, còn có hàng nghìn tình nguyện viên hỗ trợ trực tuyến nhằm xác minh ngay lập tức thông tin đối với các các trường hợp F1, F2, F3… quyết tâm không bỏ sót trường hợp nào.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi về công tác truy vết, theo dấu ca nhiễm COVID-19.
(Ảnh: Đình Nam)
|
Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với công tác truy vết, theo dấu ca bệnh là lượng người từ các ổ dịch ở Hải Dương di chuyển đến các địa phương khác rất lớn, tiếp xúc với nhiều người.
Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, nhiều người mắc COVID-19, đang cách ly tập trung, hoặc thuộc diện F1, F2 ở Hải Dương đã rất chủ động sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để thông báo cho những người mình quen biết, tiếp xúc, qua đó giúp Tổ Thông tin xác minh thông tin các trường hợp có nguy cơ trong thời gian nhanh nhất. “Nhiều người không lo mình bị nhiễm bệnh mà lo lây nhiễm cho người khác”- Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng còn không ít trường hợp mắc COVID-19, hay thuộc diện F1, F2 không chủ động khai báo thông tin, thậm chí không hợp tác với cơ quan chức năng, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch. Cá biệt có ca mắc, hàng trăm F1 đã không chủ động khai báo.
Trước đó, chia sẻ với các phóng viên, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết chỉ có 1% trong số F1 tự báo tin tới các cơ quan chức năng, 99% là kết quả tìm kiếm. Tìm rồi cũng ra nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn, virus lại lây lan nhanh, nếu chậm sẽ bỏ lỡ mất thời gian vàng...
Chính vì thế Thứ trưởng Bùi Thế Duy rất mong những người có liên quan đến Hải Dương, Quảng Ninh, người có tiếp xúc ca bệnh đã công bố, những trường hợp liên quan đến chỉ dấu thông báo khẩn đã được thông báo rộng rãi… hãy nhanh chóng liên lạc với cơ quan y tế để được tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm.
"Đây là cuộc chiến của con người và virus, cần càng nhanh càng tốt. Những ngày cuối năm đang đến gần, lượng người về quê đón Tết cổ truyền sẽ rất lớn, nếu để chậm sẽ khó khăn" - Thứ trưởng Bùi Thế Duy bày tỏ.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam động viên các tình nguyện viên là sinh viên trường đại học Y tế công cộng. (Ảnh: Đình Nam) |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi người dân ở vùng có dịch, cụ thể là TP. Chí Linh, thị xã Đông Triều, một phần của huyện Kinh Môn, huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) thực hiện thật tốt các quy định phòng chống dịch, đồng thời sử dụng tối đa các công cụ truyền thông xã hội để cung cấp thông tin cho Tổ Thông tin, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 về tất cả những người đã tiếp xúc trong khoảng thời gian vừa qua, và kêu gọi những người này dù đang ở đâu cũng cần chủ động khai báo, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng. "Việc này không chỉ để bảo vệ bản thân mà còn vì sự an bình của cả đất nước"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước đó, chiều tối 31/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại TP. Chí Linh (Hải Dương), thị xã Đông Triều (Quảng Ninh). Phó Thủ tướng tin tưởng Hải Dương, Quảng Ninh sẽ khoanh được ổ dịch sau 6 ngày nữa.
Hàng trăm F0, F1 không tự giác khai báo, Bộ Y tế kêu gọi người dân hợp tác
Theo Bộ Y tế, F0-F1-F2 không tự giác khai báo, cần cộng đồng phát hiện bất thường và báo tin trực tiếp cho Chính phủ.
Việt Nam rơi vào đợt bùng dịch thứ 3, biết bao tổn thất không thể kể được bằng con số: trẻ em nghỉ học, trường học đóng cửa, lao động mất việc làm, toàn dân trong lo âu mất Tết.
Vậy mà trong hoàn cảnh đó có tới 20% các F0 (bệnh nhân mắc COVID-19), khi được phát hiện và liên hệ đã không hợp tác. Cá biệt có ca mắc, hàng trăm F1 đã không chủ động khai báo tình thế nguy cấp, từ chối giao tiếp với lý do “Tôi rất khoẻ, tôi có làm sao đâu".
Để giúp nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, Chính Phủ cần người dân chung tay:
- Quan sát địa bàn sinh sống,
- Nếu phát hiện bất thường, truy cập antoancovid.vn/khaibao để báo tin ngay cho Tổ thông tin.
- Chia sẻ nội dung này tới người thân, bạn bè.
Báo tin khi:
- Nghi ngờ bản thân (hoặc người thân trong gia đình) đã nhiễm COVID-19
- Biết người đã tiếp xúc gần với F0, F1, F2
- Biết người vượt biên trái phép hoặc người đi từ vùng tâm dịch về nhưng không cách ly
- Biết một sự kiện đông người có nguy cơ lây nhiễm
- Muốn thông báo một nguy cơ lây nhiễm COVID-19 khác các lựa chọn trên
Những nội dung được nhân dân báo về sẽ được xác minh ngay lập tức bởi hàng ngàn tình nguyện viên, được tổng hợp và chuyển đến đầu mối theo đúng quy trình truy vết F0-1-2 đã vận hành hiệu quả trong gần một năm qua.
Cùng báo tin để giúp Việt Nam đón Tết an toàn.
|
Đỗ Thoa