Người cựu chiến binh 35 năm đi tìm đồng đội 

(PLO)- Suốt bao nhiêu năm qua, ký ức về những người lính cùng sát cánh trong trận chiến 81 ngày đêm ở Thành Cổ Quảng Trị đã thúc giục cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình (64 tuổi, phường 3, thị xã Quảng Trị) đi tìm mộ phần đồng đội.

Ông Nguyễn Thanh Bình là một trong những nhân chứng lịch sử từng tham gia chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. 45 năm đã qua kể từ ngày ấy, nhưng qua lời kể của ông, những câu chuyện về tình đồng đội, đồng chí cứ ùa về.

Hồi ức của người lính Thành Cổ

Giữa những ngày tháng 7, căn nhà nhỏ của ông Bình nằm sát bên Thành Cổ Quảng Trị có nhiều người lui tới hơn thường ngày. Họ là những người bạn, người đồng đội ngày xưa tìm về hay chính là thân nhân của những người liệt sỹ tìm đến ông để thăm hỏi cũng như nhờ giúp đỡ tìm mộ phần của người thân.

Người cựu chiến binh 35 năm đi tìm đồng đội - ảnh 1
Ông Nguyễn Thanh Bình nhớ như in những hình ảnh về những người đồng đội đã sát cánh trên chiến trường Thành cổ. Ảnh: N.DO

Ông Bình kể, năm 1972 cũng như những chàng trai cùng trang lứa, ông lên đường nhập ngũ và được biên chế vào tiểu đoàn 8, Tỉnh đội Quảng Trị (K8) tham gia trận chiến bảo vệ Thành Cổ. "Trong trận chiến đó, tôi làm nhiệm vụ của người lính trinh sát phải nắm rõ tình hình của địch trước trận đánh và kiểm tra trận địa khi trận đánh kết thúc. Cũng vì vậy mà tôi là người từng làm công việc đau đớn nhất là vuốt mắt và chôn cất cho biết bao đồng đội”, ông Bình nói.

Trong 81 ngày đêm, một thị xã Quảng Trị vỏn vẹn chỉ hơn 3km vuông đã phải nhận 328.000 tấn bom đạn, được tính tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima (Nhật Bản) vào năm 1945. Trong mưa bom bão đạn, các chiến sĩ vẫn giữ vững quyết tâm “còn người còn trận địa, còn người còn Thành Cổ Quảng Trị” cho đến hơi thở cuối cùng.

Nói như ông Bình, những người lính Thành cổ năm nào khi nhắc đến thành cổ Quảng Trị là những hình ảnh về trận đánh, hình ảnh về những đồng đội cùng sát cánh bên nhau lại hiện hữu chưa bao giờ nguôi ngoai. “Những người lính lúc ấy chủ yếu ở độ tuổi đôi mươi, có những người đã lập gia đình, người chưa. Mặc dù vất vả và biết được những mất mát hy sinh đang ở phía trước nhưng ai nấy cũng lạc quan và quyết tâm chiến đấu…”, ông Bình nghẹn giọng.

Người cựu chiến binh 35 năm đi tìm đồng đội - ảnh 2
Bài thơ nói về tầm quan trọng của Thành cổ Quảng Trị được đặt trong khuôn viên Thành cổ.

Ông Bình nhớ nhất là hình ảnh của liệt sỹ Nguyễn Văn Thành quê ở huyện Gio Linh, Quảng Trị. “Trong một trận đánh, biết mình bị thương nặng khó qua khỏi, đồng chí Thành đã gắng gượng nói với tôi rằng để dành bông băng cứu thương lại cho những đồng đội khác. Thành còn dặn “nếu sau này đồng chí còn sống, nhờ đồng chí về quê báo với mẹ tôi rằng hôm nay tôi đã bắn 5, 6 tên địch coi như đã trả thù được cho cha”. Nói xong, anh trút hơi thở cuối cùng. Nhưng điều buồn nhất là sau trận đánh, dù đã cố gắng tìm kiếm nhưng tôi và đồng đội không thể tìm được thi thể của Thành”, ông Bình nhớ lại.

Dù chiến đã lùi xa, nhưng ông Bình vẫn nhớ như in lời nói của các đồng đội cứ vang vọng trong đầu: “Anh em mình ngồi đây nhưng ra trận không biết ai còn, ai mất. Sau này nếu ai may mắn còn sống thì nhớ đưa anh em đã chết về với quê hương”.

Mệnh lệnh của trái tim

Lời nhắn nhủ đó được ông xem như là “mệnh lệnh” để thúc giục bước chân mình không được nghỉ ngơi với công việc đi tìm mộ phần của đồng đội như tìm lại chính phần máu thịt của mình đã bỏ lại ở nơi đây.

Người cựu chiến binh 35 năm đi tìm đồng đội - ảnh 3
Thị xã Quảng Trị sau 81 ngày đêm. Ảnh tư liệu.

Cũng vì lý do này mà sau chiến tranh, ông Bình trở lại thị xã Quảng Trị để dựng một căn nhà ngay sát Thành cổ để sinh sống. Suốt 35 năm qua, không một đồng lương hay trợ cấp, ngày ngày người cựu chiến binh ấy vẫn miệt mài đi khắp các ngóc ngách của Quảng Trị mong sớm đưa đồng đội về với gia đình.

Ngày ông trở về nơi đây, thành cổ xưa đã bị cày xới, đổi thay nhiều khiến việc xác định vị trí chôn cất đồng đội hết sức khó khăn. Nhưng chỉ cần thân nhân cung cấp thông tin về liệt sĩ là ông Bình biết chính xác đơn vị chiến đấu vùng nào, địa điểm có thể hi sinh, được cất bốc hay chưa. Suốt thời gian qua, ông đã giúp quy tập hơn 100 hài cốt liệt sĩ Thành Cổ, trong số này có 30 hài cốt đã xác định được thông tin rõ ràng. Tất cả thông tin của những hài cốt được tìm thấy đều được người cựu chiến binh này ghi chép cẩn thận vào một cuốn sổ để làm tư liệu khi cần.

Người cựu chiến binh 35 năm đi tìm đồng đội - ảnh 4
Ngày nay, Thành cổ Quảng Trị đón rất đông người dân ở khắp mọi miền về hành hương tưởng niệm.

Trong những lần đi tìm hài cốt đồng đội, ông Bình nhớ nhất là trường hợp liệt sỹ Lê Thanh Viễn (quê Đức Phổ, Quảng Ngãi). Ngày lên đường nhập ngũ, đứa con trai của anh và vợ là chị Nguyễn Thị Huệ chỉ vừa tròn 3 tháng tuổi. Sau đó không lâu thì anh Viễn hy sinh và nằm lại ở chiến trường Thành cổ.

Biết ở quê nhà bà Huệ mong ngóng được sớm đón hài cốt của anh trở về, ông Bình khăn gói lên tàu ra Bắc tìm lại những đồng đội chung đơn vị liệt sĩ Viễn để thu thập thông tin. "Trời không phụ lòng người, sau nhiều ngày ngược xuôi tôi cũng tìm được hài cốt liệt sĩ Lê Thanh Viễn đưa về Quảng Ngãi với gia đình. Khi đưa hài cốt anh về tới quê, nhìn gia đình hàng xóm ai cũng rưng rưng nước mắt, chúng tôi không thể cầm lòng", ông Bình nói.

Chứng kiến hoàn cảnh gia đình liệt sĩ Viễn hết sức khó khăn, ông Bình đã chủ động kêu gọi đồng đội tìm cách giúp đỡ. Nhờ đó mà hai mẹ con bà Huệ có được căn nhà tình nghĩa để che nắng, che mưa khi gia đình thiếu đi trụ cột là người chồng, người cha. “Còn đó rất nhiều bà mẹ, người vợ và những đứa con vẫn chưa tìm thấy phần mộ của người thân mình, đó là điều tôi day dứt nhất. Khi nào còn đồng đội chưa trở về được với quê hương thì tôi chưa cho phép mình được nghỉ ngơi…", ông Bình nói.

NGUYỄN DO 
1352 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1202
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1202
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87124309