Người con gái ấy 

Người con gái ấy tên là Thu Hồng, nữ du kích xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Cô đã hy sinh ngay trong những ngày đầu chiến dịch Tổng tiến công năm 1972 khi mới hai mươi tuổi.
Là một học sinh miền nam đang học trên đất Bắc, cô tình nguyện xin về quê hương trực tiếp cầm súng chiến đấu.

Cô là người chiến sĩ trong bức ảnh tôi đã chụp. Sau đó Thu Hồng đã hy sinh. Tôi lại là người được anh chị em trong đội du kích giao cho mang cuốn nhật ký của cô về cho ba má cô, những cán bộ lãnh đạo của Quảng Trị ngày ấy. Cuốn nhật ký cô viết cho riêng mình mở đầu bằng dòng chữ: "Tổ quốc gọi con ! Con nguyện đi theo con đường ba má đang đi...".

Chân dung Thu Hồng, nữ đội viên du kích xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, Quảng Trị, người đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất quê hương trong chiến dịch Tổng tiến công năm 1972.

Những ngày tháng 7 này, xin được trích lại đoạn viết sau đây về cô (trong cuốn sách "Năm tháng xa xanh" của tôi do Nhà xuất bản Thông tấn xuất bản năm 2013) cùng bức ảnh Thu Hồng để tưởng nhớ một trong hàng triệu người trẻ tuổi đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến vì độc lập tự do của đất nước:

"... Chúng tôi đi thực tế về nơi dừng chân của đội du kích xã Gio Mỹ. Khu căn cứ này nằm ở khoảng giữa Đồi 31 và sông Hiền Lương, trên một triền cát trắng có những hàng phi lao còn sót lại qua đạn bom. Những căn hầm chìm sâu trong cát. Cuôc sống của những người du kích, ngay trong tầm pháo của kẻ địch, vẫn căng tràn sức sống của tuổi trẻ. Hầu hết anh chị em trong đội đều là thanh niên trong xã, tuổi trong ngoài đôi mươi. Họ bám trụ trên vành đai làm nhiệm vụ bám dân, giữ đất và theo dõi các động tĩnh của kẻ địch để trợ giúp cho bộ đội chủ lực sau này.

Tôi nhớ rõ buổi anh em trong đoàn, với sự giúp đỡ của bí thư xã Mai Tiến Đồng và xã đội trường Nguyễn Văn Em đi thăm anh em trong đội. Các nhà báo trẻ và những người du kích trẻ rất dễ gần, chuyện trò, đùa nghịch như pháo rang. Chúng tôi tìm hiểu cuộc sống của anh chị em trong đội và chụp ảnh cuộc sống sinh hoat ở đây: cảnh luyện tập, sẵn sàng chiến đấu, tăng gia sản xuất, sinh hoạt tập thể.

Trong số những cô gái vùng cát đen giòn, mạnh mẽ, tôi để ý đến một cô gái mà vẻ ngoài rất khác với số đông. Đó là Thu Hồng, đội viên kiêm giáo viên văn hoá của đội. Đấy là một cô gái trắng trẻo, xinh đẹp với gương mặt bầu bĩnh, nét cười tươi, giọng nói nhẹ nhàng. Chúng tôi chụp ảnh cô trên bãi luyện tập cùng đồng đội, rồi lại gặp cô trong hầm khi đang dạy văn hoá cho anh chị em. Khi hỏi chuyện, chúng tôi mới biết cô vừa từ miền Bắc trở về và gia nhập đội du kích được mấy tháng nay. Cô là con của một cán bộ cao cấp, được gửi ra Bắc học, nhưng đang học phổ thông cô đã tình nguyện xin về quê chiến đấu. 

Qua bí thư Mai Tiến Đồng, chúng tôi được biết Thu Hồng chính là con gái của bác Lê Thư, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban dân vận và bác Nguyễn Thị Toàn, Hội phó Hội phụ nữ giải phóng tỉnh. Điều cảm nhận của tôi khi đó là Thu Hồng rất gần gũi, cởi mở khi trò chuyện, nhắc nhiều về những ngày học trên đất Bắc với nhiều kỷ niệm. Cô học ở Đông Triều, trong một trường dành cho học sinh miền nam, nơi cả bốn anh chị em trong nhà đều theo học.

Thu Hồng là chị cả, khi ở ngoài đó, vì bố mẹ ở chiến trường, đã sớm trưởng thành, lo toan cho các em trong điều kiện sống ở hậu phương thời chiến nhiều khó khắn. Nguyện vọng lớn nhất của cô là được về quê hương chiến đấu. Cuối cùng tổ chức cũng đã đồng ý với nguyện vọng của cô. Về Quảng Trị, mặc dù bố mẹ đều là lãnh đạo, nhưng cô đã tình nguyện về tham gia du kích xã, chấp nhận cuộc sống nhiều gian khổ hy sinh ở cơ sở.

Sau chuyến đi ấy, bức ảnh về du kích xã M (Gio Linh) của anh em trong đoàn được nhiều báo ờ Hà Nội dùng. Riêng bức ảnh tôi chụp Thu Hồng đang ngắm bắn, gương mặt xinh đẹp sáng lên trong nắng và rất duyên dáng dưới vành mũ tai bèo được báo Quân đội Nhân dân dùng rất trang trọng. Đây cũng là bức ảnh đăng báo đầu tiên trong đời cầm máy của tôi.

Tôi nhớ mãi hình ảnh Thu Hồng lúc chia tay. Cô đứng bên cửa hầm, dưới tán phi lao, ánh mắt nhìn xa xăm. Chúng tôi chúc nhau nhiều điều may mắn, hẹn sẽ gặp lại khi quê hương giải phóng… Cả hai chúng tôi cũng như mọi người đều cảm nhận rất rõ chiến dịch lớn đang đến gần. Ngày Quảng Trị giải phóng không còn xa nữa. 

Khi ấy tôi không thể ngờ rằng đây là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau. Hơn một tháng sau, ngay trong đêm đầu tiên nổ súng trên toàn tuyến, Thu Hồng đã anh dũng hy sinh khi cùng đồng đội đánh chiếm căn cứ địch ở Bến Ngự…".
 
Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng
728 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 342
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 342
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87119050