Người có công định cư ở nước ngoài sẽ được hưởng chính sách 

(Chinhphu.vn) - Một trong những kiến nghị sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng là bổ sung các đối tượng như thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến làm nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến bị ốm đau, bệnh tật; người có công là người Việt Nam ở nước ngoài…
Tại Hội thảo hoàn thiện chính sách pháp luật về ưu đãi người có công do Bộ LĐTB&XH phối hợp với các đơn vị tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-liệt sĩ, Bộ LĐTB&XH cho biết, sẽ đánh giá toàn diện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công, xây dựng và ban hành pháp lệnh mới thay thể pháp lệnh hiện hành nhằm thực hiện tốt hơn chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng.

Trước đó, tại buổi họp báo về các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-liệt sĩ, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cũng cho biết, người có công ở nước ngoài hiện có 2 nhóm, gồm nhóm người có công đang hưởng chính sách trong nước, sau đó ra nước ngoài sinh sống, sẽ vẫn hưởng chính sách như khi còn ở trong nước và nhóm người có công nhưng định cư ở nước ngoài và chưa hưởng chính sách gì.

Đối với nhóm thứ 2, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và được đồng ý về nguyên tắc cần xây dựng chính sách cho nhóm đối tượng này. Chính phủ đã giao Bộ Quốc phòng phối hợp Bộ LĐTB&XH để trình Chính phủ ban hành cơ sở pháp lý về chế độ. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài có công với cách mạng có nhiều đối tượng khác nhau, nên chính sách cho từng nhóm đối tượng cũng phải khác nhau”.

Liên quan tới những người sinh ra ở thế hệ thứ 3 (đời cháu) vẫn bị nhiễm di chứng của chất độc hóa học thời ông bà đi hoạt động cách mạng, Bộ trưởng khẳng định, đây là câu chuyện phải bàn tới và sẽ kiến nghị chính sách với nhóm đối tượng này lên Ban Bí thư.

Đại tá Ngô Quang Phú, Phó Cục trưởng Cục Chính sách quân đội (Bộ Quốc phòng) cũng cho biết: “Đối với chính sách với người có công định cư ở nước ngoài, Bộ Quốc phòng đang nghiên cứu để đề xuất với Ban Bí thư chính sách cụ thể. Qua khảo sát ở một số nước, sẽ có khoảng 40.000 đối tượng thuộc diện này”.

Bên cạnh đối tượng người có công định cư ở nước ngoài, nhiều kiến nghị sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng cũng cho rằng cần bổ sung các đối tượng như thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến làm nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến bị ốm đau, bệnh tật; người tham gia bảo vệ tổ quốc bị địch bắt, tù đày sau ngày 30/4/1975…

Đại diện các cơ quan, hội đoàn thể, chuyên gia trong lĩnh vực người có công cho rằng việc sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng là cần thiết. Tuy nhiên, việc xem xét đối tượng phải có rà soát, đánh giá cụ thể từng nhóm đối tượng tác động, qua đó xác định số liệu chính xác, để xác định nguồn lực, tránh tình trạng như việc thống kê sửa nhà cho đối tượng có công thời gian vừa qua, thống kê ban đầu chỉ có hơn 72.000 nhà cần sửa chữa, nhưng hiện nay thống kê bổ sung lên đến hơn 300.000 nhà.

Bộ LĐTB&XH sẽ sớm tổng kết, đánh giá toàn diện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công, xây dựng và ban hành pháp lệnh mới thay thế Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành.

Những vấn đề liên quan đến người có công là những vấn đề rất nhạy cảm và phức tạp, do đó để xây dựng hệ thống pháp luật ưu đãi người có công phải tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, tiến hành từng bước phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, bảo đảm công bằng xã hội.

Thu Cúc

428 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 891
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 891
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87106445