Theo số liệu của Tổng cụ Thống kê, giai đoạn 2009-2019 số người cao tuổi ở nước ta tăng từ 7,45 triệu lên 11,41 triệu, tương đương tăng từ 8,68 % lên 11,86 % tổng số dân số. Số người cao tuổi tăng thêm chiếm gần 40% dân số tăng thêm. Cũng trong giai đoạn này, tổng số dân tăng trung bình 1,14% thì dân số cao tuổi tăng tới 4,35 %/năm. Nâng cao tuổi thọ trung bình của người dân là một trong những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đất nước. Các chỉ số sức khỏe, tuổi thọ bình quân của người dân Việt Nam được cải thiện là minh chứng cho hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Vấn đề đặt ra là cùng với hệ thống chính sách an sinh xã hội để chăm sóc ngày càng tốt hơn người cao tuổi thì phải coi đây là nguồn lực nội sinh của quý giá.
1. Người cao tuổi là người đã từng trải, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm phong phú trong cuộc sống, trong thực tiễn sản xuất, chiến đấu, am hiểu sâu sắc về văn hoá, ứng xử trong cộng đồng, dòng họ, gia đình. Người cao tuổi thật sự là những “Thư viện sống” trong nhiều lĩnh vực như: kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, sản xuất kinh doanh, xóa nghèo, làm giàu cho quê hương, đất nước. Hơn chục triệu người cao tuổi ở nước ta hiện nay có hàng triệu người cao tuổi có trình độ đại học, cao đẳng, nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhiều nhà khoa học, nhiều cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước, của các ngành, các cấp vẫn lao động miệt mài không ngừng nghỉ, vẫn ngày đêm say sưa nghiên cứu khoa học, sáng tạo,… tích cực tham gia vào các hoạt động công tác xã hội, truyền thụ những kiến thức, kinh nghiệm về khoa học - công nghệ, ngành nghề truyền thống cho thế hệ trẻ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi bàn về vai trò của giới phụ lão đã nói: “Trách nhiệm của các cụ phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước mất phụ lão cứu, nước suy sụp phụ lão phù trì..."
Một sự thực hiễn nhiên là: những người con, người cháu… trưởng thành, thành đạt, thậm chí nổi tiếng; là những nhà khoa học, những doanh nhân giỏi,… có phần đóng góp, hy sinh thầm lặng của các thế hệ cha ông đi trước. Những người cao tuổi, với trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ, làm ông… đã không quản tuổi tác, không ngại vất vả, gian khó vẫn hăng hái “làm kinh tế”, tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, cơ sở; họ âm thầm đảm nhận vai trò trụ cột trong gia đình; giúp các con nuôi dạy cháu, chắt của mình trưởng thành, “nên người”. Không ít người cao tuổi phải tạm thời rời mái ấm gia đình, xa quê hương ra thành phố lao động để có tiền nuôi con ăn học. Thật cảm động khi trên truyền hình thông tin: có một ông bố phải ăn ở tạm bợ nơi khoanh cống bên đường làm nghề sửa chữa xe; có người đi làm giúp việc, khuân vác, vận chuyển hàng hóa ở các chợ đầu mối,… vất vả ngày đêm, ăn tiêu tằn tiện, ngủ tạm qua đêm trong lều lán, nhà trọ chỉ 3.000đ đến 5.000đ/tối để tiết kiệm tiền nuôi con ăn học đại học, mong con, cháu sau này có “cái nghề” cho đỡ khổ!
2. Thực tế cho thấy, những người nghỉ hưu ở tuổi 60-62, về cơ bản họ còn sức khỏe, trí tuệ, nhiệt huyết đều có nguyện vọng được tiếp tục làm những công việc phù hợp để tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, phụ giúp con cháu,… sống khỏe, sống có ích. Nhiều người cao tuổi xác định, nghỉ hưu là nghỉ việc ở cơ quan nhà nước hay ở đơn vị sản xuất kinh doanh theo chính sách của Nhà nước chứ không phải ngừng hoạt động. Trong nhiều trường hợp, các cụ ở tuổi thượng thượng thọ vẫn lao động, học tập không ngừng nghỉ. Họ đã chứng minh rằng, cơ thể con người có khả năng nội tại vô tận, nên tiếp tục sử dụng khả năng đó một cách liên tục không ngừng nghỉ thì mới tốt.
Một số nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước và quốc tế cho rằng: Những người sau nghỉ hưu tiếp tục làm việc ngay năm đầu tiên giảm 3,2% bệnh tật, sau 5 năm giảm 11% nguy cơ tử vong. Do vậy, những người đến tuổi hoặc đã nghỉ hưu cần được các cấp, các ngành và xã hội quan tâm, tạo điều kiện, sắp xếp những công việc phù hợp để họ có thể tiếp tục cống hiến tiếp từ 10 - 15 năm, các nhà khoa học có thể cống hiến tiếp 20 - 25 năm,… sẽ mang lại nhiều lợi ích cho gia đình và xã hội, nhất là giai đoạn già hóa dân số đang diễn ra.
Để kết thúc bài viết này, xin được dẫn lại thông điệp của TS Dương Quốc Trọng, khi ông là Tổng Cục trưởng, Tổng cục Dân số: “Người cao tuổi hôm nay chính là người trẻ hôm qua và người trẻ hôm nay chính là người cao tuổi trong tương lai. Làm thế nào để già hóa là thành tựu đúng nghĩa, chứ không phải là gánh nặng? “Nếu bạn đang là người trẻ thì hãy chủ động chuẩn bị cho giai đoạn "già" của mình bằng cách lao động làm giàu, tích lũy cho tuổi già; còn nếu như đã già rồi thì vẫn có thể chủ động phát huy những khả năng, vai trò cống hiến cho gia đình, cho xã hội và cho chính bản thân mình”. Trí Ánh