Người “truyền lửa” ở di tích Thành cổ Quảng Trị 

Thành cổ Quảng Trị nằm ngay ở trung tâm thị xã Quảng Trị, là công trình thành luỹ quân sự và là lỵ sở của triều đình nhà Nguyễn trên địa hạt Quảng Trị. Đây cũng là trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị thời thuộc Pháp và chính quyền miền Nam. Đặc biệt, trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy năm 1972 Thành cổ được cả thế giới biết đến qua cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành đầy khốc liệt. Hình ảnh Di tích Thành cổ Quảng Trị, với những câu thơ “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ” (bài “Tấc đất Thành cổ” của tác giả Phạm Đình Lân) từ lâu đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách cả nước và bạn bè quốc tế; là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước cho biết bao thế hệ.

 Ban Quản lý Di tích Thành cổ Quảng Trị có 14 người, gồm đội ngũ đón tiếp, thuyết minh viên và bảo vệ do chị Cáp Thị Thiên Trang làm Trưởng Ban. Ngày ngày, họ lặng lẽ làm nhiệm vụ với tất cả tình cảm và trách nhiệm.
Chị Trang (48 tuổi) nhưng đã công tác tại đây 20 năm, tốt nghiệp chuyên ngành Ngoại ngữ nhưng đã đến với nghề thuyết minh viên tại Thành cổ Quảng Trị như một cơ duyên. Còn nhớ khi mới bước vào nghề, dù thiếu thông tin, thiếu cơ sở vật chất, nhưng nhiệm vụ chị tự đặt ra là khách đến Thành cổ Quảng Trị phải có một ấn tượng gì đó khi ra về. Người Quảng Trị có giọng nói địa phương rất nặng và thói quen nói nhanh, chị Trang phải tập nói chậm và nói tiếng phổ thông để khách dễ nghe. Sau một thời gian làm việc tâm huyết, chị được tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban quản lý, công việc vì đó cũng tăng thêm gấp bội.

Chị chia sẻ: “Đây là không gian linh thiêng”, là “Địa chỉ đỏ” về truyền thống cách mạng ở Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung. Đến nay, cụm di tích Thành cổ Quảng Trị đã vượt phạm vi 24ha diện tích của thành cũ, hướng qua hữu ngạn sông Thạch Hãn, với các công trình tôn vinh, tưởng niệm như: Tháp chuông, Quảng trường Giải phóng, Bến thả hoa, Đài tưởng niệm… Những năm gần đây, lượng khách đến thăm viếng ngày một đông. Do vậy, công việc của cán bộ, nhân viên tại đây đòi hỏi phải không ngừng được nâng cao để đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách.

Để chất lượng phục vụ, dịch vụ ngày một tốt hơn, với trách nhiệm của mình, chị Trang đã căn cứ vào tình hình thực tế, đề ra phương án bố trí lịch công tác của từng thành viên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; việc đón tiếp du khách được thực hiện theo đúng quy trình, sắp xếp bố trí khoa học nhằm bảo đảm tốt nhất cho hoạt động đón tiếp hàng ngày, đặc biệt vào những ngày lễ lớn với hàng ngàn lượt khách ghé tham quan. Không ngừng quan tâm bồi dưỡng kỹ năng thuyết minh cho đội ngũ thuyết minh viên, nhất là những người mới vào nghề; chú trọng phát triển dịch vụ hàng lưu niệm có chất lượng, trong đó có các sản phẩm hàng lưu niệm đặc trưng về di tích, bước đầu thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về giới thiệu sản phẩm du lịch nông sản Quảng Trị đến với khách du lịch. Bên cạnh đó, việc chăm sóc, cắt cỏ, phát quang cây xanh, trồng cây, trồng hoa tạo cảnh quan trong khuôn viên... cũng góp phần tạo nên ấn tượng cho du khách mỗi lần ghé thăm.

Trong điều kiện bùng nổ của công nghệ thông tin và nhiều trung tâm giải trí xuất hiện, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân ngày càng cao, đòi hỏi công tác giáo dục truyền thống, cách mạng phải có nhiều nỗ lực để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ; nhất là phải đổi mới công tác trưng bày, tuyên truyền. Xuất phát từ thực tiễn đó, chị Trang đã đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả, từ việc xây dựng nội dung, ý tưởng trưng bày với hình ảnh, hiện vật để tạo điểm nhấn nổi bật về chủ đề, hấp dẫn, ấn tượng về nội dung… đến công tác bảo quản, giữ gìn những kỷ vật tại Thành Cổ Quảng Trị, đặc biệt là những lá thư thời chiến; tích cực phối hợp với các trường học tổ chức các buổi ngoại khoá tìm hiểu về lịch sử địa phương; các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc quảng bá, giới thiệu về Di tích Thành cổ Quảng Trị, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, QRTV...thực hiện các chương trình truyền hình trực tiếp, các chương trình lễ hội diễn ra tại Di tích.

Nhờ các giải pháp đồng bộ, sáng tạo, những năm qua, Di tích Thành cổ đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, học tập. Nhiều trường học trên địa bàn đã chọn đây là “địa chỉ đỏ” để học sinh, sinh viên đến tìm hiểu, học tập; giáo dục, tuyên truyền truyền thống cách mạng.

Bản thân chị Trang, tuy là Trưởng Ban quản lý, nhưng chị cũng kiêm luôn nhiệm vụ thuyết minh hướng dẫn, được trời phú cho chất giọng truyền cảm, nhẹ nhàng, dễ chạm đến cảm xúc người nghe, nhưng với chị Trang đó mới chỉ là yếu tố cần. Dù đã có bài thuyết minh chung, nhưng chị luôn chịu khó biên soạn nội dung thuyết minh trên cơ sở các thông tin, dữ liệu, tư liệu chính thống theo sự hướng dẫn của Phòng nghiên cứu, Trưng bày và Tuyên truyền; vừa bám sát nội dung khung đề cương thuyết minh đã được đơn vị thẩm định, vừa nỗ lực tìm kiếm tư liệu lịch sử để thu nhận cho mình những câu chuyện mới, những chi tiết độc đáo. Từ đó bổ sung cho bài thuyết minh của mình thêm hoàn chỉnh, để người nghe có thể hiểu thêm sự ác liệt tại chiến trường Thành Cổ, phần nào tái hiện hình ảnh một thế hệ thanh niên, sinh viên anh hùng xếp bút nghiên, tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Tuỳ vào nhu cầu và đối tượng khách tham quan mà chị Trang lồng ghép, kết hợp các phương pháp thuyết minh phù hợp nhằm chuyển tải nội dung sao cho vừa đảm bảo tính hấp dẫn, logic, cũng như dẫn nhập mạch cảm xúc đạt đến thăng hoa, phù hợp với không gian, thời gian nhằm mang lại hiệu quả trong công tác thuyết minh. Câu chuyện lịch sử vốn đã rất xúc động, qua sự truyền đạt của chị dường như được thổi hồn thêm. Chị tâm sự: “Người ta vẫn nói, làm cho người cười đã khó, làm cho người khóc càng khó hơn. Mình phải nói bằng cả trái tim để câu chuyện đi vào lòng người nghe”. Rất nhiều du khách sau khi được nghe kể chuyện lịch sử ở 81 ngày đêm Thành cổ đã rơi lệ, đã òa khóc nức nở, kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh oanh liệt của các liệt sĩ và các lực lượng chiến đấu tại đây. Chính những tình cảm yêu mến, trân trọng của du khách đã tiếp thêm động lực cho chị và các thuyết minh viên tại đây. Với chị đó là món quà vô giá.

Bước ra khỏi cổng Thành cổ, hướng về dòng sông Thạch Hãn hiền hòa, người viết lại thoáng nghe câu thơ của tác giả Lê Bá Dương:

Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm!”.

Quá khứ vẫn còn đó, đau thương mà bi tráng, cảm ơn những người như chị Trang- người “truyền lửa” lịch sử để thế hệ hôm nay ghi tạc, tiếp nối truyền thống cha anh, quyết tâm bảo vệ, dựng xây đất nước! Ngọc An

 

 

 

 

 

 

 

502 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1060
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1060
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87006090