Người “khai khẩn” ở A Dơi 

Biên phòng - Trong tâm khảm, người dân xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị luôn coi ông Hồ Yên, nguyên Bí thư Đảng ủy xã A Dơi là người “khai khẩn” vùng đất này… Những năm 80 của thế kỷ trước, vùng đất A Dơi là nơi thâm sơn cùng cốc, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Pa Kô và Vân Kiều, quen du canh, du cư và phát-đốt-cốt-trỉa. Vì vậy, cái đói, cái nghèo mãi đeo bám với người dân nơi đây. A Dơi lúc đó chưa có đường cái lớn, chỉ có những lối mòn do người dân đi lại làm nương rẫy mà thành. Do không có đường nên những người dân nơi đây gần như bị tách biệt với cuộc sống bên ngoài.
5c0b3590455714adb9000e88

Ông Hồ Yên (ngoài cùng, bên phải) và BĐBP tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng đời sống mới. Ảnh: Phan Phước Trung

Với mong muốn giúp bà con sớm thoát khỏi đói nghèo, Hồ Yên mạnh dạn mua chiếc xe zin ba cầu cũ, đồng thời vận động khoảng 20 thanh niên trai tráng trong bản Princ cùng ông cơm đùm cơm nắm, với các dụng cụ thô sơ như cuốc, thuổng, xà beng... bắt đầu làm đường. Tối ở đâu thì cả đoàn hạ lán, nấu cơm và tìm kiếm rau rừng để ăn qua bữa; hôm sau lại tiếp tục công việc phá đá, đào đất, mở đường. Mọi chi phí trong thời gian làm đường đều do một mình ông Yên lo liệu. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ một phần kinh phí để trang trải cuộc sống cho những người tham gia làm đường. Sau hơn 1 năm trời ròng rã, con đường đất rộng chừng 5m, dài gần 8km nối từ A Túc đến Ba Tầng được hoàn thành. Bà con dân bản vỡ òa sung sướng. Từ ngày có con đường, bước chân của người dân khi lên nương, xuống suối đã bớt nhọc nhằn, vất vả hơn, công việc sản xuất thuận lợi. Sản phẩm của nhân dân làm ra đã được tư thương từ Khe Sanh, Lao Bảo vào thu mua, nên đời sống kinh tế của người dân ngày càng nâng cao.

Ông Hồ Yên còn được dân bản quý mến, vì có tấm lòng nhân ái, luôn sẵn sàng sẻ chia với cộng đồng. Giữa năm 1991, Hồ Yên nhận hai đứa trẻ là Hồ Kanh và Hồ Ổi của một gia đình khó khăn, ở bản Princ đưa về nhà nuôi cho ăn học. Từ năm 1998 đến 2008, ông nhận thêm 8 đứa trẻ đưa về nhà nuôi, cho ăn học, đến khi trưởng thành lại lo cưới vợ, gả chồng và làm nhà cửa cho các con. Đặc biệt, trong bản có đứa trẻ cá tính, thường tụ tập bạn bè chơi bời lêu lổng và trộm cắp vặt như Hồ Văn Nuôi, ông đem về nhà nuôi và cho đi học, ngày đêm uốn nắn từng cử chỉ, lời nói. Với sự chăm lo đầy nhân ái như một người cha của ông, Hồ Văn Nuôi dần sửa đổi tính nết và chú tâm học hành. Đến tuổi trưởng thành, Nuôi được ông Hồ Yên cưới vợ và làm nhà riêng ở thôn Doan, xã A Dơi. Điều đáng mừng, hiện nay, Nuôi là một trong những người làm kinh tế giỏi có tiếng trong vùng, với cơ ngơi là ngôi nhà sàn bằng gỗ vững chãi, cùng nhiều phương tiện đắt tiền khác. Với hơn 1,5ha sắn cao sản và nuôi hàng chục con heo, dê, hằng năm gia đình Nuôi thu nhập trên 100 triệu đồng.

Từ năm 2000, theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Quảng Trị, gần 80 gia đình từ các vùng trũng đồng bằng của hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong lên xây dựng kinh tế mới tại A Dơi. Ban đầu, đại đa số người dân địa phương chưa hiểu thấu đáo lợi ích của chủ trương này, nên không đồng tình, thậm chí cản trở và gây khó khăn cho những người Kinh lên làm kinh tế mới. Lúc đó, với tư cách là Bí thư Đảng ủy xã A Dơi, ông Hồ Yên đã bàn bạc với cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, ban, ngành, đặc biệt là đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn tích cực tuyên truyền, vận đồng đồng bào Pa Kô, Vân Kiều ở xã A Dơi nắm bắt và hiểu rõ chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giúp họ nhận thức được đồng bào các dân tộc thiểu số và người Kinh đều là anh em một nhà, vì vậy phải yêu thương, đùm bọc nhau, cùng xây dựng đời sống mới.

“Mưa dầm thấm lâu”, những lời tuyên truyền, động viên của ông Hồ Yên dần đã được bà con hiểu rõ và sẻ chia. Nhân dân kinh tế mới và người bản địa ngày càng gắn bó khăng khít, tình làng nghĩa xóm tốt đẹp, tối lửa tắt đèn có nhau. Những người dân kinh tế mới là hàng xóm thân thiết và cũng là những người hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho bà con dân bản trong việc nuôi, trồng các loại cây, con mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với những đóng góp không mệt mỏi, năm 2006, ông Hồ Yên vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vì đã có đóng góp tích cực trong công tác di dời ổn định nhân dân. Ông còn là tấm gương sáng trong lao động sản xuất để làm giàu cho gia đình và góp phần làm giàu cho bản làng mình. Mặc dù trở về địa phương sau chiến tranh với di chứng chất độc da cam, cơn đau luôn hành hạ ông mỗi lúc trái gió trở trời, nhưng với nghị lực của người lính không cam chịu đói nghèo, Hồ Yên luôn trăn trở, tìm tòi cách làm ăn mới, áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi và tích cực mở các dịch cụ khác nên kinh tế của gia đình ông ngày càng khấm khá.

Với những việc làm của mình và gia đình, ông Hồ Yên đã chứng minh cho  dân bản biết rằng, bằng công sức, trí tuệ sẽ làm giàu được một cách chính đáng tại mảnh đất quê hương mình. Ông là một trong những người dân tộc Pa Kô đầu tiên ở xã A Dơi khai hoang, đào mương dẫn nước để trồng lúa nước, phá thế độc canh cây lúa rẫy tồn tại bao đời nay. Ngoài ra, ông đào hàng trăm mét vuông ven khe suối để làm ao nuôi cá; đầu tư chuồng trại nuôi tập trung các loại bò, dê... Ông là người Pa Kô đầu tiên được đi dự Hội nghị nông dân sản xuất giỏi, tại Hà Nội và vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tấm gương vượt khó làm giàu của ông đã trở thành động lực thôi thúc nhiều bà con học tập làm theo. Các thói quen canh tác lạc hậu đã được bà con xóa bỏ, phong trào trồng sắn cao sản, cao su đã phát triển mạnh mẽ tại vùng đất này. “Câu lạc bộ 100 triệu đồng” ở A Dơi ngày càng có nhiều gia đình tham gia. Đời sống vật chất cũng như tinh thần của bà con không ngừng được nâng lên, bản làng thay da đổi thịt hằng ngày.           

Ông luôn tự hào về những đứa con hiếu thảo và học giỏi của mình, đồng thời lấy đó làm tấm gương cho lớp trẻ trong bản học tập noi theo. Hồ Yên có 2 người con hiện đang là sĩ quan Công an, công tác tại Công an huyện Hướng Hóa. Cô con gái đầu là Hiệu phó Trường Mầm non A Dơi. Đặc biệt, người con thứ hai vốn học giỏi đã được ông đầu tư ăn học 8 năm tại trường Đại học Y khoa Huế và hiện công tác tại Phòng khám đa khoa Bệnh viện Khe Sanh (Quảng Trị).

Sau khi nghỉ hưu, dù sức đã yếu, nhưng bầu nhiệt huyết làm giàu và mong muốn đóng góp xây dựng bản làng trong ông vẫn không ngưng nghỉ. Hằng ngày ông vẫn cùng các thành viên trong gia đình chăm sóc hơn 2ha cao su cho thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, ông nhận bảo vệ 8ha rừng đầu nguồn Princ, với mong muốn gìn giữ những cánh rừng quý giá còn sót lại trên quê hương thân yêu của mình.

 Ông Hồ Yên cũng là “cánh tay nối dài” của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Tầng. Với uy tín của mình, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được ông chuyển tải đến với người dân trên địa bàn rất hiệu quả. Nghe và tin theo ông, nhân dân địa phương đã đoàn kết, chung lưng đấu cật để dựng xây cuộc sống mới đưa A Dơi là một trong những điểm sáng về phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của huyện Hướng Hóa. 

Dù nắng hay mưa, cứ đều đặn mỗi tháng một lần, Hồ Yên lại lặn lội đến Đồn Biên phòng Ba Tầng để cùng cán bộ, chiến sĩ đi tuần tra bảo vệ biên giới,  kiểm tra và phát quang các cột mốc trên địa bàn. Đường tuần tra lắm thác ghềnh, nhưng nhìn thấy biên giới yên bình, cột mốc vững chãi và cuộc sống của người dân ngày một đổi thay là ông quên hết những vất vả, gian lao để tiếp tục cống hiến với bầu nhiệt huyết như thời trai trẻ trong quân ngũ ông đã từng tôi luyện, nung nấu.

Phan Phước Trung

938 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 583
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 583
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87031525