Ngược chiều nước mắt (Kỳ cuối: Mong những "phép mầu") 

Theo Hội Người Khuyết tật, Nạn nhân da cam, Bảo trợ NKT và Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị, số lượng nạn nhân da cam nhiều nhất tập trung tại H.Hướng Hóa, tiếp đó Triệu Phong, Cam Lộ... Hầu hết đời sống của các gia đình có nạn nhân da cam đều rơi vào khó khăn, chật vật.

Chị Phan Thu Hà (53 tuổi) và con gái tên là Thu (25 tuổi), trú thôn Cu Hoan, xã Cam Nghĩa (H.Cam Lộ) đều là nạn nhân chất độc da cam. 

Nương sống ngày tháng vui vẻ, sức khỏe khá lên bên Sư cô Hậu Liên. 

Bà Nguyễn Thị Náo (77 tuổi), mẹ chị Hà cho biết: những năm chiến tranh, vợ chồng bà lên ở vùng Hoàn Cát (H.Cam Lộ), vùng đất bị Mỹ rải nhiều chất độc da cam, chị Hà sinh ra, chân bị teo, đi lại khó khăn, sức khỏe yếu. Khi lập gia đình, chị Hà sinh con cũng bị phơi nhiễm dioxin, khờ khạo, không nói được. Bao nhiêu hy vọng tắt ngấm trong lòng người mẹ, người bà. Khi Trung tâm Phục hồi chức năng Cam Nghĩa đưa vào hoạt động (năm 2008), Thu được đưa đến làm quen tại đây. Sau nhiều năm được chăm sóc, giúp đỡ, Thu đã biết giao tiếp và trò chuyện. " Bữa ni hỏi chi Thu trả lời, không la hét hung tợn nếu trái ý nữa", chị Hà kể. Xúc động nhất đối với chị Hà chính là con đã biết thể hiện sự quan tâm đến người khác. "Thấy mẹ đau nhức nó đã biết hỏi han. Tui bất ngờ lắm. Ngỡ phép mầu xuất hiện", chị Hà nói về đứa con tội nghiệp. Được biết, nhiều cháu nhỏ nhiễm chất độc da cam tại Cam Nghĩa đã phục hồi tốt sau thời gian được chăm sóc, rèn luyện. Như cháu Ngô Văn Khánh, sau thời gian dài phục hồi tại trung tâm đã được đến lớp mẫu giáo, hòa nhập với các bạn. Tương lai của Khánh đang trải ra theo từng bước chân em đến trường làm cha mẹ òa vui...

Ở TT Cam Lộ hiện có Trung tâm phục hồi chức năng của Tịnh xá Ngọc Lộ dành riêng cho trẻ khuyết tật, nạn nhân da cam. Trụ trì Tịnh xá Ngọc Lộ là Ni sư Nguyệt Liên. Với người dân Cam Lộ, mảnh đất có hàng ngàn nạn nhân da cam, thì Ni sư Nguyệt Liên được xem là người cứu tinh của họ.  Ni sư Nguyệt Liên sinh ra và lớn lên ở Tam Kỳ, Quảng Nam, 10 tuổi đã vào chùa. Tốt nghiệp trường Đại học Văn khoa Huế, gần 20 năm nay, Ni sư gắn bó với vùng đất Cam Lộ, giúp đỡ, chia sẻ nỗi đau với nhiều nạn nhân chất độc da cam. Ni sư Nguyệt Liên phát nguyện kêu gọi đóng góp xây dựng Trung tâm Phục hồi chức năng và đi vào hoạt động từ năm 2010, đích thân Ni sư thực hiện các kỹ thuật phục hồi, bấm huyệt, nhân điện, cùng với một số sư cô trong Tịnh xá được đào tạo bài bản đã giúp nhiều trẻ nạn nhân da cam từng bước tìm lại nụ cười, tìm lại tiếng nói và có thể tự đi trên đôi chân mình.

Chị Phan Thị Hà cùng mẹ già rất cần sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm.

Sư cô Hậu Liên, người coi quản trực tiếp Trung tâm cho hay nhiều trẻ tiến bộ hẳn, là niềm vui tột cùng đối với gia đình lẫn những người chăm sóc các em. Tại đây, chúng tôi gặp cô gái tên Nương, bị nhiễm chất độc da cam hằng ngày được gia đình đưa đến chùa tập luyện các bài tập phục hồi chức năng. Sư cô Hậu Liên cho biết Nương đến tập luyện ở đây được nhiều năm, mấy tháng nay Nương ở lại hẳn để phụ giúp các sư cô. Nhà em ở tận bên Ba Thung, xã Cam Tuyền (H.Cam Lộ), ngày trước không tự đi được, nói năng cũng khó khăn, sau thời gian tập luyện nay đã phục hồi rất nhiều... "Em có thể đạp xe đạp được rồi đó", Nương khoe. Theo sư cô Hậu Liên, nhiều em cũng tiến bộ hẳn. Chị Nguyễn Thị Quý, trú khối Nam Hùng, TT Cam Lộ, mẹ của em Công (1995) cho biết: "Con tôi sinh ra đã bị bại não, chân tay cứ co quắp lại. Được Ni cô Nguyệt Liên và các nữ tu tận tình cứu chữa, nay con tôi đã đứng và dìu đi lại được, tôi vui mừng khôn xiết". Để duy trì hoạt động phục hồi, các ni sư Tịnh xá Ngọc Lộ vừa vận động các nhà hảo tâm, vừa tổ chức làm tăm nhang để tăng thêm kinh phí trang bị thêm máy móc, có đủ bánh, sữa cho các cháu mỗi ngày...

Ông Lê Văn Dăng, Phó Hội Người Khuyết tật, Nạn nhân da cam, Bảo trợ NKT và Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị cho hay tại TP Đông Hà còn có Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho nạn nhân dioxin. Đây là dự án do CHLB Đức tài trợ vào năm 2015. Sau khi đưa vào hoạt động, Trung tâm đã đón nhận, duy trì sĩ số thường xuyên cho 20 cháu. Đến cuối tháng 1-2018, UBND tỉnh có quyết định chuyển giao Trung tâm về Sở GD - ĐT tỉnh quản lý để giao Trường Khuyết tật tỉnh triển khai dạy học cho người khuyết tật phù hợp với mục đích tài trợ, tiếp tục sẽ là nơi nhiều nạn nhân khuyết tật da cam tự tin hướng về tương lai. Quảng Trị cũng rất cần nhiều Trung tâm phục hồi chức năng như ở Cam Nghĩa, như ở Tịnh xá Ngọc Lộ...Được biết, nhiều năm qua, các cấp chính quyền Quảng Trị cùng nhiều hội, đoàn thể đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến nạn nhân da cam, với mong muốn xoa dịu phần nào nỗi đau họ phải chịu đựng. Và trên hành trình thiện tâm và nhân đạo ấy, vẫn rất cần nhiều tấm lòng hảo tâm hướng về Quảng Trị để có thêm những cuộc đời mới như Nương, như Thu hay em Khánh trên vùng Cùa thân thương.

Bảo Hà

925 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1295
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1295
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87109255