Người trụ lại Tràng Sòi 

Theo anh Đặng Sỹ Dũng- Chủ tịch UBND xã Triệu Ái, H. Triệu Phong (Quảng Trị), thực hiện chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới tây Triệu Phong, vào năm 1992, các thôn Liên Phong, Trung Long và Tràng Sòi của xã Triệu Ái được thành lập

Riêng thôn Tràng Sòi, ban đầu đón nhận 40 hộ dân xã Triệu Độ, Triệu Thuận (H. Triệu Phong) lên khai hoang, lập nghiệp. Nhưng do điều kiện giao thông quá khó khăn, cách trở, ảnh hưởng đến việc học hành của con em nên nhiều hộ đã rời về quê cũ, đến đầu tháng 11- 2017 này chỉ còn lại chưa tới 10 hộ. Trong đó, ông Nguyễn Các (72 tuổi, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn) có 25 năm bám trụ với Tràng Sòi…

Ông Các trao đổi tình hình của thôn với Chủ tịch UBND xã Triệu Ái.

Trước khi là cư dân Tràng Sòi, ông Các và gia đình nằm trong số hàng ngàn hộ dân Triệu Phong từng ngược lên Hướng Hóa hưởng ứng chủ trương của Đảng đi xây dựng Vùng kinh tế mới Đường 9 năm 1975, tái thiết Khe Sanh - Hướng Hóa. Nơi gia đình ông dựng nhà, làm rẫy là xã Tân Độ, nay là TT Khe Sanh. Nhắc đến thời điểm gian nan đó, nhiều người còn rùng mình nhớ cảnh "mắt canh cọp, chân dò mìn". Năm 1976, một người thân của ông đã mất mạng tại vùng đất mới này do vướng phải mìn. Tiếp tục bám trụ với Tân Độ, năm 1983, trong lúc khai hoang, ông Các đụng mìn bị thương mất một con mắt. Sức khỏe giảm sút, con mắt còn lại mờ dần nên ông quyết định đưa gia đình quay về quê cũ ở Gia Độ, xã Triệu Độ, lại gắn với ruộng đồng, chài lưới nhưng ông vẫn không quên cảnh rầm rập, nhộn nhịp đi kinh tế mới ở Hướng Hóa năm nào. Năm 1992, khi có kế hoạch giãn dân, kinh tế mới ở tây Triệu Phong, ông một lần nữa rời quê quyết lập nghiệp nơi này.

Được hỗ trợ kinh phí trồng rừng dự án và giao đất phát triển kinh tế lâm nghiệp, vài năm sau, bà con đã biến Tràng Sòi thành vùng đất mướt xanh rừng cây, vút lên hy vọng đổi đời. Tuy nhiên, nhiều nhà bắt đầu trăn trở việc học hành của con cái. Đường đi gian nan mà trường lại quá xa, lưới điện thắp sáng không có, trước nhu cầu bức thiết đó, nhiều người đành bỏ Tràng Sòi. Một số lại về chốn cũ nhưng vẫn ngược xuôi với Tràng Sòi, một cảnh hai quê "chân đồi, chân đồng". Năm 2000, Tràng Sòi chỉ còn lại 15 hộ. Từ năm 2012 đến nay, duy trì 6 hộ. Và hộ duy nhất không chọn cảnh hai quê là ông Các. Cũng 10 năm qua, ông Các được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận. Không chỉ là người có bản lĩnh vượt khó, ông còn là người tiên phong áp dụng các mô hình phát triển kinh tế. "Bác Các là người đầu tiên trồng măng "Bát độ" tại H. Triệu Phong. Cũng là người tiên phong trồng tràm, cao su, trồng rừng chứng chỉ FSC hiệu quả. Mới đây, tiếp tục triển khai mô hình trồng dứa", Chủ tịch UBND xã Triệu Ái phấn khởi chia sẻ. Nhiều năm qua, ông Các được các cấp từ địa phương đến trung ương khen thưởng về sản xuất giỏi, quản lý, bảo vệ rừng...Nhiều người ở thôn khác xem ông như "Sao thần nông" và tìm đến trao đổi thông tin, kỹ thuật áp dụng trong sản xuất. Khi được hỏi có lúc nào khó khăn quá mà nản, ông không hề do dự: "Đã xác định, quyết tâm rồi thì gian nan mấy cũng vượt qua được. Bây chừ dự án điện thắp sáng sắp vô tới thôn, sẽ đổi thay nhiều nữa đây. Biết bao nhiêu dự định, lo không đủ sức mà làm đó chớ".

Ông Các cho biết, thôn chỉ có 6 hộ dân, chưa tới 20 nhân khẩu đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, tham gia không thiếu bất kỳ hoạt động gì. "Mỗi lúc báo tin có việc, các hộ đều có mặt tham gia kịp thời. Gắn bó trồng rừng, kinh tế khá nên việc đóng góp, ủng hộ cũng rất tích cực. Việc quản lý tại thôn cũng không khó khăn, một phần do ít nhân khẩu", ông Các thành thật chia sẻ. Tuy nhiên, khi đề cập vấn đề thôn có quá ít hộ lại vẫn duy trì bộ máy, tổ chức chính trị - xã hội đầy đủ dẫn đến lãng phí ngân sách nhà nước, ông cũng đầy trăn trở: "Thôn thành lập từ lâu. 10 năm nay tôi kiêm nhiệm 2 việc, phụ cấp mỗi tháng 1,5 triệu đồng. Ngoài ra có 1 anh công an viên, 1 chị làm Chi hội trưởng Hội nông dân, kiêm nhiệm tổ trưởng tổ phụ nữ. Theo quy định, tổ trưởng tổ phụ nữ không có phụ cấp. Trước đây đã thử nhập tổ vay vốn thu tín dụng với thôn khác nhưng quá khó khăn, không phù hợp nên thôi. Hai thôn Liên Phong, Trung Long gần Tràng Sòi nhất cũng cách 6 đến 7km". Hiện tổng hộ dân của hai thôn này chưa đến con số 60. Chủ tịch xã Triệu Ái cũng cho biết diện tích tự nhiên của xã gần 11 ngàn ha thì Tràng Sòi đã 4.000 ha, chủ yếu là đất rừng, lại giáp ranh với H. Cam Lộ, có ý nghĩa quan trọng về an ninh quốc phòng. Vấn đề đặt ra là sáp nhập cả 3 thôn Liên Phong - Trung Long và Tràng Sòi cũng chưa "gom" đủ 200 hộ để thành lập thôn theo quy định mới. Và quyết định thành lập, sáp nhập hay chia tách không thuộc thẩm quyền của xã. Trước thực tế éo le này, giải pháp nào cho Tràng Sòi?

"Khi đường, điện vào tới thôn thì Tràng Sòi sẽ thu hút dân cư đông đúc. Bây chừ đang triển khai đường điện vào thôn, mong sớm có dự án đường giao thông thuận lợi nữa. Được như rứa thì không lâu nữa  Tràng Sòi từ xa hóa gần, nhộn nhịp dân cư thôi", Chủ tịch UBND xã hy vọng. Chúng tôi cũng mong Tràng Sòi sớm thành điểm dân cư đông đúc, và tin tưởng những người đang trụ lại với Tràng Sòi không nản chí, tiếp tục biến vùng đất phía tây thành niềm mơ ước, đáng để nhiều người khác chọn dấn thân xây dựng, làm giàu mai này.

Bảo Hà

715 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1207
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1208
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87225681