Ngư dân miền Trung đồng sức, đồng lòng vươn khơi xa  

Mặc dù còn nhiều khó khăn chồng chất khó khăn nhưng sau một năm kể từ ngày xảy ra sự cố Formosa xả thải, ngư dân ở các địa phương các tỉnh miền Trung đã và đang nỗ lực vươn khơi bám biển để đánh bắt hải sản, bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.

Giữa trưa nắng như đổ lửa của ngày trung tuần tháng 4, chúng tôi gặp ngư dân Đỗ Văn Sỹ (42 tuổi, ở xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) khi tàu cá của gia đình anh vừa cập cảng cá sau chuyến ra khơi ở vùng biển Hoàng Sa.

Khi được hỏi về câu chuyện làm kinh tế biển trong thời gian xảy ra sự cố môi trường biển, anh Sỹ cho hay: Vì niềm đam mê và khát vọng vươn khơi xa nên nhiều năm trước, vợ chồng anh vay vốn ngân hàng đóng mới tàu cá số hiệu TTH-97666TS, công suất 420CV. Khi những chuyến ra khơi trở về cho nhiều “lộc biển” giúp vợ chồng anh trả gần hết số nợ vay đóng tàu thì sự cố môi trường biển ập đến khiến tàu gia đình anh phải nằm bờ một thời gian.

Ngư dân các tỉnh miền Trung quyết tâm vươn khơi bám biển.

Theo anh Sỹ, mặc dù giá cả hải sản vẫn còn thấp so với thời điểm một năm trở về trước, song thị trường tiêu thụ mạnh trở lại trong thời gian gần đây đã giúp anh và các ngư dân Vinh Thanh có thêm động lực vươn khơi bám biển. Sáng 10-4, sau 16 ngày lênh đênh trên biển cả, tàu anh Sỹ cập bờ với gần 3 tấn cá các loại, trong đó có gần 5 tạ cá ngừ đại dương khiến anh và các thuyền viên rất phấn khởi.

“Chuyến biển này chúng tôi bán được hơn 100 triệu tiền cá, trong đó cá ngừ đại dương được bán với giá 70.000 đồng/kg, trừ 2.000l dầu khoảng 30 triệu đồng thì vẫn còn lãi lắm! Đây là tín hiệu vui sau những ngày tháng phải đối mặt với sự cố môi trường biển...”, anh Sỹ tâm sự trong niềm vui.

Ông Nguyễn Trường Chính, Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh cho biết, ngoài số lượng ghe, gọ công suất nhỏ hoạt động gần bờ, hiện xã có 23 chiếc công suất từ 105 đến 850CV, chia thành 2 đội tàu đoàn kết đánh bắt xa bờ và hoạt động rất hiệu quả. Đặc biệt, sau thời gian ảnh hưởng sự cố môi trường biển, các tàu vẫn ra khơi bám biển như thường và bình quân các chuyến biển, mỗi tàu đánh bắt từ 3 đến 5 tấn hải sản các loại, thu lợi từ 100 đến 150 triệu đồng/tàu.

Ngoài xã Vinh Thanh, nhiều xã biển ở tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng đang dần “hồi sinh” và khởi sắc trở lại sau 1 năm xảy ra sự cố môi trường biển nhờ vào sự dám nghĩ, dám làm của ngư dân. Đặc biệt, sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, dù có một thời gian dài hải sản bị mất giá vì không tiêu thụ được nhưng không ít ngư dân vẫn quyết tâm vay vốn để đóng mới tàu cá vỏ gỗ công suất trên 800CV hoặc tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Điển hình như ngư dân Nguyễn Hôi (ở thôn Hải Bình, Thuận An) mạnh dạn vay vốn đóng tàu cá vỏ thép số hiệu TTH-99997TS trị giá 18,4 tỷ đồng; hay ngư dân Trần Văn Chiến (ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) cũng đóng mới tàu cá vỏ thép TTH-99999TS công suất 829CV, với kinh phí 18 tỷ đồng...

Không riêng gì ở Thừa Thiên - Huế, mà sau sự cố môi trường biển, ngư dân các xã biển của tỉnh Quảng Trị cũng quyết tâm vươn khơi bám biển. Và biển cả đã không phụ lòng người khi nhiều tàu cá của bà con ngư dân ra khơi đều trở về với khoang thuyền đầy ắp tôm, cá. Ví như trường hợp ngư dân Lê Văn Tuấn (trú xã Gio Việt, huyện Gio Linh), chủ tàu cá QT-90929TS công suất 400CV đã trúng đậm mẻ cá bè 150 tấn trị giá nhiều tỷ đồng trong chuyến ra khơi ở ngư trường Cồn Cỏ vào tháng 3 vừa qua.

Thông tin anh Tuấn trúng mẻ cá bạc tỷ như tiếp thêm thêm động lực cho ngư dân ở miền Trung đang nỗ lực vượt qua sự cố môi trường biển để cùng đoàn kết, vươn khơi bám biển.

Tìm hiểu được biết, hiện toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 2.500 tàu thuyền hoạt động khai thác biển với 12.000 lao động thường xuyên, trong đó tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 90 đến 1000CV là 358 chiếc. Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sau sự cố môi trường biển, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh nên thời gian qua, Sở đã cùng phối hợp với các ban, ngành chức năng khẩn trương thực hiện công tác chi trả tiền bồi thường cho hơn 19.000 đối tượng là ngư dân, người lao động trên biển; đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ giúp ngư dân chuyển đổi ngành nghề, vay vốn đóng mới tàu cá và dự kiến đến cuối năm 2017, tỉnh sẽ hoàn thành chỉ tiêu đóng mới 45 tàu cá công suất lớn theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Theo ông Đức, trong năm 2016, sản lượng khai thác thủy hải sản của tỉnh đạt khoảng 40.000 tấn, ước đạt 1.100 tỷ đồng; tính đến cuối tháng 3-2017, sản lượng đánh bắt hải sản so với cùng kỳ năm trước giảm khoảng 20%. “Dù sản lượng đánh bắt hải sản có giảm, song Sở NN&PTNT và các cấp chính quyền vẫn thực hiện nhiều kế hoạch, biện pháp để động viên ngư dân các xã biển vươn khơi bám biển sau sự cố môi trường biển.

Và tín hiệu vui là trong những chuyến biển vừa qua, nhiều tàu cá ra khơi đã trúng đậm nguồn lợi hải sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp ngư dân tự tin vươn khơi bám biển, bảo vệ ngư trường”, ông Đức khẳng định.

Anh Khoa
760 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 581
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 581
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88303107