Cụ thể, theo thông tin PV tìm hiểu, Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển VN (BIDV) chi nhánh Quảng Trị đang hoàn thiện hồ sơ để khởi kiện 10 chủ tàu vay vốn đóng tàu theo Nghị định (NĐ) 67. Trước mắt, trong đợt 1 năm 2019, sẽ có 3 chủ tàu bị khởi kiện gồm: ông T.V.H (xã Trung Giang, H.Gio Linh), ông N.V.T (TT.Cửa Việt, H.Gio Linh), ông P.T.Đ (TT.Cửa Tùng, H.Vĩnh Linh).
Tiền tỉ khó đòi
Trong những năm 2016 - 2017, nhiều ngư dân Quảng Trị đã được vay vốn ưu đãiđể đóng tàu mới (chủ yếu là tàu vỏ thép) hoặc nâng cấp tàu cũ. Tính đến nay, Quảng Trị đã đóng mới 25 tàu, nâng cấp 118 tàu với tổng số tiền giải ngân hơn 431 tỉ đồng.
Tuy nhiên, chỉ vài năm sau lễ giao nhận tàu rình rang đã phát sinh hàng loạt vấn đề. Hầu hết các khoản vay đóng tàu mới đều bị chuyển sang nợ quá hạn, nợ xấu. Ngư dân đưa ra nhiều lý do chậm trả nợ ngân hàng; trong đó “phổ biến” nhất là thời tiết không thuận lợi, sản lượng đánh bắt giảm đáng kể, doanh thu khai thác không đủ bù đắp chi phí dầu, đá và công nhân; ngư trường đánh bắt thu hẹp so với trước... Riêng ngư dân ở TT.Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh) còn than tàu không thể ra khỏi bến neo đậu do Cửa Tùng bị thu hẹp, muốn đi biển phải thuê tàu nạo vét với chi phí lớn…
“Biển giã không như ngày xưa. Giờ chúng tôi có tàu to, mỗi chuyến ra biển chi phí cũng rất lớn, trong khi việc kiếm bạn đi cùng hiện cũng rất khó... Nhiều chuyến đi không lời lãi được bao nhiêu nhưng nếu cho tàu nằm bờ thì lại càng chết”, một ngư dân ở xã Gio Hải (H.Gio Linh) than thở. Một ngư dân khác ở TT.Cửa Việt (đang nợ BIDV hơn 13 tỉ đồng) quả quyết nợ thì phải trả, nhưng sau mỗi chuyến biển trừ chi phí thì còn lại chẳng bao nhiêu. “Ngày xưa chúng tôi đi vay, bên ngân hàng họ cũng rất nhiệt tình hỗ trợ. Giờ đây chúng tôi không trả tiền cũng là việc... cực chẳng đã. Hằng ngày ngồi ngước lên nhìn khoản nợ mười mấy tỉ đang treo lơ lửng ở ngân hàng mà ngán ngẩm”, người này tâm sự.
Tỉnh Quảng Trị từng tổ chức hội nghị để xử lý vướng mắc của việc vay vốn theo Nghị định 67 vào năm 2018
|
Thiếu thiện chí trả nợ ?
Một trong những ngân hàng nhiệt tình trong việc cho ngư dân vay vốn theo NĐ 67 tại Quảng Trị là BIDV. Cũng vì thế, đây cũng là đơn vị đang phải gánh những khoản “nợ khó đòi” từ ngư dân. Tính đến hết tháng 6.2019, tổng số tiền mà BIDV Quảng Trị cho vay theo NĐ 67 là 178 tỉ đồng, nhưng nợ xấu lên đến 144 tỉ đồng từ 10 con tàu được ngân hàng này hỗ trợ đóng mới. Chưa kể, số tiền gốc quá hạn cũng ở mức 15,8 tỉ đồng, tiền lãi quá hạn cũng hơn 4 tỉ đồng.
Theo BIDV Quảng Trị, thời gian qua đơn vị đã có nhiều phiên làm việc với các chủ tàu nhằm tháo gỡ khó khăn cũng như bàn các giải pháp thu hồi nợ, tuy nhiên vẫn không có kết quả. Ông Dương Văn Hà, Phó giám đốc BIDV Quảng Trị, cho hay về phía ngân hàng hiện chưa có công cụ quản lý doanh thu khai thác của các chủ tàu nên không thể xác định được tính chính xác của việc khai báo doanh thu khai thác. Bên cạnh đó, một số khách hàng thiếu thiện chí trả nợ và hiện tượng này đã bắt đầu trở thành “tâm lý lây lan” cho các chủ tàu khác. Thông tin ngư dân bỏ tiền xây nhà, mua xe, cho con đi xuất khẩu lao động... thay vì trả nợ ngân hàng không phải là không có cơ sở.
Trước đó, tháng 9.2018, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở ngành và ngư dân để gỡ rối cho việc vay vốn đóng tàu theo NĐ 67. Lần đó, các ngư dân cũng nêu nhiều khó khăn mà họ gặp phải trong quá trình sản xuất và mong được giãn thời gian trả nợ. Ông Hồ Sỹ Trọng, Giám đốc Ngân hàng nhà nước tỉnh Quảng Trị, lý giải vốn vay tàu theo NĐ 67 là do các ngân hàng huy động trong dân với lãi suất lên tới 8,4%/năm, cho ngư dân vay lại với lãi suất 1%/năm là đã lỗ rồi; thời gian trả nợ cũng vừa được T.Ư nâng từ 11 năm lên 16 năm. Trong khi đó, ông Nguyễn Sỹ Hồng, Giám đốc BIDV Quảng Trị, nhấn mạnh trừ các nguyên nhân khách quan, việc ngư dân chây ì trả nợ sẽ gây ra rất nhiều hậu quả. Trường hợp xấu nhất, ngân hàng sẽ buộc phải khởi kiện và mang tàu đóng từ vốn vay ưu đãi ra đấu giá thương mại để thu hồi vốn.
Khi tàu bị “siết”, ngư dân lấy phương tiện gì để ra biển đánh bắt, tìm nguồn để trả nợ? Câu hỏi này đang khiến không chỉ ngư dân mà cả ngân hàng cũng bối rối, vì không ai muốn đẩy ngư dân vào con đường khó...