Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Sau hơn 4 tiếng đồng hồ lắng nghe các ý kiến đóng góp, tham luận của các tỉnh, thành phố, của các chuyên gia, nhà khoa học trong thực hiện Nghị quyết số 23, ông Võ Văn Thưởng khẳng định chúng ta đã nhận thức rõ, sâu sắc hơn về xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành bại của cách mạng, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
"Đây là điều đã được chứng minh trong thực tế. Phải có sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thì chúng ta mới đánh đuổi được 2 đế quốc hùng mạnh, thống nhất được đất nước; chúng ta mới đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc Đổi mới và gần đây nhất, cũng nhờ sự đoàn kết toàn dân tộc mà chúng ta mới vượt qua dịch bệnh. Đất nước ta trong mỗi thời điểm, đặc biệt là thời điểm khó khăn nhất thì tinh thần đoàn kết lại được khơi dậy, phát huy và có đóng góp to lớn", Thường trực Ban Bí thư nêu rõ.
Bày tỏ đồng tình với nhận định của các đại biểu cho rằng Nghị quyết số 23 được ban hành là đúng đắn, cần thiết và có giá trị thực tiễn, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh việc thực hiện Nghị quyết có đóng góp to lớn vào đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, góp phần làm cho cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao mà trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII có đánh giá là "cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín đất nước chưa bao giờ có được như ngày hôm nay".
Ngoài ra, Thường trực Ban Bí thư cũng thống nhất với Hội thảo về những kinh nghiệm quý, những mặt còn hạn chế, những nội dung mà Nghị quyết đã chỉ ra nhưng chưa thực hiện được và cần nghiên cứu thêm trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự Hội thảo - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Trong phát biểu của mình, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, đại đoàn kết toàn dân tộc là một nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, có ý nghĩa chiến lược. Trong thời đại hiện nay, theo ông, độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của quốc gia dân tộc, phát huy tinh thần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 chính là mục tiêu để dựa vào đó đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân, người Việt Nam ở trong nước cũng như ngoài nước.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vấn đề lợi ích hợp pháp của nhân dân - điểm xuất phát quan trọng của mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhấn mạnh nguyên tắc mà Đảng đã khẳng định, đó là ngoài lợi ích của nhân dân thì Đảng ta không còn lợi ích nào khác, Thường trực Ban Bí thư lấy ví dụ về câu chuyện đất đai: "Từ lúc thành lập Đảng thì vấn đề đất đai đã trở thành vấn đề rất quan trọng trong đường lối cách mạng của Đảng. Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về đất đai ngoài những mặt tốt thì vẫn còn mặt hạn chế. Gần 70% khiếu kiện, khiếu nại thời gian qua bắt đầu từ đất đai; các vụ kiểm tra dấu hiệu vi phạm, xem xét xử lý cán bộ cũng có liên quan đến đất đai. Ít nhất việc sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai lần này, chúng ta phải giảm được yếu tố đó. Mọi chủ trương, đường lối, quyết sách của Đảng và Nhà nước phải xuất phát từ dân, từ lòng dân".
Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Ngoài ra, ông cũng đề nghị tập trung xây dựng MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức quần chúng để làm vai trò quan trọng trong xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng cơ sở chính trị-xã hội của Đảng ngày càng vững mạnh.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống thói hư tật xấu trong Đảng cũng như trong xã hội. Không ngừng nâng tầm trí tuệ của Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo và cầm quyền của Đảng, đưa đất nước vững vàng tiến lên. Xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự tiêu biểu, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Vũ Phong