Ngoại giao kinh tế đáp ứng nhu cầu thực tiễn, hỗ trợ kịp thời các lĩnh vực kinh tế trọng điểm 

(Chinhphu.vn) - Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp và tổ chức triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế được đổi mới và thực hiện một cách quyết liệt. Công tác ngoại giao kinh tế cũng bám sát các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và nhu cầu thực tiễn trong nước, kịp thời hỗ trợ các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, triển khai quyết liệt và cụ thể hóa nhiệm vụ "lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ".
Ngoại giao kinh tế đáp ứng nhu cầu thực tiễn, hỗ trợ kịp thời các lĩnh vực kinh tế trọng điểm - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, nội dung kinh tế trở thành trọng tâm và được thúc đẩy mạnh mẽ trong gần 70 hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo cấp cao trong năm 2022, với hơn 150 văn kiện hợp tác ký kết - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 9/3, tại Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư về tình hình ngoại giao kinh tế năm 2023 tổ chức tại Trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, nội dung kinh tế trở thành trọng tâm và được thúc đẩy mạnh mẽ trong gần 70 hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo cấp cao trong năm 2022, với hơn 150 văn kiện hợp tác ký kết, góp phần đưa hợp tác kinh tế với các đối tác đi vào chiều sâu, thu hút hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

"Có thể nói, trong tất các các hoạt động đối ngoại cấp cao, các đồng chí lãnh đạo cấp cao, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đều tập trung thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế (NGKT), mang lại nhiều kết quả tích cực, cụ thể cho đất nước", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp và tổ chức triển khai các hoạt động NGKT được đổi mới và thực hiện một cách quyết liệt. Trong 6 tháng cuối năm 2022, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm tăng trưởng, thị trường xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ thu hẹp, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì, chỉ đạo hai hội nghị quan trọng với các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam, các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài, Hội nghị Tổng kết công tác ngoại giao vaccine và các bài học để đẩy mạnh triển khai công tác NGKT trong tình hình mới.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương đã tiến hành giao ban định kỳ với các cơ quan đại diện, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm đẩy mạnh triển khai công tác NGKT trên tinh thần bám sát các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Qua đó, xác định những định hướng, nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành, các cơ quan đại diện, góp phần quan trọng vào những kết quả tích cực về xuất khẩu, đầu tư nói riêng và kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 nói chung.

NGKT lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, công tác NGKT cũng đã bám sát các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và nhu cầu thực tiễn trong nước, kịp thời hỗ trợ các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, triển khai quyết liệt và cụ thể hóa nhiệm vụ "lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ".

Công tác nghiên cứu, tham mưu các vấn đề kinh tế được chú trọng, kịp thời, nhạy bén, phục vụ hiệu quả, thiết thực cho công tác điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục tham gia chủ động, tích cực, trách nhiệm, hiệu quả các cơ chế kinh tế đa phương, nhất là các diễn đàn đa phương về kinh tế, bảo đảm ứng xử cân bằng, hài hòa với các đối tác lớn và phù hợp với lợi ích của ta, bắt kịp các xu thế mới, sáng kiến mới nhằm huy động tối đa các nguồn lực phục vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao vị thế, uy tín đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, trong triển khai công tác NGKT vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Trong đó có việc triển khai công tác NGKT còn chưa thực sự sáng tạo, nhạy bén, nhất là trong bối cảnh thách thức nổi lên chưa có tiền lệ; chưa phát huy hết tiềm năng hợp tác kinh tế với một số địa bàn chiến lược; chưa giải quyết dứt điểm một số vướng mắc, khó khăn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp một số nước đối tác (như vấn đề cấp thị thực cho doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam...); cần nâng cao hơn nữa tính kịp thời, nhạy bén, tăng cường chiều sâu, tính thực chất, hiệu quả trong nghiên cứu, tham mưu và đẩy mạnh đổi mới trong triển khai các hoạt động NGKT.

3 bài học kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai công tác ngoại giao kinh tế

Qua thực tiễn, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, ngành ngoại giao đã rút ra 3 bài học kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai công tác NGKT thời gian qua:

Trước hết là, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, bám sát đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội và yêu cầu thực tiễn của đất nước.

Tiếp theo là phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, nhạy bén, kịp thời, càng khó khăn, phức tạp càng bản lĩnh, bình tĩnh, kiên trì, tìm kiếm các giải pháp phù hợp để "biến nguy thành cơ". Tranh thủ các hoạt động đối ngoại cấp cao để thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác kinh tế thực chất, tạo đột phá trong quan hệ kinh tế với các đối tác. Hết sức chú trọng công tác nghiên cứu, dự báo, đánh giá tình hình và tham mưu chính sách.

Cuối cùng là bảo đảm, nâng cao hiệu quả phối hợp trong triển khai NGKT, gắn kết chặt chẽ giữa 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, của địa phương, doanh nghiệp trong triển khai công tác NGKT.

Ngoại giao kinh tế đáp ứng nhu cầu thực tiễn, hỗ trợ kịp thời các lĩnh vực kinh tế trọng điểm - Ảnh 2.

Để triển khai hiệu quả chương trình hành động, Bộ Ngoại giao kiến nghị thực hiện 06 nhiệm vụ trọng tâm của công tác NGKT trong năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, tình hình thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục phức tạp, kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm tăng trưởng, tuy nhiên cũng đã xuất hiện một số dấu hiệu tích cực, tạo ra những thời cơ và thách thức đan xen. Vì vậy, trên cơ sở đó, Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư về công tác NGKT đặt ra phương châm quyết liệt, hành động, linh hoạt, hiệu quả, sáng tạo, đột phá, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước.

Để triển khai hiệu quả chương trình hành động, Bộ Ngoại giao kiến nghị thực hiện 06 nhiệm vụ trọng tâm của công tác NGKT trong năm 2023 như sau:

Thứ nhất là tiếp tục đẩy mạnh triển khai, cụ thể hóa Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ, nâng cao nhận thức về NGKT. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động triển khai Chương trình hành động của Chính phủ ngay trong quý I/2023. Tạo chuyển biến mạnh mẽ và thống nhất nhận thức về tầm quan trọng và hiệu quả thiết thực của công tác NGKT từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường tuyên truyền ý nghĩa, tinh thần và các nhiệm vụ trọng tâm của Chỉ thị số 15-CT/TW và Chương trình hành động của Chính phủ trong các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Hai là triển khai tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp, trong đó xác định hợp tác kinh tế là nội hàm trung tâm nhằm tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài kết hợp với các nguồn lực trong nước phục vụ cho phát triển. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch… với các tập đoàn, doanh nghiệp các nước nhân dịp các chuyến thăm cấp cao; đồng thời, rà soát định kỳ, đôn đốc triển khai quyết liệt các thỏa thuận và cam kết đã đạt được. Tận dụng kênh đối ngoại cấp cao để vận động, thúc đẩy tháo gỡ những vướng mắc, tồn đọng trong hợp tác kinh tế giữa ta với các đối tác.

Ba là, đẩy mạnh hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp theo tinh thần lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Trong đó, triển khai các hoạt động NGKT hỗ trợ xuất khẩu nhằm duy trì, củng cố các thị trường trọng điểm (Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…), tận dụng hiệu quả việc Trung Quốc mở cửa; đa dạng hoá thị trường với các đối tác tiềm năng như Ấn Độ, Đông Âu, Nam Mỹ, Trung Đông, châu Phi… Hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTA; tiếp tục đàm phán các FTA mới, nâng cao năng lực, chất lượng xúc tiến thương mại, cảnh báo rủi ro và ngăn ngừa, xử lý hiệu quả các tranh chấp thương mại quốc tế. Tăng cường nghiên cứu các biện pháp ứng phó kịp thời để hạn chế tối đa tác động và đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao trong thương mại, đầu tư quốc tế (như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (CBAM), thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, các quy định kỹ thuật trong chuyển đổi xanh…).

Tiếp tục thúc đẩy một số lĩnh vực hợp tác nhằm phát huy thế mạnh nông nghiệp của Việt Nam trong bối cảnh có nhiều thách thức về bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu như phát triển ngành Hala, thúc đẩy hợp tác ba bên giữa Việt Nam, châu Phi và một đối tác phát triển.

Về đầu tư, tăng cường tổ chức các hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư theo ngành, lĩnh vực. Thu hút đầu tư mới, đầu tư xanh, đầu tư chất lượng cao, gắn với chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tham mưu các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư trong các ngành chiến lược như bán dẫn, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao...

Tăng cường phối hợp triển khai thống nhất, bài bản công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, khai thác hiệu quả các danh hiệu di sản.

Thúc đẩy triển khai hiệu quả các thỏa thuận về hợp tác lao động với các thị trường trọng điểm (Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Đông…) và tích cực nghiên cứu, tìm kiếm các hướng đi, lĩnh vực và thị trường mới, các lĩnh vực lao động chất lượng cao.

Đẩy mạnh huy động nguồn lực về tri thức, vốn đầu tư, vai trò cầu nối của doanh nhân, trí thức kiều bào đóng góp phục vụ phát triển các động lực xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, chiến lược như chuyển đổi số, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Bốn là, tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế trên cơ sở bám sát đường lối đối ngoại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, cân bằng, hài hòa trong ứng xử quốc tế, nâng cao vị thế đất nước. Chuẩn bị tốt nội dung phục vụ lãnh đạo cấp cao tham dự và lồng ghép các hoạt NGKT trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương quan trọng (Liên Hợp Quốc, WTO, APEC, ASEAN,…); xây dựng lộ trình và triển khai vận động đăng cai các sự kiện đa phương như Hội nghị Thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) năm 2025. Tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng của ta. Tiếp tục vận động các nước mời Việt Nam tham dự các hội nghị của G20, G7. Theo sát các diễn biến hợp tác, liên kết kinh tế… để tham mưu cho Đảng và Nhà nước về chủ trương tham gia các sáng kiến mới.

Năm là, chú trọng, tăng cường nhạy bén và chuyên sâu trong nghiên cứu, dự báo, tham mưu phục vụ Chính phủ và đáp ứng nhu cầu trong nước. Phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong nghiên cứu, tham mưu, thu thập kinh nghiệm quốc tế; thực hiện tốt các nhiệm vụ nghiên cứu động thái và chiến lược (xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, vấn đề nâng cao năng suất lao động, vượt bẫy thu nhập trung bình; thu hút tài chính từ các quỹ đầu tư, các nguồn tài chính xanh...).

Sáu là, đổi mới mạnh mẽ, tạo chuyển biến thực chất trong triển khai NGKT. Nâng cao hiệu quả trong phối hợp, đề xuất các biện pháp tăng cường nguồn lực triển khai NGKT. Chú trọng, đẩy mạnh đào tạo, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực triển khai NGKT cho cán bộ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Tăng cường tuyên truyền đối nội, đối ngoại về sự ổn định chính trị-xã hội, môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam, các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Diệp Anh

142 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 501
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 501
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88968966