Nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến hợp lý đối với dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) 

(Chinhphu.vn) – Quốc hội đã dành cả ngày 13/6 để thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) bởi đây là 1 dự án luật rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội và nhận được sự quan tâm, kỳ vọng lớn của nhân dân và là một dự án luật khó, có nhiều chính sách mới phức tạp.

Thảo luận tại Hội trường, có tới 44 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, 11 đại biểu tranh luận.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã có báo cáo giải trình làm rõ thêm một số vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.

Không khí thảo luận về dự án luật này rất sôi nổi, thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm. Các đại biểu đã tập trung phân tích sâu sắc, đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp cụ thể góp phần hoàn thiện dự thảo luật với mong muốn đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội đều tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng với những lý do được nêu trong Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp để khắc phục hạn chế bất cập của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và thể chế hóa kịp thời các quan điểm của Đảng về công tác phòng chống tham nhũng; đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới và phù hợp với cam kết quốc tế về phòng, chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Về phạm vi điều chỉnh của dự án luật, nhiều ý kiến tán thành việc mở rộng từng bước phạm vi điều chỉnh của dự án luật sang khu vực ngoài nhà nước để bảo đảm tính toàn diện của công tác phòng chống tham nhũng. Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn sự cần thiết, khả năng đáp ứng nguồn lực, tính khả thi cho việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật này sang khu vực ngoài nhà nước.

Về thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước, qua ý kiến đại biểu Quốc hội thấy đây là giải pháp cần thiết nhưng phải thu hẹp phạm vi thanh tra, kiểm tra, nhất là việc thanh tra thường xuyên, nên chú ý vào thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có sai phạm do có tố cáo, phản ánh. Cân nhắc cơ sở pháp lý, thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với khu vực này.

Đối với cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản thu nhập, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đây cũng là vấn đề lớn đang còn ý kiến khác nhau trong ngày thảo luận. Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 2 của dự thảo luật là giao cho nhiều cơ quan khác nhau kiểm soát tài sản thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các cơ quan, ngành mình. Vì phương án này vừa tăng cường được tính tập trung, đồng thời cũng khắc phục được một bước việc tổ chức, kiểm soát tài sản, thu nhập dàn trải như vừa qua.

Cũng có nhiều ý kiến tán thành với phương án 1 để bảo đảm thẩm quyền kiểm soát được tập trung hơn, nhất là đối tượng có nghĩa vụ kê khai là người giữ chức vụ từ giám đốc sở trở lên để bảo đảm khách quan, có điều kiện tập trung nhân lực, vật lực cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách, có trình độ, đáp ứng nhiệm vụ được giao. Vì Thanh tra Chính phủ cũng là cơ quan theo dự thảo luật là cơ quan quản lý thống nhất dữ liệu quốc gia về kê khai tài sản.

Nhưng cũng có ý kiến đề nghị phải thành lập một cơ quan chuyên trách độc lập để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, để bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát tài sản thu nhập.

Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập ở Điều 37, nhiều ý kiến tán thành với việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với mọi cán bộ công chức, viên chức Nhà nước lần đầu, theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương.  Một số ý kiến đề nghị trước mắt cần thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, tập trung vào các vị trí, chức vụ có nguy cơ tham nhũng cao, những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng để có thể nói, làm thực chất và hiệu quả hơn vấn đề phòng, chống tham nhũng.

Về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đây cũng là vấn đề mà ý kiến rất khác nhau trong các vị đại biểu Quốc hội cũng như trong quá trình soạn thảo dự án luật này. Đa số ý kiến tán thành với phương án 1 của dự thảo luật là xử lý thông qua thu nhập thuế cá nhân, nhưng đề nghị cân nhắc mức thuế xuất cho phù hợp với Luật Thuế thu nhập cá nhân và tình hình thực tiễn hiện nay, cũng như rà soát pháp luật liên quan để đảm bảo sự thống nhất.

Một số ý kiến tán thành phương án 2 là xử phạt hành chính đối với hành vi không trung thực, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Nhưng cũng đề nghị cân nhắc mức phạt cho phù hợp, hạn chế việc phải sửa đổi nhiều luật khác có liên quan.

Cũng có ý kiến đề nghị, cho dù áp dụng phương thức xử lý nào thì cũng phải có trình tự, thủ tục, tố tụng tư pháp để đảm bảo tính khách quan, minh bạch do vấn đề này có liên quan đến quyền sở hữu cá nhân của tổ chức, cơ quan theo quy định của Hiến pháp.

Ngoài ra còn nhiều ý kiến đại biểu phát biểu về nội dung chi tiết của dự thảo luật như về các hành vi tham nhũng, các thuật ngữ trong dự thảo luật, các hành vi bị nghiêm cấm, làm rõ hơn trách nhiệm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc các cấp, vai trò giám sát của nhân dân, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, vai trò của báo chí trong dự thảo luật để bảo đảm tính công minh, khách quan, công khai trong vấn đề phòng, chống tham nhũng; về trách nhiệm giải trình, quy tắc ứng xử tặng quà, nhận quà tặng; về chuyển đổi vị trí công tác, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập…

“Các ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội đã được Ban Thư ký ghi chép, ghi âm đầy đủ và sẽ được Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo tập hợp, tổng hợp để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội theo quy định”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu và nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến hợp lý của các vị đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp sau.

Nguyễn Hoàng

1182 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 909
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 909
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87080007