Nghiên cứu sử dụng kết dư Quỹ BHXH ngắn hạn để hỗ trợ người lao động 

(Chinhphu.vn) – Đại biểu Quốc hội đề nghị cần có giải pháp về chính sách và tổ chức thực hiện một cách mạnh mẽ để gia tăng tỷ lệ BHXH tự nguyện trong thời gian tới.

 

Quốc hội thảo luận trực tuyến chiều 27/10. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Sửa Luật BHXH một cách toàn diện, thấu đáo

Chiều 27/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cho biết việc đảm bảo an toàn quỹ và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT là 2 chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là trụ cột an sinh của xã hội.

Theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, việc đảm bảo an toàn và tăng trưởng bền vững Quỹ BHXH, BHYT thời gian qua được Chính phủ và nhất là ngành BHXH Việt Nam quan tâm, với nhiều nỗ lực đạt được những kết quả tích cực. Qua báo cáo cho thấy, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH trong năm 2020 đạt kết quả khả quan, với tổng số người tham gia lên đến 16,176 triệu người, tăng gần 400.000 người so với năm 2019 và chiếm 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Tuy nhiên, số người tham gia BHXH tự nguyện dù có tăng so với năm 2019 nhưng mức đóng và số tiền đóng không cao, chủ yếu, người tham gia chọn đóng BHXH tự nguyện ở mức chuẩn nghèo nông thôn 700.000 đồng/tháng. Mặt khác, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện còn khá khiêm tốn, mới đạt 2,31% tổng lực lượng lao động trong độ tuổi.

Để thực hiện tốt mục tiêu, đại biểu Hải Anh cho rằng cần có giải pháp cả về chính sách và tổ chức thực hiện một cách mạnh mẽ để gia tăng tỷ lệ BHXH tự nguyện. Trong thời gian tới, cần sớm xem xét về chính sách rút ngắn thời gian đóng BHXH tự nguyện và đa dạng hóa hình thức tham gia.

Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề cập tới quy định về hưởng BHXH một lần. Đại biểu nêu thực tế, thời gian gần đây, số lượng người hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng. Năm 2020 là 860.741 người, tăng 6,65% so với năm 2019 và tăng gấp 2 lần số người tham gia BHXH tăng thêm của năm 2020.

Do đó, đại biểu đề nghị tới đây, khi sửa đổi Luật BHXH cần phải xem xét quy định về hưởng BHXH một lần thật thấu đáo. Theo đó, cần phải có quy định hạn chế hưởng BHXH một lần nhằm đảm bảo các chế độ BHXH được bao trùm lên toàn bộ các thành viên trong xã hội. Qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển.

Băn khoăn khi 500.000 người cao tuổi thuộc hộ nghèo chưa có BHYT

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hoà Bình) cho rằng năm 2020 chúng ta gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19; nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm... đã ảnh hưởng đến chế độ thực hiện chính sách, chế độ BHXH.

Đại biểu Ngọc cho rằng để đạt được mục tiêu 35% lực lượng lao động tham gia BHXH, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của Chính phủ cũng như chính quyền các cấp. Các báo cáo cần phân tích, đánh giá nguyên nhân để đưa ra giải pháp đồng bộ, cụ thể, quyết liệt trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc; đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế trong tình hình dịch bệnh còn rất phức tạp như hiện nay.

Về tình hình chậm đóng và tạm dừng đóng BHXH, đại biểu Ngọc cho biết theo báo cáo đến 31/12/2020, tổng số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc là trên 12.000 tỷ đồng, tăng 19,9% so với năm 2019 (khu vực hành chính sự nghiệp chiếm 1,5%, doanh nghiệp nhà nước chiếm 6,4%, doanh nghiệp có vốn nước ngoài chiếm 8,1% và doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 57,2% tổng số chậm đóng).

Đại biểu đề nghị xác định rõ nguyên nhân và xác định rõ đối tượng và từ đó có giải pháp phù hợp. Cần phải rà soát công khai các doanh nghiệp, người sử dụng lao động chậm nộp, trốn đóng BHXH để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thanh tra, giám sát.

Các đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng), Châu Quỳnh Giao (Kiên Giang) kiến nghị nâng mức hỗ trợ đóng BHYT, BHXH tự nguyện cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo đa chiều.

Bên cạnh đó, đại biểu bày tỏ băn khoăn khi còn tới 500.000 người cao tuổi thuộc hộ nghèo chưa có BHYT, đa số lại sinh sống ở vùng khó khăn, chỉ khi thực sự đau yếu họ mới đi khám chữa bệnh.

Các ngành cần đẩy mạnh truyền thông để nhân dân hiểu được vai trò quan trọng của BHYT để toàn dân tham gia BHYT, hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khoẻ toàn dân, là trụ cột quan trọng trong chính sách an sinh xã hội quốc gia, lưới an sinh cơ bản của công dân. Đặc biệt, qua việc tham gia BHYT toàn dân là không để gia đình nào bị khánh kiệt khi có người ốm đau, đổi mới cơ chế chính sách để địa phương có đủ nguồn lực đầu tư y tế cơ sở, đầu tư trang thiết bị và nhân lực y tế cho các bệnh lão khoa, cấp thẻ BHYT miễn phí cho người cao tuổi là 75 tuổi thay vì 80 tuổi như quy định hiện nay.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

BHXH đã trở thành trụ cột trong lưới an sinh xã hội

Phát biểu tiếp thu và làm rõ một số vấn đề đại biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết chúng ta đã triển khai 8/9 loại hình chính sách BHXH. Quỹ BHXH đã thực sự trở thành quỹ có ngân sách có quy mô lớn nhất, phát triển nhanh nhất, tốc độ tăng trưởng bình quân cao, kết dư tương đối an toàn.

Trong bối cảnh dịch bệnh, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ đã ban hành 5 nghị quyết và quyết định liên quan đến nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ kết dư và các quỹ BHXH với tổng mức hỗ trợ trên 50 nghìn tỷ đồng, trong đó có 20.000 tỷ đồng là từ các chính sách miễn, giảm, chậm đóng. Điều này đã có kết quả thiết thực, nhận được sự ủng hộ của người tham gia BHXH.

Đến nay, BHXH đã trở thành trụ cột trong lưới an sinh xã hội, góp phần nâng cao khả năng chống chịu, phòng ngừa và khắc phục rủi ro cho người lao động.

Bộ LĐTB&XH đã khẩn trương sửa đổi căn cơ, toàn diện Luật BHXH, Luật Việc làm, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về tuổi nghỉ hưu, điều chỉnh mức lương hưu, phát triển nguyên tắc bảo hiểm theo hướng đóng/hưởng công bằng, bình đẳng và phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả.

Về giải pháp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết chú trọng và đổi mới công tác tuyên truyền để người lao động khi bước vào thị trường mới sẽ hiểu, đồng tình và chủ động tham gia, dần dần hình thành văn hóa an sinh trong mọi người lao động; sử dụng các quỹ đúng mục đích, tăng quyền lợi cho người lao động; nghiên cứu điều chỉnh phát huy kết dư trong hỗ trợ thúc đẩy thị trường lao động; xây dựng các chính sách hướng dẫn người lao động tham gia BHXH; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới khâu tổ chức thực hiện, gồm; giám sát, kiểm tra thực hiện chính sách; giao cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sử dụng kết dư Quỹ BHXH ngắn hạn để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh.

Đối với phát triển Quỹ BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết về phát triển đối tượng tham gia BHYT, tính đến 31/12/2020, số người tham gia bảo hiểm y tế là 87,96 triệu người đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số.  

Đầu tư cho y tế cơ sở đã được quan tâm nhưng chưa đạt như mong muốn. Do đó, việc tăng cường đầu tư cho y tế đang tiếp tục được quan tâm hơn nữa, đẩy mạnh nhân lực y tế cơ sở và đổi mới tài chính để trong tương lai bảo đảm chăm sóc sức khỏe nhân dân ngay tại địa bàn sinh sống.

Về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, đề án khám chữa bệnh từ xa để tăng cường hỗ trợ của tuyến Trung ương cho các địa phương.

Lê Sơn

298 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 859
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 859
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87204919