Ảnh minh họa: Đỗ Thoa
Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn trả lời kiến nghị của cử tri, gửi các đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Gia Lai liên quan đến tiền lương.
Theo phản ánh của cử tri, hiện nay chế độ lương hưu có nhiều bất cập, do việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) khác nhau từng giai đoạn, cộng với sự trượt giá của đồng tiền, càng làm khoảng cách này chênh lệch hơn, gây ra sự so bì và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội.
Cử tri đề nghị Nhà nước có hướng giải quyết phù hợp, có cử tri đề nghị chính sách tăng lương nên thực hiện cào bằng, không tính theo phần trăm (%) làm mất đi sự công bằng.
Trước vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH. Theo đó, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính trên cơ sở thời gian đã đóng BHXH và mức lương tháng làm căn cứ đóng BHXH. Như vậy, mức lương hưu của người lao động cao hay thấp tùy thuộc vào thời gian đóng và mức tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động khi còn làm việc.
Cũng theo quy định của Luật BHXH, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với NSNN và quỹ BHXH. Trong những năm vừa qua, việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện theo quy định của Luật BHXH và các Nghị quyết của Quốc hội; việc điều chỉnh lương hưu theo tỉ lệ phần trăm đã đảm bảo được giá trị tiền lương hưu của người nghỉ hưu trước tác động của yếu tố lạm phát.
Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cũng thấy rằng, việc điều chỉnh theo tỉ lệ như trên cũng có hạn chế, đó là làm tăng khoảng cách về số tiền tuyệt đối giữa người có mức lương hưu cao với người có mức lương hưu thấp.
“Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, đánh giá và đề xuất phương án điều chỉnh lương hưu phù hợp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết./.
Kim Thanh