TS. Tạ Đình Thi, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu về đề tài tại hội thảo được tổ chức năm 2017. Ảnh: TL
Theo đó, đề tài thuộc Chương trình Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 – 2020 do TS. Tạ Đình Thi Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) làm Chủ nhiệm đề tài. Đề tài đã hoàn thành 110 báo cáo thuộc 05 nội dung, xuất bản 02 bài báo trên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường và Tạp chí Biến đổi khí hậu vào năm 2017. Đề tài đã đi sâu nghiên cứu về cơ sở khoa học; an ninh môi trường; đánh giá được vai trò của an ninh môi trường đối với phát triển bền vững và mối quan hệ đa phương giữa kinh tế, chính trị và môi trường…
Đề tài xác định 3 mục tiêu chính, đó là: Hệ thống hóa được cơ sở lý luận và thực tiễn về vấn đề an ninh môi trường của các nước trên thế giới và Việt Nam; phương pháp xây dựng bộ tiêu chí và các chỉ số an ninh môi trường; Xây dựng được bộ tiêu chí và xác định được các chỉ số an ninh môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam; Đề xuất được khung chính sách, giải pháp và cơ chế ứng phó phù hợp, đảm bảo an ninh môi trường ở Việt Nam.
Trên cơ sở đó, đề tài đã điều tra khảo sát thực tế về các vấn đề an ninh môi trường ở Vùng Tây Bắc (Lào Cai, Yên Bái), vùng Đông Bắc (Thái Nguyên, Quảng Ninh), vùng đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hải Phòng), vùng Bắc Trung Bộ (Hà Tĩnh, Quảng Bình), vùng Nam Trung Bộ (Quảng Nam, Ninh Thuận)..
Cùng với đó, đề tài đã khảo sát, tham vấn ý kiến của các Bộ, ngành về các lĩnh vực có liên quan đến an ninh môi trường như lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, tài nguyên nước, biển, hải đảo, thủy sản, biến đổi khí hậu, thiên tai….Đồng thời, đã hoàn thành việc điều tra, khảo sát thực tế về các vấn đề an ninh môi trường tại 16 địa phương và 06 nhóm ngành, lĩnh vực.
Nói về ý nghĩa thiết thực của đề tài, TS.Tạ Đình Thi cho biết, trong thời gian qua, rất nhiều vấn đề môi trường hệ trọng đặt ra những thách thức mới cho Việt Nam và đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia. Trong đó, nổi lên 5 vấn đề cấp bách cần phải giải quyết, bao gồm: biến đổi khí hậu; an ninh nguồn nước; an ninh môi trường biển bị đe dọa; ô nhiễm tại các khu vực trọng điểm và ô nhiễm xuyên biên giới chưa thể kiểm soát; suy giảm tài nguyên rừng và đa dạng sinh học. Các thách thức an ninh môi trường không chỉ đe dọa an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh lương thực…, mà còn là một trong những nguy cơ lớn đe dọa an ninh quốc gia.
Ở Việt Nam khái niệm an ninh môi trường đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường 2014, theo đó “an ninh môi trường là việc bảo đảm không có tác động lớn của môi trường đến sự ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế của quốc gia”. Đây là lần đầu tiên khái niệm an ninh môi trường chính thức được đưa vào trong văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam, điều này cho thấy tầm quan trọng và những thay đổi trong nhận thức của Đảng và Nhà nước về vấn đề an ninh môi trường ở nước ta hiện nay.
“Đảm bảo an ninh môi trường chính là một phần quan trọng nhằm đảm bảo an ninh quốc gia trong thời đại mới. Trước các yêu cầu cấp bách đó, đòi hỏi Việt Nam cần phải có nghiên cứu chuyên sâu để xác định các vấn đề an ninh môi trường; xây dựng công cụ nhằm cung cấp thông tin cho các nhà quản lý và nhà hoạch định chính sách để đánh giá, kiểm soát mức độ an ninh môi trường ở nước ta và góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, giải pháp ngăn ngừa, ứng phó. Chính vì vậy, đề tài “Nghiên cứu xác định các chỉ số an ninh môi trường, đề xuất khung chính sách và giải pháp quản lý, ứng phó” được triển khai để giải quyết các vấn đề trên là một việc làm rất cấp thiết.” – TS.Tạ Đình Thi cho biết./.
Bích Liên