Nhân viên thú y tiêm phòng dịch bệnh cho gia cầm - Ảnh minh họa
Theo tổng hợp của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. Trong đó, cả nước có 5 ổ dịch cúm gia cầm tại 4 tỉnh, số gia cầm mắc bệnh, chết và bị tiêu hủy gần 7.000 con; 15 ổ dịch lở mồm long móng tại 6 tỉnh, thành phố, số gia súc mắc bệnh trên 600 con; 31 ổ dịch viêm da nổi cục tại 5 tỉnh, số trâu, bò mắc bệnh trên 200 con; 81 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 26 tỉnh, thành phố với hơn 3.400 con lợn mắc bệnh, chết và bị tiêu hủy.
Đáng lo ngại, dịch bệnh tai xanh sau nhiều năm đã được khống chế tốt nhưng gần đây virus tai xanh đã xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố (Hà Nội, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên, Cao Bằng, Thanh Hóa,…); số chó nghi mắc bệnh dại đã được báo cáo tại 21 tỉnh, thành phố; đặc biệt có 18 người chết vì bệnh dại tại 13 tỉnh, thành phố.
Tình hình dịch bệnh được đánh giá có nguy cơ tiếp tục lây lan nhanh và ở phạm vi rộng là rất cao, gây tổn thất lớn về kinh tế cũng như phát triển chăn nuôi, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường.
Theo Bộ NN&PTNT, những nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh có chiều hướng gia tăng mạnh thời gian qua là do: Tỉ lệ tiêm phòng đạt rất thấp, nhiều nơi chỉ đạt dưới 30%, đặc biệt nhiều gia súc, gia cầm và chó nuôi không được tiêm vaccine phòng bệnh hoặc đã được tiêm vaccine nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch.
Nhiều địa phương chưa phê duyệt, chưa bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh, chưa có kinh phí mua vaccine, tổ chức tiêm phòng; nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc phê duyệt đấu thầu mua vaccine, mua vaccine phân tán (các huyện có kế hoạch mua, tiêm vaccine tại các thời điểm khác nhau, không bảo đảm yêu cầu chủ động phòng dịch).
Trong khi đó, kết quả giám sát chủ động cho thấy nhiều loại mầm bệnh nêu trên đang còn lưu hành rộng rãi, tỉ lệ lưu hành cao.
Từ thực tế này, nhằm khắc phục ngay những tồn tại nêu trên, giảm thiểu và không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra ở diện rộng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp của địa phương tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt cần rà soát, tổ chức tiêm phòng mới, tiêm phòng nhắc lại, tiêm phòng bổ sung vaccine (cúm gia cầm, dại, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi, tai xanh,...) cho đàn vật nuôi theo đúng quy định.
Trong đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương khẩn trương phê duyệt, bố trí các nguồn lực, kinh phí để triển khai kịp thời, có hiệu quả; tổ chức thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi, số lượng vật nuôi thuộc diện tiêm phòng đối với từng bệnh của địa phương.
Tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền đối với chủ vật nuôi và cộng đồng về lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Căn cứ tình hình lưu hành các loại mầm bệnh, nguy cơ dịch bệnh, khuyến cáo sử dụng vaccine, các địa phương khẩn trương tổ chức triển khai tiêm phòng đại trà đợt 1/2023 (trong tháng 4-5/2023), rà soát tiêm phòng nhắc lại, tiêm phòng bổ sung, bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vaccine.
Riêng đối với tiêm vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và hướng dẫn kỹ thuật của Cục Thú y.
Các địa phương báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh, kết quả tiêm phòng và thực hiện nghiêm công tác báo cáo tình hình dịch bệnh động vật qua Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) theo đúng quy định hiện hành.
Chỉ đạo Sở NN&PTNT, UBND các cấp thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc biệt cần kiểm tra, chấn chỉnh việc tiêm phòng của địa phương.
Đỗ Hương