|
Năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước kỷ lục, lên đến 756.111 tỷ đồng (Ảnh: M.P) |
Theo nội dung Báo cáo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, giải ngân năm 2022 (tính đến hết tháng 1/2023) là trên 541.000 tỷ đồng, đạt gần 93,5% kế hoạch, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (95,11%) nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23,5%, tương ứng tăng khoảng 103.000 tỷ đồng so với năm 2021.
Trong đó, 8 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt từ 100% trở lên kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, 7 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch. Còn nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 với tổng số tiền trên 28.600 tỷ đồng.
Báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2022 và tình hình thanh toán vốn đầu tư công ước 1 tháng kế hoạch năm 2023 cũng cho thấy, tỷ lệ ước giải ngân 1 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 1,72% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 1,81%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (2,50%); trong đó, vốn trong nước đạt 1,89% thấp hơn mức 2,61% so với cùng kỳ năm 2022, vốn nước ngoài đạt chưa giải ngân được đồng nào trong khi cùng kỳ năm 2022 đạt 1,01%.
Về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm vừa qua, khi đóng sổ đầu tư công, con số dự kiến vào khoảng 80% thực sự chưa đạt được như kỳ vọng của Chính phủ là 90 - 95%. Được biết, năm vừa qua, người đứng đầu Chính phủ thường xuyên dành những ngày nghỉ cuối tuần đến thị sát, kiểm tra các dự án, công trình đang có tiến độ giải ngân chậm để đôn đốc và tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đã có 6 tổ công tác do 4 Phó Thủ tướng Chính phủ và 2 tư lệnh ngành Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng cũng thường xuyên có những cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương được phân công để kịp thời nắm bắt những khó khăn và đôn đốc tiến độ. Dù vậy, vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, cùng nhiều bộ, ngành, nhiều địa phương chậm trễ triển khai, dẫn đến kéo lùi tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.
Giới phân tích cho rằng năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước kỷ lục, lên đến 756.111 tỷ đồng, chưa kể kế hoạch vốn năm trước chuyển sang, sẽ tiếp tục tạo áp lực lớn cho việc giải ngân vốn năm nay.
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long cho biết, năm 2022, tỉnh Gia Lai được Thủ tướng Chính phủ giao là 3.300 tỷ. Tỷ lệ vốn giải ngân đầu tư công của tỉnh đến nay là được 76,29% kế hoạch được giao. Mặc dù thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Gia Lai cũng có nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đến nay vẫn thấp hơn trung bình của cả nước, do có một số khó khăn, vướng mắc. Thứ nhất, về công tác chuẩn bị đầu tư, việc chuẩn bị dự án chưa được tốt dẫn đến việc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều. Một số dự án bị vướng mắc điều chỉnh quy hoạch, việc giải phóng mặt bằng “sạch” cho các công trình chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến tiến độ giải ngân và xây dựng công trình. Thứ hai, về công tác liên kết, phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện dự án cũng còn thiếu tính chủ động, thiếu chặt chẽ; đặc biệt là năng lực một số nhà đầu tư chủ đầu tư, ban quản lý dự án của địa phương còn hạn chế.
Ghi nhận tại hội nghị cho thẩy nổi lên 39 nhóm vấn đề vướng mắc quy định tại các nghị định của Chính phủ và văn bản pháp luật liên quan đến 7 lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công. Cùng với đó, một số vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách chưa điều chỉnh phù hợp yêu cầu thực tiễn; chuyển đổi số trong đầu tư công còn hạn chế. Đặc biệt, một số dự án có giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh và nhiều nơi còn thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu; tăng chi phí doanh nghiệp; chậm trễ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Công tác xây dựng kế hoạch, chuẩn bị dự án còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa có thứ tự ưu tiên dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm và tránh dàn trải.
Tại một số nơi, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu còn thiếu quyết tâm, chưa sâu sát, cụ thể, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án; năng lực của nhiều ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn, nhà thầu còn yếu; ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa cao; sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ, quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả…
Cũng tại hội nghị, sau khi thẳng thắn phân tích và chỉ rõ những vướng mắc, tồn tại trong đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ, trước đây, khó khăn nhất trong đầu tư là không có tiền để làm. Còn hiện nay, chúng ta đã lo được tiền nhưng lại không triển khai được. Nguyên nhân chính nằm ngay ở những tồn tại, vướng mắc từ những vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị, những vướng mắc do chúng ta “tự đem đá buộc chân mình”, đặc biệt là những vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư.
Cụ thể, trong chuẩn bị đầu tư, theo quy định hiện hành, khi có tiền thì mới được lập dự án đầu tư. Như vậy, khi bố trí được tiền mới lập dự án đầu tư thì 2 năm sau mới giải ngân được. Để gỡ nút thắt này, Bộ Tài chính đã kiến nghị dùng chi thường xuyên có tính chất đầu tư để lập dự án đầu tư khi cần thiết. Khi được bố trí vốn đầu tư, chúng ta triển khai công tác thực hiện đầu tư sẽ không có vướng mắc gì. Thế nhưng bây giờ chúng ta bố trí vốn xong mới lập dự án đầu tư thì… “vướng hết”! Do vậy, các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phải chủ động tháo gỡ các vướng mắc. Đồng thời, phải tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; kịp thời điều chỉnh các đơn giá cho phù hợp với thực tiễn để bảo đảm công trình có chất lượng bền vững…
Về việc bố trí nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và có hướng dẫn cụ thể về tính chất và đối tượng được điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023.
Với vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng được các đơn vị phản ánh, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, quy định là cấp tỉnh phê duyệt đơn giá, sau đó về các huyện thành lập các hội đồng đền bù và phê duyệt các phương án đền bù.
Các bộ, cơ quan trung ương cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Các bộ, cơ quan trung ương cũng cần chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về mặt bằng, mỏ vật liệu, nhân công... để thực hiện ngay sau khi được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra tình hình thực hiện, để tìm ra nguyên nhân thực hiện và giải ngân chậm ở từng dự án. Rà soát và quyết định điều chuyển vốn theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp thẩm quyền để điều chuyển kế hoạch vốn của những dự án không có khả năng thực hiện được cho các dự án có khả năng thực hiện để phần đấu giải ngân hết kế hoạch được giao. Bên cạnh đó, “có chế tài xử lý các chủ đầu tư, ban quản lý dự án không thực hiện hết kế hoạch vốn đã được giao”, người đứng đầu Bộ Tài chính nêu rõ.
Các đại biểu cũng đã thẳng thắn đánh giá, nhận diện rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên, bao gồm cả mặt chủ quan, khách quan và các cơ quan, đơn vị liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương đều có trách nhiệm, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện, tư vấn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn… Đáng quan ngại, một bộ phận cán bộ công chức chưa quyết liệt với công việc, thậm chí sợ trách nhiệm.
Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc này, thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan đơn vị, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị các cấp cần nghiêm túc có cho mình những giải pháp, hướng đi cụ thể, quyết liệt. Đơn cử, cần mạnh dạn và nghiêm túc đưa vấn đề giải ngân vốn đầu tư công vào giao ban hằng tháng, thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc; kịp thời xử lý các dự án, các nhà đầu tư còn chậm so với tiến độ. Đồng thời, kết quả triển khai giải ngân vốn đầu tư công của các chủ đầu tư sẽ được đưa vào việc đánh giá xếp loại hằng năm.
Đặc biệt, để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, các đại biểu nhất trí và đánh giá cao một điểm quan trong mà Bộ Tài chính đề xuất, đó là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Bởi chỉ khi “nút thắt” này được gỡ bỏ thì chúng ta mới giải quyết rứt điểm nghịch lý “có tiền nhưng không thể tiêu” đang ngáng trở việc giải ngân vốn đầu tư công hiện nay./.