Mỗi ngôi nhà được dựng lên như thêm một mốc son ghi dấu nghĩa tình quân dân nơi cửa bể…
Đồn biên phòng Cửa Tùng (Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Trị) đóng quân ở TT.Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh) và phụ trách thêm 3 xã miền biển khó khăn là Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái. Người dân nơi đây sống nhờ vào biển nhưng lại không có điều kiện đóng tàu lớn vươn khơi xa, nên đói nghèo cứ đeo đẳng mãi.
Kế hoạch 12 nhà/năm
Giữa cuối tháng 11.2018, bà Nguyễn Thị Quê (50 tuổi, trú thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) đón tin vui khi nhiều cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa Tùng đến làm lễ “khởi công” nhà bếp và công trình phụ của gia đình.
Nói là “khởi công” cho sang, nhưng chẳng có băng rôn biểu ngữ gì, mà chỉ sau năm ba câu chuyện quân dân, ai vào việc nấy…
|
|
|
Kế hoạch đã lên, nhưng trong tay chúng tôi đâu có gì nhiều. Nhưng là người lính, với những kế hoạch ý nghĩa như thế này, chúng tôi sẽ quyết tâm hoàn thành.
|
|
|
Thiếu tá TRẦN BÌNH QUY, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa Tùng
|
|
|
Chồng bà Quê mất đã hơn 2 năm, một mình bà gồng gánh nuôi 4 đứa con với mấy sào đất cát hoa màu (đứa lớn nhất học lớp 11, đứa nhỏ nhất học lớp 8). Ngôi nhà ọp ẹp được thừa hưởng từ ba mẹ chồng, xây dựng đã quá lâu.
“Chái bếp trước đây dựng bằng tre, lợp fibro-ximang, như “cái răng sắp rụng”. May là được mấy chú bộ đội biên phòng để mắt đến”, ông Trần Văn Thận, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thái, chia sẻ về chuyện nhà cửa cũ kỹ của bà Quê.
Nhà bà Quê đã là công trình thứ 4 mà Đồn biên phòng Cửa Tùng đứng ra xây mới hoặc tu bổ với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng, chỉ tính từ tháng 9.2018 đến nay.
Công việc nghĩa tình này được Ban chỉ huy đồn soạn hẳn một bản kế hoạch nghiêm túc. Mục tiêu của đơn vị là từ tháng 9.2018 đến tháng 9.2019 sẽ thẩm định, giúp đỡ xây dựng hoặc tu sửa nhà cửa cho ít nhất 12 hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nằm trong 3 xã, 1 thị trấn mà đồn quản lý.
“Kế hoạch đã lên, nhưng trong tay chúng tôi đâu có gì nhiều. Nhưng là người lính, với những kế hoạch ý nghĩa như thế này, chúng tôi sẽ quyết tâm hoàn thành”, thiếu tá Trần Bình Quy, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa Tùng, nói.
Bà Thanh và những người lính biên phòng trước ngôi nhà vừa hoàn thành
ẢNH: NGUYỄN PHÚC
|
Thế là những người lính biển đã “gõ cửa” các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh. “Gặp trực tiếp, điện thoại, liên lạc qua Facebook… chúng tôi đều làm hết, miễn xin được kinh phí giúp dân”, thiếu tá Quy nói.
Những thợ nề mặc áo lính
Kinh phí không nhiều, nên những người lính biển rất “tằn tiện” khi sử dụng. Từ việc đặt mua vật liệu, chở vật liệu về nơi xây dựng…, lính biên phòng đều lo hết với tâm nguyện tiết kiệm đồng nào hay đồng nấy. “Các mạnh thường quân góp 1 đồng, chúng tôi sẽ tìm cách để đưa đúng 1 đồng ấy cho người được nhận, không bị sứt mẻ, rơi vãi”, trung úy Lê Văn Chung, cán bộ tổ công tác biên phòng địa bàn tại xã Vĩnh Thái, tâm sự.
Để giảm tối đa chi phí, chính những người lính biển cũng đã xắn tay vào làm thợ nề. Chiến sĩ trẻ Lê Hữu Nhân cho hay ngày chưa vào lính tình kiếm tiền công trung bình 250.000 đồng/ngày, giờ làm thợ nề giúp dân dù không được “bồi dưỡng” nhưng lại càng thấy vui. Một số lính trẻ không rành chuyện cầm bay, cầm xoa thì được bố trí làm phụ thợ chuyên bốc gạch, trộn hồ.
“Làm gì chả được anh, miễn là giúp dân có ngôi nhà che mưa che nắng”, chiến sĩ Nguyễn Minh Dần nói đầy lạc quan. Thiếu tá Trần Bình Quy nhẩm tính, mỗi nhà trung bình cắt cử 5 chiến sĩ/ngày, cũng phải mất 1 tháng mới xong, tức chừng 150 công/nhà.
Tuy nhiên, những hoài nghi của tôi về “tay nghề” của thợ nề áo lính ở Đồn biên phòng Cửa Tùng đã tan biến khi đến thăm nhà của bà Nguyễn Thị Thanh (74 tuổi, trú KP.An Đức 2, TT.Cửa Tùng).
Với kinh phí 50 triệu đồng cùng hàng trăm ngày công của lính biển, bà Thanh cùng đứa con có tâm thần không ổn định của mình đã có ngôi nhà cao ráo, lát gạch hoa láng bóng, cửa ngõ đàng hoàng…
“Tôi thật may mắn khi gặp được mấy chú lính biên phòng tốt bụng. Đến cuối đời, tôi cũng đã có mái nhà thực sự, không còn lo nắng mưa”, bà Thanh xúc động nói.
Nhìn bà Thanh xúc động, bịn rịn nắm tay những người lính biên phòng tiễn họ ra tận ngõ mới chịu lẩm chẩm bước vào, tôi hiểu lý do nào đã thôi thúc những người lính biển đi xây những ngôi nhà nhân ái…