Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương - Nhiều đột phá để đảm bảo đời sống người hưởng lương, giúp nâng cao năng suất lao động  

Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003. Nhờ đó, tiền lương trong khu vực công của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã từng bước được cải thiện, nhất là ở những vùng, lĩnh vực đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao đời sống người lao động. Trong khu vực doanh nghiệp, chính sách tiền lương từng bước được hoàn thiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Tuy nhiên, chính sách tiền lương vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, đời sống của đa số người hưởng lương còn khó khăn; tiền lương trong khu vực doanh nghiệp vẫn chưa theo kịp sự phát triển của thị trường lao động; tiền lương trong khu vực công vẫn còn thấp so với khu vực doanh nghiệp và yêu cầu phát triển của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; việc điều chỉnh tiền lương của người đang làm việc vẫn chưa độc lập với việc điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công; việc thể hóa chủ trương của Đảng về tiền tệ hóa các chế độ ngoài lương (xe ô tô, nhà ở, khám chữa bệnh,...) còn chậm.

Những hạn chế, bất cập nêu trên có nguyên nhân khách quan từ nội lực nền kinh tế còn yếu, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; tích luỹ còn ít, nguồn lực nhà nước còn hạn chế... nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Nghị quyết số 27-NQ/TW được ban hành đã khắc phục những hạn chế, bất cập trong chính sách tiền lương hiện nay. Đồng thời, nhằm xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế. Ngoài ra còn giúp xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương. Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách tiền lương có nhiều điểm mới quan trọng, mang tính đột phá, đó là:

- Tiếp tục tăng lương cơ sở, lương tối thiểu vùng: Nghị quyết nêu rõ, trong khu vực Nhà nước, giai đoạn từ năm 2018 đến 2020 sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng lương cơ sở, bảo đảm không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế; không bổ sung các loại phụ cấp mới theo nghề. Tuy nhiên, đến năm 2021, mức lương cơ sở sẽ hoàn toàn được bãi bỏ.

Trong khu vực doanh nghiệp, thực hiện tăng mức lương tối thiểu vùng để đến năm 2020, mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Từ năm 2021, vẫn tiếp tục điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo định kỳ.

- Từ 2021, lương Nhà nước bằng lương doanh nghiệp: Từ năm 2021, mức lương cơ sở và hệ số lương được bãi bỏ, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể, đảm bảo mức lương thấp nhất của cán bộ, công chức phải bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp; Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp; Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

- Xây dựng 5 bảng lương mới theo chức vụ, vị trí việc làm: Bao gồm: 01 bảng lương chức vụ: Áp dụng với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, không phân biệt bộ, ngành, ban; 01 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ: Áp dụng chung với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; được xây dựng trên nguyên tắc: Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; 03 bảng lương với lực lượng vũ trang nhân dân, gồm: 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan và hạ sĩ quan nghiệp vụ công an; 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công an.

- Bổ sung tiền thưởng trong cơ cấu tiền lương: Cơ cấu tiền lương mới đối với khu vực Nhà nước sẽ bao gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng 10% tổng quỹ lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

- Bãi bỏ hàng loạt phụ cấp và khoản chi ngoài lương: Nghị quyết nêu rõ, sẽ tiếp tục áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp khu vực nhưng sẽ bãi bỏ các loại phụ cấp khác như: Phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu); phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp công tác đảng, đoàn thể; phụ cấp độc hại, nguy hiểm. Đồng thời, bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước như: Tiền bồi dưỡng họp; tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án.

- Không áp dụng lương công chức với nhân viên thừa hành, phục vụ: Đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp) sẽ không còn được áp dụng bảng lương công chức, viên chức như quy định hiện nay mà thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

- Tiếp tục thí điểm cơ chế tăng thu nhập cho công chức nhiều nơi:  Nghị quyết nêu rõ, sẽ mở rộng áp dụng cơ chế thí điểm đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tự cân đối ngân sách và bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản cho cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý.

- Nhà nước không can thiệp vào tiền lương của doanh nghiệp: Nhà nước chỉ công bố mức lương tối thiểu vùng theo tháng và theo giờ, tiền lương bình quân trên thị trường đối với các ngành nghề và hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động mà không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người lao động tự thương lương, ký hợp đồng và trả lương gắn với năng suất và kết quả lao động.

- Tăng thu so với dự toán được giữ lại để cải cách tiền lương: Nghị quyết đề ra một số nhiệm vụ thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách, coi đây là nhiệm vụ đột phá để tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương: Thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về phát triển kinh tế tư nhân; về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công nhằm phát triển nguồn thu bền vững, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương.

Hàng năm, dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương cho cải cách chính sách tiền lương.         

-  Gắn cải cách tiền lương với tinh gọn bộ máy:  Để thực hiện cải cách thành công, Nghị quyết cũng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới, tinh giản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị và người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập. Đặc biệt là việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo nguồn bền vững cho cải cách chính sách tiền lương.

Nghị quyết yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội và pháp luật có liên quan đến chính sách tiền lương trong khu vực công và khu vực doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm, kỷ luật, trả lương và quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong doanh nghiệp./. Từ Quang Hóa

 

2014 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 556
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 556
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87010108