Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân, kinh tế thị trường và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước 

Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đã ban hành các Nghị quyết liên quan đến các vấn đề về: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân; Về kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đây là những vấn đề cốt yếu, đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 đã đề ra về phát triển kinh tế-xã hội. Nội dung trọng tâm của các Nghị quyết này là những định hướng lớn, mang tính đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cơ cấu lại DNNN và phát triển kinh tế tư nhân. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị học tập quán triệt Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII đã nói: “Đây là những chủ thể rất quan trọng, là nơi tạo ra của cải vật chất chủ yếu của nền kinh tế”. Vì vậy để thực hiện có hiệu quả những Nghị quyết này đòi hỏi sự nỗ lực hết mình của các cơ quan, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, sự vào cuộc của các doanh nghiệp cũng như sự đoàn kết nhất trí của các tầng lớp Nhân dân.

Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Trong suốt quá trình đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn xác định đổi mới, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, trong đó, cốt lõi là tập trung ưu tiên đổi mới tư duy kinh tế, chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển; coi đây là công việc thường xuyên, liên tục.

Trong 10 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X “Về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã đạt được những thành tựu như: Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn; hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách ngày càng hoàn thiện và phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn hội nhập quốc tế; chế độ sở hữu các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp phát triển đa dạng...;  các yếu tố thị trường và các loại thị trường được hình thành đồng bộ hơn gắn kết với thị trường khu vực và thế giới; hội nhập quốc tế ngày càng xâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức....

Những thành tựu đó đã góp phần quan trọng duy trì tăng trưởng kinh tế, đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, hiện vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, đặc biệt là: Kinh tế phát triển chưa thật sự nhanh và bền vững như mục tiêu, yêu cầu đề ra. Chưa tạo được đột phá lớn trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Doanh nghiệp Nhà nước chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể chậm đổi mới và phát triển; kinh tế tư nhân phát triển chưa thật nhanh, bền vững và lành mạnh. Một số loại thị trường chậm hình thành và phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, kém hiệu quả. Việc tiếp cận các nguồn lực xã hội chưa bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế. Hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, chất lượng chưa cao và việc tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập. Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, mức độ minh bạch, ổn định chưa cao. Quyền sở hữu tài sản, nhất là quyền của người góp vốn chưa được bảo đảm thực thi đầy đủ. Giá cả một số hàng hoá, dịch vụ thiết yếu chưa thật sự theo nguyên tắc thị trường. Hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả chưa cao; việc tự do hoá thương mại, đầu tư trong một số thị trường, lĩnh vực chưa sát hợp với thực tế phát triển của nền kinh tế...

Nguyên nhân của những hạn chế đó là: Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đủ rõ. Tư duy bao cấp còn ảnh hưởng nặng nề; Năng lực xây dựng và thực thi thể chế còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường; Việc quán triệt, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước chưa thật quyết liệt, hiệu quả thấp; Vai trò, chức năng, phương thức hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị chậm được đổi mới; Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng ở một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên...

Từ thành tựu, hạn chế trên, Hội nghị Trung ương 5, khóa XII đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Thống nhất nhận thức về kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; Tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; Hoàn thiện thể chế phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường; Hoàn thiện thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội, quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế;  Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, vai trò xây dựng và thực hiện thể chế kinh tế của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước

Đây là vấn đề lớn, khó khăn và phức tạp, trong hơn 30 năm qua, Đảng ta luôn quan tâm đến việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Đảng và Nhà nước ta đã bàn nhiều lần, ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để sắp xếp lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả, phát triển doanh nghiệp Nhà nước, và trên thực tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ chỗ cả nước có hơn 12.000 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, đến năm 2001 giảm xuống còn 5.655 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, và đến thời điểm tháng 10 năm 2016 chỉ còn 718 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế Nhà nước; chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế.

Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của phần lớn doanh nghiệp Nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Không ít doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với những dự án đầu tư hàng nghìn tỉ đồng "đắp chiếu", làm trầm trọng thêm nợ xấu ngân hàng và nợ công quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân… Những kết quả trên là do những hạn chế yếu kém sau: Vai trò  của doanh nghiệp nhà nước đối với nền kinh tế còn hạn chế; Hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương sứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư...; Cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước chậm được đổi mới, kém hiệu quả, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, tình công khai minh bạch còn hạn chế; Việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà  nước diễn ra chậm, qúa trình cổ phần hoá còn nhiều yếu kém, tiêu cực và có một số khó khăn vướng mắc; Trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng, công tác cán bộ, chính sách tiền lương còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với cơ chế thị trường; Việc tách chức năng quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước thực hiện chậm. Cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp còn bất cập, dễ bị lợi dụng để trục lợi; tham nhũng, tiêu cực. Việc đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp chưa theo kịp yêu cầu cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng những vấn đề nêu trên, Hội nghị lần này đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách để doanh nghiệp nhà nước thực sự vận hành theo cơ chế thị trường; Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị và nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước; Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước.

Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân

Báo cáo tổng kết 15 năm (2002 - 2017) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” đã được xây dựng, biên tập, chỉnh sửa nhiều lần trên cơ sở các báo cáo tổng kết và ý kiến đóng góp của hầu hết các ban, bộ, ngành và các tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương; kế thừa kết quả tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới; tham vấn ý kiến các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, hiệp hội ngành nghề và nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý.

Qua tổng kết cho thấy, trong 15 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng về khuyến khích và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển. Vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng được nhận thức rõ hơn và đánh giá đúng hơn. Kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội.

Tỉ trọng trong GDP của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả kinh tế cá thể duy trì ổn định khoảng 39 - 40%. Bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế; đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh. Số lượng doanh nghiệp của tư nhân tăng nhanh với nhiều loại hình đa dạng; phong trào khởi nghiệp được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, kinh tế tư nhân cũng đã bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém: Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Xuất phát điểm phát triển và năng lực nội tại của kinh tế tư nhân nhìn chung còn thấp; chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, cá thể. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới; trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh còn yếu kém; chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp. Khả năng liên kết với các thành phần kinh tế khác và tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong nước, khu vực và toàn cầu còn nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp tư nhân hoạt động thiếu ổn định, bền vững, thậm chí bị thua lỗ, giải thể, phá sản. Tình trạng vi phạm pháp luật, gian lận thương mại, trốn thuế, nợ thuế, cạnh tranh không lành mạnh, gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, không quan tâm bảo đảm lợi ích của người lao động diễn biến phức tạp, có nơi, có lúc rất nghiêm trọng.

Từ đó, Hội nghị đề ra một số giải pháp sau: Thống nhất nhận thức tư tưởng, hành động trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân; Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; Hổ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; Đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp đối với kinh tế tư nhân.

                                                                                                                                                                              Châu Minh (biên tập)

1862 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 728
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 728
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76808390