NGHỊ QUYẾT SỐ 55-NQ/TW – NHẬN THỨC MỚI CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG 

Bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, năng lượng, viễn thông, an ninh, quốc phòng… được xem là những ngành rất quan trọng vì liên quan đến vận mệnh của đất nước và sự tồn vong của chế độ.

Đối với nước ta,  trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách và sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ ngành năng lượng về nhiều mặt với phương châm “năng lượng phải đi trước một bước”. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 26-KL/TW, ngày 24/10/2003 về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam; Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2007 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

 Nhờ có chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự hưởng ứng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp cùng toàn xã hội, trong những năm qua, ngành năng lượng nước ta nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có những bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực, bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu cụ thể đề ra.

Trên thực tế, nước ta đang trong quá trình CNH, HĐH. Vì vậy, bảo đảm nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững, giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và không ngừng cải thiện đời sống nhân dân có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng. Hơn nữa, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đòi hỏi phải có những quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách mới cho phát triển ngành năng lượng quốc gia.

Trên cơ sở tổng kết đánh giá quá trình thực hiện Kết luận số 26 - KL/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam” và Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2007 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị ban hành  Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện quan điểm, nhận thức mới và tầm nhìn của Đảng về phát triển năng lượng quốc gia. Cụ thể là:

1- Điểm mới trong quan điểm chỉ đạo phát triển năng lượng quốc gia

Thứ nhất, xác định rõ hơn và toàn diện hơn về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và vị trí, vai trò của phát triển năng lượng quốc gia. Nghị quyết 55 lần đầu đề cập rõ về vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong tình hình mới, theo đó “bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội”.Tại Nghị quyết này, phát triển năng lượng quốc gia không chỉ là nhiệm vụ “trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước” như đã nêu tại Nghị quyết 18 mà “phải ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Vấn đề phát triển năng lượng phải gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội cũng lần đầu tiên nêu tại Nghị quyết; đây cũng là điểm mới, thể hiện rõ tính định hướng XHCN trong phát triển năng lượng đất nước.

Thứ hai, quan điểm mạnh mẽ và toàn diện hơn về phát triển thị trường năng lượng quốc gia cũng như gắn kết giữa phát triển năng lượng với thể chế và xu thế hội nhập quốc tế. Nghị quyết 55 đã nêu quan điểm “phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế”. Nếu như trước đây, tại Nghị quyết 18 mới chỉ nêu quan điểm “từng bước hình thành thị trường năng lượng” thì tại Nghị quyết 55, Bộ Chính trị đã nhấn mạnh quan điểm “nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng”. Đây là những điểm có tính đột phá, khẳng định rõ nét hơn, quyết liệt hơn yêu cầu phải nhanh chóng và triệt để thực hiện cơ chế thị trường đối với ngành năng lượng qua cơ chế giá năng lượng để thu hút, phân bổ nguồn lực đầu tư trong phát triển các loại hình năng lượng.

Thứ ba, quan điểm mạnh mẽ hơn, cụ thể và toàn diện hơn về việc thu hút và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng, đặc biệt là kinh tế tư nhân. Nếu như tại Nghị quyết 18 mới đề cập quan điểm “Thúc đẩy nhanh việc xóa bao cấp, xóa độc quyền, tiến đến xóa bỏ hoàn toàn việc thực hiện chính sách xã hội thông qua giá năng lượng” thì đến Nghị quyết 55, Bộ Chính trị đã nêu rõ “Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng”. Đây là những quan điểm mới, phù hợp với tình hình thực tiễn, đánh giá đúng vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế.

Thứ tư, nêu rõ quan điểm về phát triển các nguồn năng lượng phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển năng lượng của đất nước cũng như của thế giới, theo đó Nghị quyết xác định “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước, chú trọng mục tiêu bình ổn, điều tiết và yêu cầu dự trữ năng lượng quốc gia; ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỉ trọng điện than một cách hợp lý; chủ động nhập khẩu nhiên liệu từ nước ngoài cho các nhà máy điện”. Đồng thời, lần đầu tiên tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị cũng đặt ra yêu cầu phải tính toán để phân bổ tối ưu hệ thống năng lượng quốc gia trong tất cả các lĩnh vực trên cơ sở lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương.

Thứ năm, gắn phát triển năng lượng quốc gia với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xác định đúng vai trò của chính sách sử dụng tiết kiệm năng lượng. Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị nêu rõ quan điểm phải chú trọng nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành năng lượng; từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị năng lượng”. Tại Nghị quyết 18, vấn đề sử dụng tiết kiệm năng lượng đã được đề cập nhưng mới dừng lại ở mức độ “Có chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả” nhưng đến Nghị quyết 55, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường đã được nâng tầm, trở thành “quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội”.

2- Điểm mới trong mục tiêu và tầm nhìn phát triển năng lượng quốc gia

Đối với mục tiêu tổng quát, Nghị quyết 55 nhấn mạnh ngoài việc cung cấp năng lượng với chất lượng cao, cần phải cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, với giá cả hợp lý. Đây là điểm sâu sắc hơn Nghị quyết 18, gắn với nội hàm cấu thành việc đảm bảo an ninh năng lượng. Ngoài ra, Nghị quyết 55 chú trọng hơn đến mục tiêu phát triển hạ tầng đồng bộ và thông minh, nêu rõ mục tiêu là đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Đặc biệt, đưa mục tiêu rõ ràng hơn trong việc chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.

Đối với một số mục tiêu cụ thể, ngoài mục tiêu cụ thể về tổng cung năng lượng sơ cấp, Nghị quyết 55 có tính toán và bổ sung thêm các chỉ tiêu quan trọng khác cho định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Nghị quyết 55 đưa mục tiêu nhập khẩu khí LNG (là nguồn năng lượng sạch) là đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) khoảng 8 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỉ m3 vào năm 2045. Đặc biệt đối với vấn đề môi trường, Nghị quyết 55 đưa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045. Đây là những điểm mới trong Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 55.

Về tầm nhìn, Nghị quyết 18 không đưa tầm nhìn cụ thể mặc dù xác định thời gian đến năm 2050. Nghị quyết 55 xác định tầm nhìn cụ thể đến năm 2045, ngoài một số nội dung mang tính tổng quát được nêu trong tầm nhìn, Nghị quyết 55 nhấn mạnh đến khả năng kết nối khu vực và quốc tế được nâng cao; chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học - công nghệ và năng lực quản trị ngành năng lượng đạt trình độ tiên tiến của một nước công nghiệp phát triển hiện đại.

3- Điểm mới trong nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

- Nghị quyết 55 xác định 10 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong 2 nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên, Nghị quyết 55 tập trung nêu bật vấn đề về các nguồn cung năng lượng sơ cấp và điện, trong đó nhấn mạnh phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững và phát triển nhanh và bền vững ngành điện đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đây là những nội dung mấu chốt để đảm bảo an ninh năng lượng đất nước. Điều khác biệt ở Nghị quyết 55 là những nhiệm vụ và giải pháp được nêu rõ ràng và cụ thể cho từng phân ngành năng lượng, từng loại hình phát điện; từ đó, tạo thuận lợi cho việc thể chế hóa các nội dung này trong những chiến lược liên quan. Điểm mới trong Nghị quyết 55 là đưa các giải pháp cụ thể về nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng, theo đó là cần hoàn thiện chính sách đặt hàng sản xuất của Nhà nước để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước thực hiện những công trình, dự án phức tạp, kỹ thuật cao trong ngành năng lượng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; đây là giải pháp mang tính đột phá để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.

- Một điểm mới nữa là Nghị quyết 55 gắn chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Nghị quyết 55 đề ra nhiệm vụ cần xây dựng quy chế tài chính về môi trường, bảo đảm tính đủ các chi phí về môi trường, xã hội trong đầu tư và giá thành sản phẩm…

Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống nhanh chóng, Nghị quyết 55 nêu các giải pháp cụ thể.Theo đó, Nghị quyết đề ra nhiệm vụ phải rà soát, hoàn thiện mô hình quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng. Phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn, cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương, giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong phát triển năng lượng; xây dựng cơ chế và khung pháp lý bảo đảm cho việc tuân thủ quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia. Xử lý nghiêm đối với các dự án đầu tư chậm triển khai, làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia...

Nghị quyết 55 được các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao; việc triển khai thực hiện tốt Nghị quyết kỳ vọng sẽ tạo ra những phát triển đột phá cho ngành năng lượng Việt Nam trong thời gian tới./. Phan Văn Lãn

16438 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 897
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 897
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87200068