Nghị quyết 68/NQ-CP: Thiết kế chính sách thân thiện với người lao động 

(Chinhphu.vn) - So sánh với các gói hỗ trợ trước đây mà doanh nghiệp và người lao động phản ánh là quá nhiều tiêu chí, tiếp cận rất khó, Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là một trong những thiết kế chính sách thật sự đơn giản, thân thiện với người lao động. Điểm nổi bật là giảm 2/3 số thủ tục hành chính, các đối tượng sẽ dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng hơn.

 

Họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý II và Kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2020. Ảnh VGP/Đỗ Cường

Đây là nội dung ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê (TCTK) đưa ra tại Họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý II và Kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của TCTK ngày 6/7.

Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng Cục trưởng TCTK, TPHCM vừa tuyên bố khi người lao động hay người sử dụng lao động nộp hồ sơ thì sau từ 6 đến 7 ngày sẽ được xét duyệt. Với việc giảm thủ tục hành chính, người lao động hay người sử dụng lao động sẽ không cần phải đến cơ quan chức năng để làm việc, cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm chuyển số tiền hỗ trợ vào tài khoản, chỉ đối tượng nào không có tài khoản thì mới chuyển tiền mặt.

Bà Valentina Baccuci, Phó Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhận định, Nghị quyết 68/NQ-CP đã đa dạng nhóm người thụ hưởng hơn như phụ nữ có thai, trẻ em và lao động trong khu vực phi chính thức. Đại diện ILO tin rằng thực thi tốt Nghị quyết 68/NQ-CP là một trong những nền tảng quan trọng để Việt Nam hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Tỷ lệ thất nghiệp 2,62% trong quý II

Tại họp báo, các cơ quan chức năng thông tin: Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2021 là gần 1,2 triệu người, tương đương 2,62%, tuy cao hơn quý I (2,42%) nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (2,85%) và được đánh giá là thấp. Con số này gây bất ngờ, tuy nhiên theo bà Valentina Baccuci, cần phải xác định thuật ngữ “thất nghiệp” theo tiêu chí quốc tế, khác với suy nghĩ thông thường “thất nghiệp tức là không có việc làm”. Điều quan trọng là phải xác định các yếu tố nào là “không làm việc” trong bối cảnh đặc biệt của năm 2021.

Thông tin thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Mai – Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (TCTK) cho biết, đại dịch phần nào tước đi hy vọng về khả năng tìm kiếm được việc làm của lao động. Khi mất việc, thay vì tích cực tìm việc làm khác, một số lao động lại tin là không thể tìm được việc và chấp nhận tạm thời rời khỏi lực lượng lao động, trở thành “lao động không sử dụng hết tiềm năng”, chứ không phải là “lao động thất nghiệp”.

Theo đánh giá của ILO, thị trường lao động Việt Nam có tín hiệu hồi phục ở một số lĩnh vực nhất định. Lực lượng lao động vẫn tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tương tự như vậy, nguồn thu nhập cũng tăng lên ở một số lĩnh vực, nhóm ngành. Thu nhập bình quân 6 tháng đầu năm 2021 là 6,2 triệu đồng, tăng 320.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng Cục trưởng TCKT, Chính phủ quyết tâm, kiên trì với mục tiêu kép là vừa chống dịch để bảo đảm sức khoẻ người dân, vừa phục hồi kinh tế, nhưng cách thức chống dịch có thay đổi, đó là tập trung, khoanh vùng, dập dịch ở những nơi dịch bùng phát, còn những nơi ít bị ảnh hưởng, vẫn tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, lao động việc làm và thu nhập của người dân tuy có ảnh hưởng nhưng không quá lớn so với năm 2020.

Nhìn lại năm 2020, chúng ta đã trải qua ít nhất 2 tuần giãn cách xã hội, tại thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, nhiều người lao động mất việc. Lực lượng lao động rơi vào trạng thái giảm chưa từng có, giảm gần 2 triệu người so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, quý III, IV năm 2020 ghi nhận sự phục hồi do thay đổi chính sách ứng phó với dịch, thực hiện cách ly, khoanh vùng, truy vết chứ không triển khai giãn cách trên diện rộng. Đến năm 2021, chúng ta cũng trải qua một số đợt dịch từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng nhiều đến các khu công nghiệp. Nhưng, do có chủ trương và điều hành thông suốt của Chính phủ, ứng xử của người lao động và người sử dụng lao động cũng có phần khác biệt. Có những khu công nghiệp xây dựng lều trại, lán để cho công nhân ở trong khu công nghiệp chứ không dừng sản xuất như trước đây. Vì vậy, lực lượng lao động năm nay không sụt giảm mạnh như năm trước, mà vẫn được duy trì.

Minh Ngọc

162 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1378
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1378
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87097896