Nghị quyết 02: Nhiều cơ quan tích cực triển khai ngay từ quý I 

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, VCCI, Bộ Tư pháp và Quảng Ninh, Hà Nội, Cao Bằng được “điểm danh” như những đơn vị tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 02.

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 02 của 20 Bộ, cơ quan và 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019 và định hướng đến năm 2021.

Tính đến ngày 27/3/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được kế hoạch hành động của 20 Bộ, cơ quan và 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhìn chung, kế hoạch hành động của hầu hết các bộ, ngành bám sát mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết. Một số Bộ, cơ quan (như Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp,…) có Kế hoạch hành động chi tiết, cụ thể, và từ đó có thể đánh giá được kết quả và mức độ thực hiện.

So với các năm trước, năm nay các Bộ, cơ quan ban hành Kế hoạch hành động có chất lượng hơn. Mặc dù vậy, tuy đã 5 năm thực hiện Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng một số bộ, ngành vẫn chưa thật sự hiểu rõ, đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cũng như cách tiếp cận của các chỉ tiêu theo thông lệ quốc tế.

Về phía địa phương, nhìn chung chất lượng Kế hoạch hành động của các tỉnh, thành phố không có nhiều cải thiện so với trước. Những tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch có chất lượng vẫn là các địa phương như Quảng Ninh, Hà Nội, Đồng Tháp,… Đây cũng là những địa phương đi đầu trong thực hiện Nghị quyết. Năm nay, một số địa phương thuộc miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên,… có sự chuẩn bị tích cực, chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch thực thi Nghị quyết. Đáng chú ý là các địa phương thậm chí còn nắm rõ các chỉ tiêu theo thông lệ quốc tế tốt hơn so với một số bộ, ngành.

Cũng trong quý I, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành đầy đủ các Tài liệu hướng dẫn theo yêu cầu. Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Tài liệu hướng dẫn chỉ số Đổi mới sáng tạo (của WIPO). Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản báo cáo về những vấn đề cải thiện chỉ số Tiếp cận tín dụng. Bộ Xây dựng đang hoàn thiện Tài liệu hướng dẫn chỉ số Cấp phép xây dựng.

Bộ Công Thương (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và đề nghị các cơ quan, đơn vị phối hợp cải thiện chỉ số Tiếp cận điện năng. Bộ Công Thương vẫn đang trong quá trình soạn thảo Tài liệu hướng dẫn bộ chỉ số Hiệu quả logistics, trong đó bao gồm chỉ số Chất lượng và năng lực các dịch vụ logistics.

Bộ Tư pháp đã hoàn thiện và dự kiến ban hành Tài liệu hướng dẫn chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật trước ngày 31/3/2019.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết chưa nhận được thông tin của Bộ Thông tin Truyền thông (Bộ đầu mối) về việc ban hành Tài liệu hướng dẫn bộ chỉ số Chính phủ  điện tử (của UN); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Tài liệu hướng dẫn chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch (của WEF). Một số Bộ chủ trì, chịu trách nhiệm đối với nhiều chỉ số thành phần (như Thông tin và Truyền thông (20), Khoa học và Công nghệ (20), Giáo dục và Đào tạo (13)) chưa có tài liệu hướng dẫn chi tiết các chỉ số liên quan.

Đạt một số kết quả ban đầu

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay trong quý I năm 2019, một số Bộ, ngành (như Văn phòng Chính phủ, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Công Thương, VCCI, Tư pháp...) và địa phương (gồm Quảng Ninh, Hà Nội, Cao Bằng...) đã tích cực triển khai các nhiệm vụ  được giao và đã đạt được một số kết quả ban đầu.

Trong tháng 2/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm cải thiện môi trường kinh doanh và triển khai thực hiện Nghị quyết số 02. Một số Bộ, ngành khác như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp cũng tổ chức Hội nghị nhằm thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm liên quan.

Văn phòng Chính phủ đôn đốc các Bộ, ngành thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Nghị quyết. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra thực tế về hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành; kiểm tra, đôn đốc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh ở địa phương; tổ chức cuộc họp các bộ, ngành để kiểm tra, giám sát và kịp thời đôn đốc triển khai Nghị quyết đúng thời hạn và có chất lượng.

Về cải cách quy định về điều kiện kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát, đề xuất cắt giảm Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, ban hành tại Phụ lục kèm theo Luật Đầu tư. Theo đó, đề xuất bãi bỏ 22 ngành nghề; sửa đổi 4 ngành nghề và bổ sung 3 ngành nghề (để thống nhất với Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp và Luật Báo chí). 

Một số ít bộ (như Công Thương) tiếp tục có phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ.  Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi đó, cũng trong quý I năm 2019, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa có chuyển biến, cải cách nào đáng kể. Nghị quyết số 02 nhấn mạnh trước tháng 6 năm 2019, các bộ, ngành hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, trong quý I năm 2019, nhiệm vụ này chưa có thêm chuyển biến nào được ghi nhận.

Cũng trong quý I, một số kết quả cụ thể về thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt được ghi nhận, như Tổng cục Hải quan hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nộp các khoản vào ngân sách nhà nước bao gồm phí, lệ phí, nộp phạt… bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt hoặc nộp tiền mặt tại ngân hàng thương mại kể từ ngày 1/4/2019.

Trong khi đó, việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đạt mức rất thấp. Tuy nhiên, một điểm sáng là ngày 12/3/2019, Chính phủ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia kết nối 95 cơ quan Trung ương và địa phương. Trục liên thông là giải pháp kỹ thuật, công nghệ được triển khai từ Văn phòng Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương để kết nối, liên thông gửi và nhận văn bản điện tử (là dạng dữ liệu được tạo lập hoặc số hoá từ văn bản giấy). Thời gian chuyển phát văn bản từ 2 ngày rút xuống tính bằng giây và không tốn chi phí.

Với việc ứng dụng Trục liên thông, theo tính toán của Văn phòng Chính phủ, mỗi năm tiết kiệm được khoảng 154,3 tỷ  đồng riêng tiền photo, giấy, mực,..; khoảng 575,2 tỷ  đồng tiền bưu chính; khoảng 576 tỷ đồng chi phí thời gian, nhân công tính sơ bộ theo giá của Ngân hàng Thế giới. Nếu trừ đi các chi phí bỏ ra thì việc sử dụng văn bản điện tử có thể giúp tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng.

Thanh Hằng

338 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 885
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 885
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77258951