Ảnh minh họa: Minh Trí-TTXVN

Tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp, các ngành và địa phương có liên quan xây dựng các mô hình chăn nuôi mới nhằm thay đổi tập quán chăn nuôi, từ hình thức thả rông sang hình thức trồng cỏ và nuôi nhốt; tạo ý thức sản xuất hàng hóa cho đồng bào các dân tộc. Các địa phương phối hợp với ngành nông nghiệp thực hiện khảo sát, lựa chọn giống bò phù hợp với điều kiện tự nhiên ở miền núi; hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn cách chăn nuôi cho người dân; khảo sát, phân tích thị trường, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm của người dân.

Qua cách làm trên, tỉnh Nghệ An đã triển khai mô hình đến 10 điểm định canh, định cư tập trung và 30 điểm định canh định cư xen ghép tại các huyện miền núi, hỗ trợ 1.834 con bò giống địa phương cho 917 hộ dân tộc thiểu số nghèo định canh định cư.

Vùng dân tộc và miền núi của tỉnh Nghệ An có 12 huyện, thị xã, gồm 252 xã, 1.339 xóm, bản. Các địa điểm định canh định cư ở huyện miền núi thường có địa hình núi cao, hiểm trở; hệ thống giao thông chậm phát triển, đi lại rất khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội hạn chế. Đồng bào các dân tộc ở các điểm định canh, định cư có trình độ dân trí thấp, kỹ thuật canh tác lạc hậu, sản xuất tự cung, tự cấp là chủ yếu.

Hiện nay, cùng với việc hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi bò cho các hộ di dân, định canh, định cư, tỉnh Nghệ An cũng đang tập trung các nguồn lực ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm định canh, định cư; giúp các hộ dân khai hoang để trồng cây lương thực, khắc phục tình trạng thiếu lương thực, đói giáp hạt đối với một số hộ định canh, định cư./.

Nguyễn Văn Nhật/TTXVN