Ngành Thuế có nhiều bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính 

(ĐCSVN) - Kết quả cải cách hành chính (CCHC) thuế của Việt Nam trong những năm qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, theo đánh giá kết quả chỉ số nộp thuế của Việt Nam trong Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận hầu hết các cải cách mà cơ quan thuế Việt Nam đã triển khai.

 

Ông Nguyễn Đại Trí - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Ảnh: M.P)

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đại Trí - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khi trao đổi với báo chí về tình hình cải cách hành chính của ngành thuế trong thời gian vừa qua.

Phóng viên (PV):  Được biết, quán quân trong bảng xếp hạng Chỉ số đánh giá chi phí tuân  thủ tục hành chính (TTHC) năm 2018 (APCI 2018) là nhóm TTHC Thuế với chi phí tuân thủ thấp nhất và thời gian để doanh nghiệp thực hiện thủ tục thuế cũng ngắn hơn. Theo ông, điều này có mối liên quan thế nào tới việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế?

Ông Nguyễn Đại Trí: Ngày 17/8 vừa qua, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính tổ chức công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2018 (chỉ số APCI 2018) dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng. Đây là lần đầu tiên Báo cáo này được công bố.

Theo đó, nhóm thủ tục thuế có chi phí chỉ hơn 73.000 đồng (73.750đ) và thời gian thực hiện là 2,9 giờ làm việc; Đứng thứ nhất trong 8 thủ tục hành chính: Hải quan, đất đai, môi trường, xây dựng …

Với kết quả đánh giá về thời gian thực hiện và chi phí tuân thủ TTHC của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính nêu trên, là khách quan, phản ánh đúng thực tế nỗ lực CCHC của ngành Thuế trong thời gian qua.

Kết quả CCHC thuế của Việt Nam trong những năm qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, theo đánh giá kết quả chỉ số Nộp thuế của Việt Nam trong Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận hầu hết các cải cách mà cơ quan thuế Việt Nam đã triển khai, điều đó thể hiện chủ trương CCHC đúng đắn của Chính phủ, cùng với sự sát sao chỉ đạo của Bộ Tài chính và sự quyết liệt, nỗ lực của toàn ngành thuế. Việc CCHC là cả một quá trình, và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: Từ cải cách về thể chế, cải cách về tổ chức quản lý thuế … và không thể thiếu đó là cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế, để thực hiện được những mục tiêu, yêu cầu tại Nghị quyết 36a/NQ-CP năm 2015 về Chính phủ điện tử và Chỉ thị 16/CT-Ttg năm 2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các Nghị quyết số 19 (2014-2017) về cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó đã cắt giảm được 420 giờ nộp thuế cho doanh nghiệp.

Đáng chú ý, những dịch vụ thuế điện tử cung cấp cho doanh nghiệp như khai thuế, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử giúp doanh nghiệp giảm thời gian đi lại nộp hồ sơ, nộp tiền thuế; thông tin khai, nộp thuế của doanh nghiệp được lưu trên hệ thống của cơ quan thuế có thể được tra cứu lại dễ dàng giúp giảm chi phí quản lý của doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng không phải cung cấp lại thông tin cho cơ quan quản lý đối với những hồ sơ điện tử đã nộp tới cơ quan thuế.

Cùng với đó, ngành Thuế cũng phối hợp với các cơ quan khác trong công tác trao đổi, xử lý thông tin giúp cải cách thủ tục hành chính, mang lại lợi ích cho người nộp thuế như Phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh giúp hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp được giải quyết nhanh chóng. Phối hợp với cơ quan đăng ký đất đai giúp giảm thời gian đi lại và thời gian giải quyết hồ sơ của người có quyền sử dụng đất. Trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan, giúp doanh nghiệp không phải cung cấp lại tờ khai hải quan khi thực hiện đề nghị hoàn thuế. Khi hoàn thành pháp lý với Cục Cảnh sát giao thông và Cục Đăng kiểm sẽ tạo bước cải cách lớn trong thủ tục giải quyết hồ sơ đăng ký trước bạ ô tô, xe máy.

Bên cạnh đó, với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, giúp cán bộ thuế xử lý thông tin ngày càng tốt hơn, tạo thuận lợi cho việc đẩy mạnh công tác hậu kiểm, từ đó thời gian giải quyết hồ sơ sẽ được nhanh chóng hơn (ví dụ như hỗ trợ phân loại hồ sơ hoàn thuế, kiểm soát hoàn, phân tích rủi ro…).

Như vậy, có thể nói, Chi phí tuân thủ TTHC thấp có liên quan mật thiết tới việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước. Kết quả khảo sát, đánh giá của Hội đồng tư vấn CCHC cũng cho thấy, doanh nghiệp, người nộp thuế đều đã và đang sử dụng ứng dụng của ngành để thực hiện hầu hết hoặc một số TTHC.

Rõ ràng là kết quả của giải pháp điện tử về khai và nộp thuế điện tử…, đã tạo sự cách biệt về chi phí tuân thủ của thủ tục Thuế với các nhóm thủ tục khác, và chứng minh rằng xu thế điện tử hóa việc thực hiện TTHC là tất yếu và càng khẳng định rằng định hướng của Chính phủ thể hiện ở Nghị quyết 36a/NQ-CP năm 2015 về Chính phủ điện tử và Chỉ thị 16/CT-Ttg năm 2017 và các Nghị Quyết số 19 của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn, và thực sự đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ thuế.

PV:  Xin ông cho biết những khó khăn trong việc thực hiện cải cách TTHC?

Ông Nguyễn Đại Trí: Trong những năm qua, toàn ngành Thuế đã tập trung, thống nhất thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị về tài chính ngân sách nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng. Tổng cục Thuế đã triển khai quyết liệt, có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, được xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế ghi nhận và được Chính phủ đánh giá cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc CCHC thuế cũng gặp không ít khó khăn.

Cụ thể, một số thủ tục hành chính muốn cải cách cần phải có thời gian sửa đổi các văn bản pháp quy, các quy định, quy trình liên quan.

Tăng cường mở rộng các dịch vụ thuế điện tử cho cá nhân kinh doanh gặp phải khó khăn về các quy định pháp lý trong việc xác thực cá nhân. Việc triển khai các dịch vụ nộp thuế điện tử cho cá nhân cũng gặp phải khó khăn do thói quen sử dụng tiền mặt; Bên cạnh đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa được hình thành dẫn đến một số TTHC thuế liên quan đến cá nhân phải chờ khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xây dựng xong mới có thể cải cách tốt hơn nữa.

Tôi cho rằng, cải cách những thủ tục hành chính liên quan đến nhiều cơ quan chỉ thành công khi mọi khâu đều quyết tâm đổi mới và thực hiện đồng bộ: Một số cải cách về TTHC của Thuế phải chờ việc CCHC của Bộ, ngành khác, như: một số thủ tục cần có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền xác, công chứng, chứng thực …

Ngoài ra, việc phối hợp với các cơ quan bên ngoài để trao đổi thông tin rất phức tạp và mất nhiều thời gian, phải thực hiện qua nhiều bước: từ kết nối thử nghiệm.. đến khi hệ thống sẵn sàng triển khai, đồng thời là việc xậy dựng, ký kết các Quy chế phối hợp để làm cơ sở cho việc triển khai.

Tiến độ cải cách thủ tục hành chính cũng bị chậm lại khi chính sách thường xuyên thay đổi.

Nhìn chung, việc CCHC không bao giờ không gặp khó khăn, đặc biệt trong thời gian tới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đang xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển thương mại điện tử, dữ liệu lớn… hiện đang làm thay đổi mô hình kinh doanh, phương thức hoạt động trên mọi lĩnh vực, từ đó yêu cầu ngành thuế cần phải có những cải cách phù hợp để đáp ứng sự thay đổi này…

PV: Vậy theo ông đâu là động lực để Tổng cục Thuế tiếp tục những nỗ lực của mình trong việc thực hiện cải cách TTHC?

Ông Nguyễn Đại Trí: Sự phức tạp, thiếu thông tin của các thủ tục hành chính thuế làm tăng chi phí tuân thủ và gây nên sự khó chịu cho người nộp thuế khi thực hiện.

Ngược lại, nếu thủ tục hành chính thuế đơn giản sẽ làm cho người nộp thuế cảm thấy hài lòng sẽ củng cố niềm tin và gia tăng sự hợp tác của người nộp thuế.

Trong CCHC, bên cạnh mục tiêu cắt giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, ngành thuế luôn chú trọng việc tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện TTHC Thuế từ khâu tra cứu, tiếp cận thông tin, đến lập hồ sơ, gửi và nhận kết quả …ngành thuế luôn lấy Doanh nghiệp, người nộp thuế làm trung tâm và sự hài lòng của người nộp thuế là thước đo, là động lực của mình trong việc thực hiện cải cách TTHC.

Công tác quản lý thuế ngày càng được cải thiện từ công cuộc cải cách TTHC, chính ngành thuế cũng được hưởng lợi từ việc thực hiện cải cách, thực tế công tác quản lý thuế trong những năm qua được cải thiện rõ nét: Công tác tuyên truyền, hỗ trợ; quản lý thuế; công tác thanh tra, kiểm tra đã áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong tất cả các khâu của công tác thanh tra, kiểm tra trên cơ sở dữ liệu tập trung về người nộp thuế, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra…

Theo tôi, trong quá trình hội nhập toàn cầu hiện nay, việc CCHC là yêu cầu tất yếu khách quan, CCHC thuế góp phần nâng cao môi trường cạnh quốc gia, kết quả như chúng ta đã biết đầu tư nước ngoài liên tục tăng trong những năm qua. Cùng với đó là sự nhìn nhận, đánh giá của các tổ chức xếp hạng trên thế giới như: World Bank; Diễn đàn kinh tế thế giới; Tạp chí Forbes … cũng là động lực của CCHC nói chung và CCHC Thuế nói riêng. 

PV: Xin cảm ơn ông!

Minh Phương

567 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1041
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1041
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87147985