Ngày thứ hai xử vụ buôn lậu gỗ trắc “khủng” 

LSVNO - Ngày 3/8, TAND thành phố Đà Nẵng tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án “buôn lậu” hơn 500 m3 gỗ trắc ở Quảng Trị và Đà Nẵng. Hội đồng xét xử, đại diện cơ quan công tố và các luật sư tập trung hỏi bị cáo, nhân chứng.

Mở đầu buổi sáng, tiếp tục xét hỏi ông Trương Huy Liệu về hồ sơ nhập khẩu và xuất khẩu lô gỗ. Ông Liệu trình bày, hợp đồng kinh tế ngày 5/12/2012 giữa Cty Ngọc Hưng với đối tác Lào để nhập lô gỗ là thật; chữ ký và con dấu của đối tác Lào đã được cơ quan điều tra xác định là thật, còn chữ ký và con dấu của Cty Ngọc Hưng thì đương nhiên là thật.

Cáo trạng quy kết, vợ chồng ông Liệu đưa cho nhân viên 7 tờ giấy A4 có sẵn chữ ký và con dấu của đối tác Lào để làm giả bộ hồ sơ nhập khẩu gỗ. Trong đó, có “vận đơn”, “hóa đơn vận tải đường bộ”. Luật sư Nguyễn Trường Thành hỏi: quy định của pháp luật, bộ hồ sơ nhập khẩu có cần hai văn bản như cáo trạng nêu hay không? Ông Liệu trả lời: “Không và cũng không có hóa đơn vận tải đường bộ”. Cáo trạng quy kết làm giả “vận đơn” trong bộ hồ sơ xuất khẩu. Luật sư Thành hỏi ông Liệu, vận đơn trong xuất khẩu do ai làm? Ông Liệu trả lời: “Do hãng tàu làm”. Ông Liệu khẳng định thêm: “Chúng tôi không làm giả bộ hồ sơ xuất khẩu lô gỗ vì không dại gì không có đối tác nước ngoài mua, mà đem lô gỗ chất xuống tàu để đi đổ xuống biển”.

Việc bán lô gỗ vật chứng, Luật sư Thành hỏi ông Liệu có nhớ câu cuối trong kết luận trưng cầu định giá không? Ông Liệu trả lời: “Không những nhớ mà còn thuộc lòng. Kết luận về việc định giá tài sản theo Trưng cầu giám định số 89/HĐĐGTSTTHS ngày 23/5/2013 của Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng, kết luận: “Kết quả định giá tài sản trên đây (63.619.706.500 đồng) chỉ có giá trị tại thời điểm định giá (ngày 23/5/2013) và nhằm phục vụ điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an tại Quyết định trưng cầu định giá số 18/QĐ-C44(P4) ngày 14/12/2012, không phục vụ cho mục đích khác”. Luật sư Thành hỏi tiếp, khi bán vật chứng ông biết không? Ông Liệu trả lời: “Không biết”.

Vợ của ông Liệu là bà Trần Thị Dung, GĐ Cty Ngọc Hưng, trả lời thẩm vấn cũng khẳng định việc nhập khẩu lô gỗ có hợp đồng kinh tế, không giả, nhận hàng tại cửa khẩu có kê khai hải quan và nộp thuế đủ. Bà cho biết thêm, Cty Ngọc Hưng đã nhập nhiều lô gỗ tương tự, chỉ riêng lỗ gỗ trắc này bị bắt và khởi tố.

Chủ tọa hỏi bà Dung về cái chết và di thư của anh Trần Đình Quang là nhân viên của Cty Ngọc Hưng. Bà Dung kể rõ, lúc đó ông Liệu đang bị bắt tạm giam, anh Quang làm việc với cơ quan điều tra về rất buồn phiền, hai ngày sau tự tử, để lại 3 di thư; gồm di thư gửi người yêu, ba mẹ, và gửi bà Dung viết rằng bị ép cung. Gia đình đem di thư cất kỹ ở nhà khác. Công an huyện và xã đến buộc phải đưa ra di thư; bố của Quang đem ra và công an lấy. Người dân tập trung đòi lại di thư, yêu cầu nếu lấy di thư thì phải photo và ký tên xác nhận. Công an đã thực hiện và gia đình chỉ còn bản di thư photo có chữ ký của công an. Chủ tọa hỏi: hiện nay, cơ quan điều tra cho rằng, không còn bản gốc di thư nên không xác định được Quang bị ép cung, ý kiến của bà Dung? Bà Dung trả lời: Quang bị ép cung khai làm giả hồ sơ là thật, mọi việc bây giờ nhờ tòa xém xét, làm rõ.

030817a4-5983ad708ec55

Ông Lê Xuân Thành trả lời thẩm vấn của đại diện cơ quan công tố

Cha của anh Quang là ông Trần Đình Diện được mời hỏi và ông kể, Quang làm việc với cơ quan điều tra ở Hà Nội về kêu luôn lên “ba ơi, con nhục quá” và rơi vào trầm cảm nặng. Sau đó, tự tử để lại 3 di thư. Ngày Quang chết, ông chưa kịp báo thì công an đã biết, tìm đến và đòi tịch thu di thư. Sau đó, gia đình làm đơn kêu oan là Quang bị đe dọa o ép mà tự tử nhưng cơ quan điều tra có công văn trả lời không ép cung.

Chủ tọa, đại diện cơ quan công tố và các luật sư thẩm vấn ông Đỗ Lý Nhi, nguyên công chức hải quan thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Cửa Việt. Ông Nhi khẳng định, kiểm hóa 5% lô hàng là đúng quy định của pháp luật và không phát hiện vi phạm nên cho thông quan. Cáo trạng buộc tội ông Nhi thiếu trách nhiệm nên kiểm hóa không phát hiện ra vi phạm, ông Nhi đề nghị “thu hồi lô gỗ để làm rõ”. Chủ tọa hỏi, quá trình kiểm hóa có thể phát hiện hồ sơ giả hay không? Ông Nhi trả lời: “Không thể, vì ngay cơ quan điều tra làm mãi chưa xong”.

030817a3-5983adf775a9f

Luật sư Nguyễn Trường Thành đưa ra hình ảnh lô gỗ để chứng minh các công chức hải quan đã làm tròn trách nhiệm

Ông Nguyễn Xuân Thành, nguyên công chức hải quan thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Cửa Việt cũng bác bỏ toàn bộ cáo trạng, cho rằng gây oan sai cho ông. Trình bày của ông, các ông chỉ có trách nhiệm, quyền hạn kiểm hóa 5% lô hàng, không được phép kiểm hóa cả lô hàng như cáo trạng quy kết và kiểm hóa phục vụ việc xuất khẩu. Chủ tọa hỏi ông Thành, nhận xét gì về định giá lại của một đơn vị ở Hà Nội, giá lô gỗ hơn 61 tỷ đồng, sau khi lô gỗ đã được bán. Ông Thành trả lời, sau khi lô gỗ đã bán, nhiều đơn vị ở Đà Nẵng và Quảng Trị từ chối định giá lại, chỉ đơn vị ở Hà Nội định giá ấy “chắc họ tài giỏi hơn Tôn Ngộ Không”. Luật sư Nguyễn Trường Thành hỏi, nếu Cty Ngọc Hưng làm giả hồ sơ để nhập lậu lô gỗ thì có thuộc trách nhiệm của ông hay không? Ông Thành trả lời: “Không. Nếu nhập lậu thì thuộc trách nhiệm của Hải quan cửa khẩu Lao Bảo và nếu đúng như cáo trạng quy kết thì còn bỏ lọt nhiều tội phạm”.

Ông Đỗ Danh Thắng, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng cũng bác bỏ toàn bộ cáo trạng. Trả lời thẩm vấn của Chủ tọa, ông Thắng phân tích thêm, cáo trạng không phân biệt được việc kiểm tra và khám xét hàng hóa, không hiểu công việc của hải quan nên áp dụng luật sai, quy kết tội trạng cho ông không đúng.

Sáu Nghệ

624 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1216
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1216
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87133773