Ngày tết, học tập tinh thần tiết kiệm của Bác Hồ 

Cả cuộc đời Bác luôn nêu cao tấm gương sáng về lối sống giản dị và thực hành tiết kiệm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân noi theo. Bác dặn: Một tấm gương sáng hơn một trăm bài diễn văn hay. Bác để lại muôn vàn tình thương yêu, một đời thanh bạch chẳng vàng son cho các thế hệ mai sau.

Đầu năm 1947, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta mới bắt đầu chưa được hai tháng. Ngày tết cổ truyền của dân tộc ta năm ấy (Đinh Hợi), Bác Hồ vẫn làm việc như mọi ngày và ngày hai bữa ăn cơm độn sắn, như bữa ăn bình thường của một gia đình nông dân nghèo Việt Nam.

Sau ngày thắng lợi chống thực dân Pháp, về ở Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ thường căn dặn mọi người phải thực hành tiết kiệm, tiết kiệm lao động, tiết kiệm thời gian, tiền bạc; phải tiết kiệm từ các to đến cái nhỏ, không xa xỉ, hoang phí, không bừa bãi, phô trương hình thức. Bác sống cả cuộc đời thanh bạch từ ăn, ở đến phương tiện sử dụng phục vụ công việc hằng ngày.

Bác dạy tiết kiệm từng những việc làm cụ thể: Về thời gian, ai mang thời gian đi vứt là người ngu dại. Từ chủ tịch chính phủ cho đến nhân viên văn phòng, người quét dọn trong cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân, dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương…cho nên làm việc phải đúng giờ, chớ đến trễ về sớm. Năm 1964, Bác về thăm Bộ Công nghiệp nặng, Bác dặn: Các cháu không được đi muộn, về sớm, cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất lao động. Nghe rất dễ hiểu, bởi vì Bác Hồ đã cụ thể hoá học thuyết Mác – Lênin vào cụ thể cách mạng Việt Nam qua nội dung thời gian lao động tất yếu và thời gian lao động thặng dư. Làm như vậy mới tạo ra được năng suất lao động, nhằm xây dựng cơ sở vật chất đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nhà ở của Bác là ngôi nhà sàn gỗ lợp ngói, trên gác có hai phòng mỗi phòng hơn 10m2, nhưng Bác thấy lãng phí và Bác đã đề nghị đồng chí Phạm Văn Đồng sử dụng một phòng để khỏi lãng phí. Bữa ăn của Bác như bữa ăn của mọi nhà: Bát canh, quả cà, con cá kho hoặc lát thịt kho. Khi ăn, Bác tém vén không để rơi một hạt cơm, bởi vì Bác tiết kiệm công sức của người nông dân làm ra lúa gạo một nắng hai sương. Chuyện nhỏ, đức lớn hài hoà ở một con người.

Bác mặc bộ quần áo kaki đã sờn cổ, sờn tay, xin được thay bộ khác, Bác bảo: Nếu thi sang thì thua, thi tiết kiệm thì thắng. Bác mặc như thế phù hợp với hoàn cảnh của đất nước của dân không phải thay, vì Nhân dân miền Nam còn mặc quần đùi, áo sờn vai đánh Mỹ. Xưởng may X biếu Bác bộ quần áo kaki mới, Bác nhận, nhưng rồi Bác gửi lại xưởng may để làm phần thưởng thi đua.

Từ thực tiễn cuộc sống, Các Mác chỉ rõ: Nhu cầu con người không bao giờ vượt quá hình thái kinh tế xã hội. Bác Hồ cũng vậy, Bác dặn: Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc Nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon, mặc đẹp, như vậy là không đạo đức. Bác thường xuyên nhắc nhở coi đạo đức là cái gốc của người cách mạng, của con người.

Ngoài chân lý đơn giản của con người ăn, ở, mặc, đi lại…Trong công việc Bác Hồ rất tiết kiệm, tiết kiệm đến cái nhỏ như tờ giấy: “Giấy bút, vật liệu đều tốn tiền của chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai, ba lần”. Bác chỉ rõ: Làm được những việc nhỏ thì sẽ thành cái to, nơi nào tiết kiệm một chút, thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Nhờ tiết kiệm mà lợi cho dân rất nhiều. Bác dạy: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, một dân tộc văn minh tiến bộ”.

 

Với xu thế chung, đất nước ta đã và đang hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, phấn đấu đưa nước ta phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại. Để thực hiện mục tiêu đó, trong mỗi chúng ta cần phải học tập và làm theo đạo đức, phong cách của Bác, đặc biệt là thực hiện lời dạy của Bác về tiết kiệm và chống lãng phí. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân cần tích cực thi đua hăng say lao động, học tập, sản xuất, chớp lấy thời cơ thách thức để thúc đẩy nền kinh tế nước nhà phát triển. Trước hết, mỗi người chúng ta phải thực hành tiết kiệm. Tiết kiệm trong bữa ăn hàng ngày, trong liên hoan, tiếp khách, trong đám cưới, lễ hội...Đến công sở chúng ta tiết kiệm từng chai nước, tờ giấy, phương tiện. Bác dặn: Không nên lấy của công mà làm việc tư, vì vậy phải sử dụng xe công cho có hiệu quả. Làm việc phải đảm bảo thời gian, không bị lãng phí thời gian một cách vô ích. Ngày nay, học Bác là học tinh thần về tiết kiệm, chứ không phải chúng ta mặc áo vá là học Bác, vì vậy tiếp tục hoàn thiện bản chất con người Việt Nam, như Bác chỉ rõ: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa.

Xuân Tân Sửu - 2021 đã đến, nhớ Bác chúng ta ôn lại những lời khuyên của Người về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để Tết đến với mọi nhà, mọi người với không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm là một cách thiết thực nhất “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

                      ThS. Nguyễn Quốc Thanh

Trưởng Khoa Nhà nước và pháp luật, Trường CT Lê Duẩn

879 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1498
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1498
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87109000