Dưới những thửa ruộng chỉ còn rơm rạ đã được hong khô bởi cái nắng tháng Năm hanh hao, lũ trẻ mục đồng thỏa sức nô đùa, thả diều, đá bóng, tắm đê. Có nhóm tụm năm tụm bảy hì hục tát những hố bom đã ròng nước để tranh nhau bắt cá. Bên những tấm ruộng đã gặt khác, nhiều đứa bé theo bố mẹ gom rơm rạ thành hàng để đốt đồng vừa khỏi tốn công dọn dẹp, vừa bổ sung chất mun cho đồng ruộng vụ sau… Những cột khói trắng bốc cao dưới vòm trời lồng lộng, vời vợi gió gợi cảm giác yên bình khó tả. Đã bao lâu rồi bạn chưa về cánh đồng quê nhà vào mùa gặt để được thỏa thuê hít hà mùi gốc rạ, để cảm nhận mùi nê địa thân gần, để được bước đôi chân trần lên những rạ rơm, để được ngã lưng trên triền đê làng mát rượi đầy hoa cỏ may, hoa trinh nữ... Cuộc sống thị thành bận bịu, đầy bon chen cứ cuốn đi mãi với những việc có tên không tên nhiều lúc khiến ta cảm thấy mệt nhoài.
Trong ký ức đã nửa đời người, những vụ mùa xưa vẫn cứ hiện về như hôm qua. Nhớ những ngày đông giá rét, mạ đổ thóc giống, ba đội rét căm cày bừa đợi ngày gieo cấy… Những ngày hạ bỏng cháy giọt mồ hôi lấm tấm dưới quai nón sờn rơi theo từng bước chân in dấu trên mặt bùn non. Trong tôi vẫn không thể nào quên những vùng ruộng Quan xa xôi, vùng ruộng Cháng đất ải, ruộng Thướng sình lầy, cánh đồng sen hoa trắng xưa tinh khôi…
Sinh ra lớn lên ở miệt đồng, không thể đong đếm hết nỗi cơ cực của ba mạ, của những người nông dân một nắng hai sương nhưng một thời khốn khó cũng đã tự mình nếm trải. Như nhiều bạn bè trang lứa vùng nông thôn, tuổi bẻ gãy sừng trâu cũng đã theo cha kéo bừa tập gieo sạ, cũng đỏ tấy vai gầy xóc gánh từng bó lúa lên đường cái quan, chai lì đôi tay điều khiển chiếc xe kéo chở lúa bó về nhà hay dọn lúa phơi dưới những cơn mưa giông bất chợt....
Nét thanh bình làng quê lúa Hải Lăng. Ảnh: Như Khoa
“Không ai muốn bây sau này phải theo đuôi trâu, theo nghề nông cực nhọc. Nhưng phải làm những việc nhà nông để sau này biết thương cha thương mạ, biết gắng sức mà học hành”, cha tôi cũng như bao người nông dân khác, luôn nghĩ và răn dạy như thế. Trong tâm trí mình, vẫn nhớ như in cái thời mà ba mạ trồng lúa ở cánh đồng Quan, mỗi mùa phân tro giống má rồi mùa gặt phải oằn lưng quang gánh đi bộ vượt hàng mấy cây số trên những lối mòn đồng ruộng. Sướng hơn một chút thì có chiếc xe kéo kẽo kẹt vượt đường đất đỏ sình lầy, bụi bặm. Hay gặt vùng ruộng Thướng sình lầy phải trầm dưới bùn ngập đến ngang hông, da diết nhất là những ngày đông giá buốt. Hạt lúa thấm đẫm mồ hôi chát mặn, dãi dầu mưa nắng ấy cứ như luôn đồng hành với cuộc đời của nhiều người thế hệ như mình. Để giờ ngẫm lại để thấy, chẳng có bát cơm trắng nào ngọt bùi mà không vương dáng hình tần tảo sớm hôm.
Trưa nay, cũng như hằng nhiều năm trước, tôi cùng cha trang trọng thắp nén nhang thơm lên bàn thờ gia tiên để dâng cúng bát cơm trắng đầu mùa. Hoàn tất mùa vụ, hầu như gia đình nông dân nào cũng làm một mâm cơm mới để trước hết là dâng cúng cảm tạ Thần Nông đã che chở, bảo vệ mùa màng, cho những hạt thóc ấm no, sau nữa là mời tổ tiên về vui vầy cùng con cháu. Đó là bữa cúng cơm mới đã nhiều năm rồi tôi mới có dịp ngồi lại. Bữa cơm bây chừ có đủ đầy thịt cá, bát canh chua, ít đồ xào và dĩa muống luộc nhưng cũng đã khác xưa một thời thiếu thốn chỉ trông xong mùa gặt được một bữa no. Có thể nói, bữa cơm dù đạm bạc nhưng cảm giác ngon vô cùng giữa khung cảnh êm đềm làng quê. Công việc được xem là khép lại mùa gặt nhiều năm trước là mỗi gia đình đều “xây” một cây rơm để vừa trữ thức ăn cho gia súc, vừa để làm chất đốt nấu nướng cho những ngày đông rét mướt. “Sự kiện” bỏ cây rơm cũng là dịp để những đứa trẻ chúng tôi hí hửng được ăn ké bát chè đỗ đen nấu với đường bánh hoặc được ăn vài cây kem mua từ người bán dạo… Khó có thể kể hết những kỷ niệm thân thương một thời thơ dại của mình nơi miền quê vào ngày mùa bận rộn. Chỉ biết rằng, mỗi khi thấy lòng mình nặng trĩu và muộn phiền, hãy đứng lên và đi về nơi những đồng lúa chín, hòa vào sự hối hả, tiếng nói cười của người nông dân tần tảo để tâm hồn mình lắng lại chút bình yên.