|
Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7. Ảnh: VGP/ Hà Thư |
Nhân ngày Dân số thế giới (11/7), lãnh đạo Bộ Y tế đã tái khẳng định sự cam kết và tiếp tục hỗ trợ để đạt được tiếp cận phổ cập các dịch vụ KHHGĐ nhằm bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.
Tại lễ mít tinh kỷ niệm ngày Dân số thế giới tổ chức hôm nay (11/7), lãnh đạo Tổng cục Dân số và KHHGĐ nhấn mạnh, KHHGĐ là một vấn đề liên quan mật thiết tới thanh niên vì đối tượng này đang bước vào giai đoạn trưởng thành và rất nhiều người trong số đó sẽ kết hôn và sinh con.
Các biện pháp tránh thai hiện đại là phương tiện tốt nhất giúp họ thực hiện quyền được tự đưa ra quyết định về số con và khoảng cách giữa các lần sinh con mà họ mong muốn. Tuy nhiên, ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương hiện vẫn có tới 140 triệu phụ nữ vẫn chưa được đáp ứng nhu cầu về KHHGĐ.
Ở Việt Nam, trong một vài năm gần đây, các dịch vụ và các thông tin về KHHGĐ tỉ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ 37% (năm 1988) lên 67% năm 2016. Tỉ lệ tử vong mẹ trên toàn quốc giảm từ 233/100.000 ca sinh sống xuống còn 58/100.000 ca. Tổng tỉ suất sinh giảm hơn một nửa.
|
Các khách mời tham dự Lễ mít tinh. Ảnh: VGP/Hà Thư |
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận, nhu cầu về các biện pháp tránh thai hiện đại trong nhóm dân số trẻ chưa kết hôn hiện vẫn đang ở mức cao. Thậm chí còn nhiều khoảng trống trong công tác cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên và vị thành niên, bao gồm cả chương trình giáo dục giới tính toàn diện và có chất lượng.
Chính vì vậy, xóa bỏ những khoảng trống này để có thể mang lại lợi ích cho mọi người dân, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào đang sinh sống tại các vùng sâu vùng xa.
Ông Bjorn Andersson nhấn mạnh, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, gần 700 triệu phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên tại các nước đang phát triển, hiện đang được sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại – đây được coi là phương tiện tốt nhất giúp một cá nhân thực hiện quyền của mình.
Hiện nay, thực hiện KHHGĐ được nhiều người thừa nhận là cơ sở cho việc thực hiện rất nhiều quyền khác. Khi phụ nữ tiếp cận được với KHHGĐ tự nguyện, họ sẽ có cơ hội giãn khoảng cách giữa các lần sinh con và điều này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của bà mẹ và con cái của họ. Thực hiện KHHGĐ cũng góp phần giảm nguy cơ tử vong và khuyết tật liên quan tới mang thai hoặc sinh con quá sớm/quá muộn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Các biến chứng có thể xảy ra trong giai đoạn mang thai và khi sinh nở là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở trẻ em gái lứa tuổi từ 15-19 tại các nước đang phát triển. Chính vì thế tiếp cận được với các thông tin và các phương tiện tránh thai có thể góp phần bảo vệ cuộc sống của thanh niên và vị thành niên. Khi thanh niên và vị thành niên tiếp cận được với càng nhiều thông tin, họ sẽ có nhiều cơ hội đưa ra những sự lựa chọn tốt hơn và có thể mang lại cho chính mình một tương lai tốt đẹp hơn.
Thúy Hà