Bão số 9 đi qua đã gây ngập nhiều tỉnh, thành ở miền Trung và Nam Bộ. Trong những ngày tới, mưa sẽ tiếp tục hoành hành uy hiếp nhiều địa phương miền Trung.
Nguy hiểm còn tiếp diễn
Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho biết theo báo cáo chưa đầy đủ từ các địa phương, tính đến sáng 26-11, bão số 9 đã làm 1 người ở TP HCM chết do cây đổ.
Cầu nối bán đảo Bình Lập (xã Cam Lập, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) bị sập khiến 300 hộ dân bị chia cắt Ảnh: KỲ NAM
Mưa lũ đã làm 51 ngôi nhà ở Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu đổ sập, 46 tàu chìm, hư hỏng; 99 lồng bè chìm, hơn 1.000 ha lúa, hoa màu bị ngập; nhiều tuyến đường giao thông bị hư hỏng. Mưa lớn cũng gây ngập lụt nghiêm trọng tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), TP HCM, TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Trong ngày, Bộ Quốc phòng đã điều động 4.166 người cùng 31 phương tiện tham gia giúp nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả của bão số 9, tổ chức di dời 1.079 hộ/7.538 người đến nơi an toàn.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động của đới gió Đông, đêm 27-11, các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Trên các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa xuất hiện một đợt lũ, phổ biến ở mức từ báo động I đến báo động III. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên, đặc biệt là tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Bắc Phú Yên.
Sáng 26-11, đường sắt Bắc - Nam cũng chính thức thông tuyến sau hơn 30 giờ gián đoạn. Ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Chi nhánh Nha Trang - Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết sự cố sạt lở tại Khánh Hòa và Ninh Thuận đã khiến 4.000 hành khách phải được vận chuyển bằng ôtô từ ga Nha Trang đến ga Tháp Chàm và ngược lại.
Cùng ngày, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gỡ lệnh cấm biển và yêu cầu các địa phương thống kê thiệt hại sau bão số 9.
Nhiều địa phương thiệt hại nặng
Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa cho biết đã có thống kê sơ bộ thiệt hại sau bão số 9. Tại TP Cam Ranh, chiếc cầu duy nhất nối bán đảo Bình Lập (xã Cam Lập) bị sập khiến 300 hộ dân bị chia cắt, tuyến đường này cũng bị sạt lở 9 điểm.
Thống kê sơ bộ tại tỉnh Khánh Hòa có 10 cầu dân sinh, cầu tràn bị cuốn trôi, hư hỏng ở Cam Ranh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Quốc lộ 27C nối Nha Trang - Đà Lạt hiện sạt lở 10 điểm.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.3 cho biết đã có văn bản gửi các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Lâm Đồng và các cơ quan thông tin đại chúng đề nghị các phương tiện giao thông hạn chế đi lên đèo Khánh Lê. Sạt lở nghiêm trọng ở đại lộ Nguyễn Tất Thành (nối Nha Trang - sân bay Cam Ranh) cũng đã được thông một làn. Tỉnh lộ 9 nối Cam Ranh - huyện Khánh Sơn cũng sạt lở trên 20 điểm. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa đã điều phương tiện san lấp, gia cố đến cuối ngày 26-11 đã thông được một chiều. "Chỉ làm tạm thời để không bị chia cắt, việc sửa chữa sẽ mất thời gian rất dài" - vị giám đốc sở này cho biết.
Tại tỉnh Lâm Đồng, nước lũ thượng nguồn sông Đa Nhim dâng cao đổ về nhấn chìm một cầu dân sinh và 70 ha rau màu - lúa ở huyện Đơn Dương. Cả vùng dọc 2 bờ sông Đa Nhim như xã Lạc Xuân, Tu Tra, Pró... bị ngập sâu.
Còn ở Ninh Thuận, chiều 26-11, nước lũ đang rút chậm nhưng hàng chục khu dân cư vẫn chìm trong nước. Ít nhất khoảng một nửa trong số gần 40.000 người dân ở các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải, Ninh Sơn, Thuận Bắc, TP Phan Rang - Tháp Chàm được sơ tán tránh lũ trước đó chưa thể về nhà.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận thông tin đã có trên 20 km các đường tỉnh lộ 27, 27B, 701, 702, 706, 709B, 710, 717 bị đứt gãy, sụt lún, sạt ta-luy nghiêm trọng, đình trệ giao thông ở các xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải), Phước Dinh, Phước Nam (huyện Thuận Nam), An Hải, Phước Hải (huyện Ninh Phước), Ma Nới, Hòa Sơn (huyện Ninh Sơn).
Theo báo cáo nhanh của các địa phương trong tỉnh, có 800 căn nhà bị ngập sâu, trên 4.200 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả chìm trong nước; trên 35 ha đìa tôm bị vỡ bờ, hơn 5.100 con gia súc, gia cầm chết do nước lũ cuốn trôi...
Đặc biệt, sau khi bão đi qua, vùng biển Quảng Ngãi vẫn có sóng rất lớn cao 2-3 m. Tuyến giao thông thủy nội địa nối đảo Lý Sơn - Sa Kỳ và ngược lại phải ngừng hoạt động. Hàng trăm tấn nông sản của nông dân Lý Sơn bị ùn ứ không thể vận chuyển vào đất liền tiêu thụ, có nguy cơ hư hỏng.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trong vài ngày tới, vùng biển Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, kèm theo mưa to, đảo Lý Sơn sẽ còn bị cô lập với đất liền.
TP HCM: Tăng cường phòng chống dịch bệnh sau bão
Ngay sau khi bão đi qua, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM đã chỉ đạo trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện thực hiện tăng cường giám sát vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước và phòng chống dịch bệnh.
Mưa lớn gây ngập nặng sẽ phát sinh nguy cơ về vệ sinh môi trường, ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh. Các bệnh như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm, dịch tả, thương hàn... có nguy cơ bùng phát. Nếu có sự cố liên quan đến chất lượng nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, các trạm y tế phường, xã phải chủ động cung cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai vệ sinh và khử trùng giếng nước, nước sinh hoạt.
Nhóm phóng viên