|
Ảnh minh họa |
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành y tế tiếp tục đề cao vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua. Bảo đảm thiết thực, hiệu quả; lồng ghép công tác thi đua, khen thưởng gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị. Tập trung giải quyết những nhiệm vụ cấp bách, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch COVID-19, đạt được các chỉ tiêu của Quốc hội, của Chính phủ và Bộ Y tế giao.
Tăng cường việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, qua đó tiếp tục xây dựng hình ảnh cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, tận tình, thân thiện.
Hưởng ứng tích cực, có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế phát động. Đổi mới phương thức tổ chức các phong trào thi đua đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức, bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, phù hợp với tình hình và điều kiện hiện tại; đặc biệt là nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 song song với việc thực hiện 06 nhóm nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch với tiêu chí rõ ràng và có biện pháp cụ thể để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất trong công tác thi đua, khen thưởng. Phong trào thi đua phải thực sự thiết thực, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển và lan tỏa trong từng cơ quan, đơn vị. Thường xuyên tổ chức phát động phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề để lập thành tích thiết thực kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của đơn vị. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với các phong trào thi đua, phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm tạo không khí phấn khởi, vui tươi, đoàn kết trong tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong từng cơ quan, đơn vị.
Đổi mới, tạo sự chuyển biến tích cực và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, đúng tiêu chuẩn, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Đề cao tinh thần trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực thi pháp luật về thi đua, khen thưởng để phong trào thi đua thực sự trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi cơ quan, đơn vị và từng cá nhân…/.