Bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng sâu, vùng xa
Tham gia Dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn” (ưu tiên 62 huyện nghèo), Trung tâm Y tế H. Đakrông có 4 bác sỹ hệ chính quy là người dân tộc Pa Cô, Vân Kiều gồm: Trần Anh Thương, Hồ Thị Ngàm, Hồ Thị Nhớ, Hồ Văn Huy, đều đã được đào tạo trình độ bác sỹ chuyên khoa cấp 1 (BSCK1) chuyên ngành Nhi khoa, chuyên ngành Sản phụ khoa, chuyên ngành Gây mê-hồi sức tại Trường Đại học Y Dược thuộc Đại học Huế. Trở về Trung tâm Y tế H.Đakrông sau khi tốt nghiệp BSCK1 vào năm 2019 và năm 2021, BS.Trần Anh Thương làm việc tại khoa Nội Tổng hợp, BS.Hồ Thị Ngàm làm việc tại khoa Ngoại sản liên chuyên khoa ở cơ sở 2 Tà Rụt, BS.Hồ Thị Nhớ làm việc tại khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, BS.Hồ Văn Huy làm việc tại khoa Ngoại Tổng hợp-hồi sức cấp cứu.
Thực tiễn công tác và những đánh giá chuyên môn cho thấy, với sự đào tạo bài bản trong môi trường học tập có uy tín, chất lượng cao nên trình độ chuyên môn kỹ thuật và năng lực công tác được nâng cao, các BSCK1 đã góp phần phục vụ hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở huyện miền núi Đakrông. Được bố trí công tác phù hợp với chuyên ngành đào tạo, các bác sỹ trẻ đã thực hiện tốt những kỹ thuật hỗ trợ trong cấp cứu, phòng chống dịch bệnh cũng như hướng dẫn đặt mask thanh quản và đặt nội khí quản, cấp cứu ngừng tuần hoàn, giúp Trung tâm Y tế H.Đakrông khởi động lại phòng phẫu thuật phải ngừng hoạt động do trước đây đơn vị không có bác sỹ gây mê hồi sức.
Từ đó đến nay, Trung tâm Y tế H.Đakrông tiến hành 50 ca phẫu thuật tháo đinh và tháo vít xương chi, cắt ruột thừa viêm, đình sản, bước qua giai đoạn triển khai phẫu thuật sản khoa với sự “cầm tay chỉ việc” của thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị khi phẫu thuật viên của đơn vị đủ tự tin phẫu thuật độc lập trong năm 2022; trong đó bác sỹ gây mê hồi sức tự thực hiện 3 ca phẫu thuật. “Trong quá trình học bác sỹ chuyên khoa cấp 1 chuyên ngành Gây mê- hồi sức tại Trường Đại học Y Dược Huế, tôi được thầy cô chỉ dạy hết sức bài bản và cầm tay chỉ việc đến khi thành thạo những kỹ thuật trực tiếp trên người bệnh. Với kiến thức và kỹ năng lâm sàng đã tiếp thu được, tôi cùng các đồng nghiệp tham gia Dự án đã tự tin hơn rất nhiều trong công tác chuyên môn khi trở về làm việc tại đơn vị”- bác sỹ Hồ Văn Huy chia sẻ…
BSCK1 Sản phụ khoa và chuyên ngành Gây mê-hồi sức tham gia ca phẫu thuật sản khoa đầu tiên tại Trung tâm Y tế H.Đakrông. Ảnh: NVCC
Hướng tới sự hài lòng ngày càng cao của nhân dân
Hình ảnh điều dưỡng viên (ĐDV) Nguyễn Thị Hiền chải và tết tóc gọn gàng giúp một cụ bà đang chờ đến lượt vào phòng phẫu thuật thay thủy tinh thể ở hành lang Bệnh viện Mắt Quảng Trị đã làm nhiều người xúc động. “Người bệnh trước khi vô phòng mổ thường rơi vào tâm trạng lo lắng, bối rối, nhất là các cụ bà vì lo, thậm chí là căng thẳng nên quên vuốt tóc, chải tóc. Vì vậy, mình chải và tết tóc giúp cho các cụ. Tóc tai gọn gàng cũng giúp người bệnh tự tin hơn trước giờ mổ và mình thấy vui với điều đó” – ĐDV Nguyễn Thị Hiền chia sẻ. Từ một ĐDV Trung học, Nguyễn Thị Hiền đã nỗ lực học lên Cao đẳng Điều dưỡng và đang chuẩn bị tốt nghiệp Đại học Điều dưỡng. Với sự cầu tiến, ĐDV Nguyễn Thị Hiền tích cực tham gia các lớp tập huấn để nâng cao tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ và luôn là cộng sự đắc lực của các bác sỹ chuyên khoa - phẫu thuật viên chính trong các ca phẫu thuật điều trị các bệnh lý về mắt tại Bệnh viện Mắt Quảng Trị; thường xuyên cùng đồng nghiệp bàn bạc, thảo luận để tìm ra những phương pháp tốt nhất trong việc chăm sóc người bệnh, đem lại sự tin tưởng và an tâm với người bệnh.
Cũng với tinh thần “thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình” như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn, các thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã tiến hành phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tái đồng bộ cơ tim miễn phí cho 2 người bệnh suy tim, giãn cơ tim tại Đơn nguyên Tim mạch can thiệp và thành viên đội hiến máu khẩn cấp tình nguyện hiến máu hiếm cứu sống người bệnh… Tất cả cùng nhau làm nên những câu chuyện đẹp của ngành Y tế tỉnh Quảng Trị trong nỗ lực vượt lên những khó khăn để hướng tới sự hài lòng ngày càng cao của người bệnh, của nhân dân.
Hướng tới mục đích chăm sóc người bệnh tốt hơn và làm người bệnh hài lòng hơn, đội ngũ thầy thuốc của Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải không ngừng thi đua học tập nâng cao tay nghề, bồi dưỡng và rèn luyện kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp. Theo đó, ĐDV và hộ sinh của đơn vị nắm vững kiến thức chuyên môn, thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật trực tiếp trên người bệnh, đặc biệt là ở các khoa Hồi sức tích cực-chống độc, khoa Nội Tổng hợp, khoa Ngoại Tổng hợp và nhân viên y tế của khoa Y học nhiệt đới, khoa Hồi sức tích cực-chống độc, khoa Khám bệnh, khoa Nhi,... Bởi tất cả cùng chung nhiệm vụ chữa trị bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào bằng những y thuật, y đạo và y đức “Lương y phải như từ mẫu”.
Xác định nguồn nhân lực là cốt lõi của việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị nỗ lực thực hiện chính sách đào tạo, đãi ngộ, thu hút bác sỹ, dược sỹ đại học có chất lượng về công tác tại tỉnh theo Nghị quyết số 09/2017 và Nghị quyết số 166/2021của HĐND tỉnh Quảng Trị. Đến năm 2022, tổng số biên chế, người làm việc trong ngành Y tế của tỉnh là 3.418 người. Tỉnh đã đạt chỉ tiêu 10 bác sỹ/1 vạn dân; 1,25 dược sĩ đại học/1 vạn dân; 110/125 xã có bác sỹ làm việc thường xuyên; 100% thôn, bản có nhân viên y tế; tỷ lệ đào tạo sau đại học là 8,8%. Tỉnh Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch thu hút 100 bác sỹ về công tác tại tỉnh và có kế hoạch đào tạo 130 bác sỹ chuyên khoa cấp 1 trở lên nhằm mục tiêu có 11 bác sỹ/1 vạn dân vào năm 2026, 12 bác sỹ/1 vạn dân vào năm 2030 và tỷ lệ sau đại học là 12% để nâng cao chất lượng công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bội Nhiên