Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: VGP/LS
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng đánh giá cao công tác phối hợp trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật của Bộ Tư pháp và Bộ Công an, góp phần thực hiện 1 trong 3 đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng XIII đề ra. Đó là hoàn thiện thể chế cùng với xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng hạ tầng đồng bộ.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, năm 2023 Bộ Công an có sự nỗ lực hoàn thành 5 dự án Luạt quan trọng, trình Quốc hội cho ý kiến một dự án Luật. Tính từ đầu nhiệm kỳ khoá XV đến nay, Bộ Công an dẫn đầu về số lượng các văn bản cũng như tham mưu Chính phủ ban hành 9 nghị định, Bộ Công an ban hành 129 thông tư.
Đặc biệt, đã phối hợp với Bộ Tư pháp trong quá trình xây dựng, thẩm định nhiều dự án luật, nghị định hướng dẫn với tinh thần vô tư, khách quan, trách nhiệm. Theo đó, các văn bản luật trình cấp có thẩm quyền đảm bảo tính khả thi, hợp hiến, hợp pháp.
Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các đơn vị của Bộ phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ để hoàn chỉnh dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, bảo đảm chất lượng và tiến độ; hướng dẫn quy trình ban hành VBQPPL của địa phương nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả, công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm thực hiện các giải pháp thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp, trong đó đề xuất bổ sung trường thông tin về lý lịch tư pháp tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; các bộ ngành phối hợp với địa phương thực hiện hiệu quả Đề án 06, đặc biệt là các thủ tục liên thông trong lĩnh vực tư pháp.
Ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp và Thường trực Uỷ ban Pháp luật tiếp tục phát huy kết quả đạt được, kinh nghiệm và phương pháp phối hợp hoạt động hiệu quả như thời gian qua để hai cơ quan thực hiện thành công các nhiệm vụ.
Theo đó, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả thực hiện Kế hoạch số 81 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về định hướng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khoá XV; việc lập và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và trong năm 2024, phối hợp trình để thẩm tra dự án Luật Công chứng sửa đổi; tiếp tục chỉnh lý dự án Luật Thủ đô sửa đổi. Đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 27, hai cơ quan cũng có trách nhiệm trong việc xây dựng Đề án đổi mới hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, kịp thời, khả thi, hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị, chiều 25/12 - Ảnh: VGP/LS
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, Lãnh đạo Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và sẽ quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm trong toàn ngành.
“Bộ, Ngành Tư pháp sẽ quyết tâm nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao; thực hiện tốt hơn nữa chức năng tham mưu, giúp Chính phủ, Quốc hội thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và đưa các chủ trương, chính sách này đi vào cuộc sống; tiếp tục xây dựng tổ chức, bộ máy ngành tư pháp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Lê Sơn