Ngành tôm tận dụng ưu thế về chế biến sâu 

Kể từ cuối năm 2017, cung cầu tôm thế giới có sự chênh lệch đáng kể, do sản lượng tôm ở nhiều nước như: Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Việt Nam... đều tăng mạnh trong khi lượng tồn kho của các nước nhập khẩu vẫn còn khá nhiều.

 

Dây chuyền chế biến sản phẩm tôm hấp chín xuất khẩu tại nhà máy của 
Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang. (Ảnh: Vũ Sinh)

Điều này đã khiến giá tôm nguyên liệu và xuất khẩu có xu hướng sụt giảm mạnh. Ngành tôm Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này, xuất khẩu tôm bắt đầu suy giảm từ đầu năm 2018 và hiện vẫn còn khó khăn. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đã và đang phải tận dụng ưu thế cạnh tranh về chế biến sâu để duy trì hiệu quả kinh doanh cũng như nâng cao giá trị sản phẩm tôm xuất khẩu trên thị trường.

Lợi thế về chế biến sâu

Theo ông Hồ Quốc Lực - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, để cạnh tranh với sản phẩm tôm của các nước, doanh nghiệp Việt Nam đang phải tận dụng ưu thế về chế biến, nhằm nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Ngành công nghiệp chế biến tôm Việt Nam đã được hình thành từ nhiều năm nay với nhiều kinh nghiệm, lợi thế. Hiện Việt Nam có gần 100 nhà máy chế biến tôm với công suất trung bình khoảng 500.000 – 700.000 tấn/năm và có thể mở rộng quy mô gấp đôi trong thời gian ngắn. Đồng thời, có nhiều nhà máy chế biến quy mô lớn đáp ứng nhu cầu các hệ thống phân phối lớn như Minh Phú, Vĩnh Hoàn, Hùng Vương… với trình độ chế biến hàng tinh chế thuộc ngưỡng cao trên thế giới.

Đề cập về vấn đề này, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thuỷ sản và Thương mại Thuận Phước nhận xét, nhờ có ngành công nghiệp chế biến phát triển mạnh nên nhiều khách hàng đã đổ vào mua hàng giá trị gia tăng của Việt Nam, thay vì thực phẩm một số nước đang gặp “tai tiếng” về vấn đề chất lượng.

Mặt khác, do sản phẩm tôm chế biến nhập khẩu vào một số thị trường hiện có mức thuế khá cao, trong khi Việt Nam lại đang được hưởng ưu đãi về thuế. Đặc biệt, với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang ký kết, nhất là FTA với EU, khi có hiệu lực thì thuế suất của mặt hàng này sẽ càng giảm thấp. Điều này đã góp phần thúc đẩy các đối tác “đổ xô” vào mua tôm giá trị gia tăng của Việt Nam.

Mặc dù tôm Việt Nam chưa có thương hiệu riêng trên thị trường, tuy nhiên thông qua các chuỗi liên kết, một số nhà máy chế biến Việt Nam đang là một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi phân phối toàn cầu. Việt Nam đã có những nhà máy hầu như không xuất hàng thô nữa mà chỉ làm hàng hàng giá trị gia tăng và họ đang bán với giá rất cao.

Do vậy, tuy doanh số xuất khẩu có sụt giảm theo cung cầu trong những tháng qua, song quan trọng là hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn khá tốt - ông Lĩnh cho hay.

Số liệu của VASEP cũng cho thấy, tính đến hết tháng 9/2018, tổng xuất khẩu tôm của cả nước đạt trên 2,7 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù xuất khẩu giảm, song mặt hàng tôm chân trắng vẫn đang giữ mức tăng trưởng nhẹ, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng này nhờ vào dòng sản phẩm chế biến mã HS16, tăng trên 10%.

Hiện tôm chân trắng vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong cơ cấu các sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, chiếm trên 68%. Trong năm 2017, xuất khẩu mặt hàng tôm chân trắng đạt 2,5 tỷ USD, gấp 3 lần tôm sú; trong đó, khoảng 50% tôm chân trắng xuất khẩu là mặt hàng giá trị gia tăng.

Không chỉ mang lại giá bán tốt, lợi nhuận ổn định cho doanh nghiệp, rõ ràng hàm lượng gia tăng giá trị từ nguyên liệu, sản phẩm tôm còn đánh dấu khả năng cạnh tranh của sản phẩm ở cấp độ quốc gia. Đặc biệt, điều này cũng giải quyết được bài toán lợi ích của các bên trong chuỗi cung cấp một cách dễ dàng hơn, làm cơ sở để tiếp tục tái đầu tư, hoàn thiện công nghệ và phát triển mặt hàng mới.

Đầu tư công nghệ cao trong sản xuất

Mặc dù ngành công nghiệp chế biến đang mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp tôm, tuy nhiên do giá nguyên liệu ở Việt Nam đang cao hơn giá thế giới từ 1-2 USD/kg nên phần lợi nhuận này cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu Việt Nam có giá thành tôm rẻ như các nước Ấn Độ, Ecuador, Indonesia… thì ngành công nghiệp chế biến tôm sẽ còn phát triển tốt hơn nữa so với thực tế hiện nay.

Câu chuyện giá thành sản xuất tôm ở Việt Nam cao hơn đáng kể so với các nguồn cung khác đã được đề cập nhiều năm nay. Nhất là trong những năm gần đây, những tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng trong ngành nuôi trồng và chế biến tôm đã khiến giá thành tôm ngày càng hạ. Trong khi đó, do giá con giống, thức ăn chăn nuôi, chi phí lao động… còn cao nên giá thành sản xuất tôm Việt Nam vẫn đang ở mức cao hơn nhiều so với các nguồn cung khác. Đây là điểm yếu của ngành đang được các “mắt xích” trong chuỗi giá trị tìm cách khắc phục.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành đang phải “mạnh tay” đầu tư thiết bị, công nghệ mới trong nuôi trồng, chế biến nhằm hạ giá thành. Đơn cử tại Công ty Thuận Phước, do yêu cầu của sản xuất và chi phí lao động ngày càng cao, công ty buộc phải đầu tư vào công nghệ, đưa một phần robot, máy móc tự động vào trong quá trình chế biến để thay thế lượng lao động thiết hụt. Nhiều phân đoạn trước đây được thực hiện bằng tay thì nay chuyển sang hoàn toàn bằng máy móc tự động.

Ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú chia sẻ, để giải quyết bài toán thiếu hụt lao động, trong năm 2017, công ty này đã bắt đầu đầu tư thiết bị tự động hóa và robot hóa vào tất cả các khâu chế biến của nhà máy. Dù chưa thống kê hết, song việc ứng dụng các công nghệ này có thể giảm được trên 50% lao động và sản lượng chế biến đã tăng trên 20% so với năm trước đó.

Ở khâu nuôi trồng, nhiều doanh nghiệp, trại nuôi cũng đã ứng dụng một số giải pháp công nghệ mới để quản lý ao nuôi. Điển hình là phần mềm ứng dụng nền tảng điện toán đám mây. Thông qua các thiết bị di động, bộ cảm biến và thiết bị cho ăn tự động để ghi lại dữ liệu về kích cỡ con tôm, chất lượng nước, hình thái cho ăn, các điều kiện về sức khỏe và thời tiết vào quản lý các ao nuôi. Từ đó, giúp người nuôi cắt giảm chi phí nhân công, dễ dàng quản lý dịch bệnh trên tôm, giảm lượng thuốc kháng sinh và hóa chất sử dụng tại ao nuôi.

Theo các chuyên gia, với cách thức sản xuất giảm giá thành, giảm chi phí trong từng khâu nuôi, chế biến sẽ giúp ngành tôm Việt Nam có lợi thế hơn trong cạnh tranh và vẫn bảo toàn lợi nhuận dù giá bán ra giảm hơn so với trước. Tuy nhiên, để tạo hiệu ứng sâu rộng, việc giảm giá thành sản xuất cần triển khai đồng bộ hơn, nhất là tại các ao nuôi nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có giải pháp hỗ trợ ngành trong khâu quy hoạch vùng nuôi, đầu tư hạ tầng, có chương trình gia hóa tôm bố mẹ cấp quốc gia, kiểm soát chặt việc buôn bán hoá chất, kháng sinh trên thị trường… để ngành tôm phát triển bền vững hơn trong thời gian  tới./.

H.Chung/TTXVN

416 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 671
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 671
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87204593