Ngành thủy lợi cần đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa 

(ĐCSVN) - Ngành thủy lợi cần đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới khi nông nghiệp đang chuyển dần sang sản xuất theo hướng hàng hóa, sản phẩm nông sản được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước trên thế giới.

 

Đó là lưu ý của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 của Tổng cục Thủy lợi, diễn ra chiều 21/12, tại Hà Nội.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 

 của Tổng cục Thủy lợi. (Ảnh: BT)

Nhận định của Tổng cục Thủy lợi cho thấy, năm 2018, công tác thủy lợi tiếp tục đối mặt với diễn biến bất lợi của thời tiết, hạn hán cục bộ, ngập úng do mưa bão xảy ra ở một số vùng. Những thách thức, yêu cầu mới cao hơn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cùng với việc triển khai Luật Thủy lợi với nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch mang tính tổng thể đòi hỏi công tác thủy lợi phải đổi mới tư duy, phương thức quản lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Năm 2018, một trong những kết quả nổi bật của ngành là việc hoàn thành công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật khi Luật Thủy lợi đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2018, đặt ra cho lĩnh vực thủy lợi một khối lượng công việc không nhỏ trong công tác xây dựng văn bản pháp luật.

Theo đó, thực hiện Quyết định số 344/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 5612/QĐ-BNN-PC của Bộ NN&PTNT về kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2018, Tổng cục đã triển khai xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành 3 Nghị định, 2 Thông tư; phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan ban hành 2 Nghị định và 7 Thông tư. Công tác xây dựng Nghị định, Thông tư hoàn thành trước thời gian và đảm bảo chất lượng. Ngành thủy lợi đã tổ chức 7 hội nghị phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thi hành Luật Thủy lợi tại các vùng và các địa phương.

Trong công tác chuyên môn, ngành đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng kế hoạch điều tiết các hồ chứa thủy điện phục vụ phòng, chống thiếu nước, hạn hán. Riêng khu vực trung du, đồng bằng Bắc bộ, vụ Đông Xuân 2017 - 2018 đã cấp nước được cho 611.800ha lúa, rút ngắn thời gian xả nước các hồ thủy điện 3 ngày so với kế hoạch với tổng lượng là 5,74 tỷ m3.

Trên cơ sở dự báo tình hình nguồn nước, mưa, lũ, với việc chỉ đạo vận hành công trình thủy lợi hợp lý, diện tích lúa được tưới so với diện tích gieo trồng cả nước năm 2018 đạt 7,202/7,524 triệu ha.

Công tác an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi cũng được ngành quan tâm chú ý. Tổng cục đã trình Bộ phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án “sửa chữa và nâng cao an toàn đập”, triển khai các giải pháp nâng cao năng lực chống lũ cho các hồ chứa lớn, trang bị hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng và giám sát vận hành hồ chứa, đồng thời tăng cường truyền thông về an toàn đập, hồ chứa nước.

Dù vậy, theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi, do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, nhiều hồ đập được xây dựng lâu năm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong khi kinh phí để sửa chữa nâng cấp có hạn gây khó khăn cho việc vận hành công trình và vùng hạ du. Đồng thời, tuy đã có nhiều cố gắng nhưng việc xả thải trái phép, vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi chưa giảm... Đó là những khó khăn khiến ngành thủy lợi vẫn còn gặp nhiều thách thức trong việc triển khai nhiệm vụ.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, công tác thủy lợi vô cùng quan trọng cho sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sạch cho nông thôn. Trước tình hình mới, Bộ trưởng yêu cầu ngành thủy lợi cần có sự chuyển đổi thích ứng với nền sản xuất nông nghiệp đang có xu hướng chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, khi các sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước trên thế giới. Riêng mặt hàng gạo năm nay dự kiến xuất khẩu 6,25 triệu tấn, rau 20 triệu tấn, trên 10 triệu tấn quả… Đó là động lực cho ngành thủy lợi phấn đấu đáp ứng yêu cầu.

Mặt khác, ngành thủy lợi cũng cần có các giải pháp thích hợp, chủ động ứng phó trước những tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến những thay đổi về cân bằng mùa, sinh thủy về nguồn nước mặt, nước ngầm,…

Bộ trưởng cũng yêu cầu năm 2019, ngành thủy lợi cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý, các nghị định, thông tư, đặc biệt chú ý đến tính khả thi của Luật Thủy lợi, có các văn bản hướng dẫn thi hành để các thành phần kinh tế chủ động triển khai thực hiện./.

BT

418 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 754
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 754
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87199120