Ngành Thuế tăng cường công tác thu hồi nợ đọng thuế 

(ĐCSVN) - Thời gian qua, cơ quan thuế tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu phân tích rủi ro, lập kế hoạch lựa chọn người nộp thuế rủi ro cao về thuế đến trình tự thủ tục, biện pháp nghiệp vụ khi thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế, qua đó đã góp phần giúp công tác quản lý thuế, thu hồi nợ thuế cơ bản đạt hiệu quả tích cực.

 

 Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P)

Đồng bộ các giải pháp

Theo kế hoạch, nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại doanh nghiệp (DN) có rủi ro cao, có dư địa thu lớn, như: các DN có phát sinh giao dịch liên kết; các DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh nền tảng số, bán hàng online, khai thác tài nguyên, khoáng sản, kinh doanh theo chuỗi, cho thuê nhà, kinh doanh mua bán vàng bạc đá quý, kinh doanh vận tải, BOT....

Cơ quan thuế các cấp thực hiện đánh giá, phân loại rủi ro các hồ sơ hoàn thuế để thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các hồ sơ xác định có rủi ro cao; tích cực rà soát, kiểm tra việc kê khai và nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản; tăng cường phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế và tội phạm về thuế.

Ngoài ra, cơ quan thuế đã tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề để đánh giá, trao đổi về thực trạng tình hình vi phạm của các DN, chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng, biện pháp xử lý qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động kê khai thuế của người nộp thuế, tổ chức kiểm tra sau hoàn thuế kết hợp với thanh tra, kiểm tra quyết toán thuế. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công cụ phân tích Dữ liệu lớn, ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản lý hóa đơn, kiểm soát rủi ro, phòng chống gian lận về hóa đơn điện tử, tập trung triển khai ứng dụng tự động cảnh báo xuất khống hóa đơn điện tử theo hệ số K...

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên, trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan thuế đã thực hiện 20.645 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 31% kế hoạch năm 2024, bằng 96,2% so với cùng kỳ năm 2023; kiểm tra được 244.008 hồ sơ, bằng 100,4% so với cùng kỳ năm 2023. Số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 18.960 tỷ đồng, bằng 70,2% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 5.764 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 1.000 tỷ đồng; giảm lỗ là 12.195 tỷ đồng).

Tập trung thanh tra các doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao

Trong những tháng cuối năm, Tổng cục Thuế sẽ chỉ đạo các cục thuế đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024. Theo đó, tập trung thanh tra, kiểm tra, chống thất thu đối với các DN thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao, các DN được miễn, giảm thuế, DN có hoạt động liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số... Rà soát hồ sơ quyết toán thuế 2023, bổ sung kịp thời vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các đối tượng có rủi ro về thuế.

Cơ quan thuế sẽ tăng cường rà soát, kiểm tra hóa đơn điện tử để ngăn chặn gian lận trong việc sử dụng hóa đơn nhằm chống thất thu cho ngân sách. Tổ chức kiểm tra sau hoàn thuế kết hợp với thanh tra, kiểm tra quyết toán thuế nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm của người nộp thuế...

Cùng với đó, các cục thuế sẽ tiếp tục chú trọng thực hiện chương trình cải cách và hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra thuế; tăng cường đẩy mạnh phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rủi ro và các phần mềm phân tích, phân loại đối tượng nộp thuế theo mức độ rủi ro nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm mới của đối tượng qua đó tăng cường thanh tra, kiểm tra để chống các hành vi gian lận.

Tổng cục Thuế cũng chỉ đạo cơ quan thuế tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện thiếu triệt để, đồng thời có kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục.

Đặc biệt, ngành Thuế sẽ chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra trong sạch, vững mạnh có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới; tăng cường bồi dưỡng bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu và có kỹ năng thanh tra, kiểm tra để đảm bảo lực lượng thanh tra là lực lượng đi đầu trong việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các sai phạm.

 

 
Minh Phương
106 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 611
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 611
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86273607