Ngành thuế nỗ lực cải cách phấn đấu thu vượt dự toán năm 2019 

(Chinhphu.vn) – Trong quý I/2019 tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) do cơ quan Thuế quản lý đạt 305.610 tỷ đồng, bằng 26,2% so với dự toán pháp lệnh, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2018. Ngành Thuế sẽ nỗ lực cải cách hiện đại hoá, nỗ lực tăng thu vượt với dự toán như mục tiêu đã đặt ra, việc thanh tra kiểm tra theo rủi ro phải thực hiện sớm, để khắc phục sớm, tránh để dồn cuối năm, xử lý không kịp thời.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Đây là một nội dung tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện quý I, triển khai nhiệm vụ trong tâm công tác quản lý thuế đến cuối năm 2019 của ngành thuế vừa qua tại Hà Nội.  

 
 
 

 Có 45/63 địa phương có tiến độ thực hiện thu đạt trên 25% dự toán

 

Nhìn chung, kết quả thu nội địa 3 tháng đầu năm nay đạt khá cả về tiến độ và tốc độ so với một số năm gần đây. Nhiều khoản thu lớn đạt khá như: thu từ sản xuất kinh doanh đạt 25,2% dự toán, tăng 16,7% so với cùng kỳ; thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đạt 30%, tăng 18,4%; lệ phí trước bạ đạt 26,8%, tăng 23,3%; thu từ xổ số đạt 45,5%, tăng 16,6%; tiền sử dụng đất đạt 29,1% dự toán...


Có 45/63 địa phương có tiến độ thực hiện thu đạt trên 25% dự toán, trong đó một số địa phương đạt cao như: Sóc Trăng, An Giang, Bến Tre, Bắc Ninh, Bình Định, Đồng Tháp, Bình Thuận, Cà Mau,Bạc Liêu...
 

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế  Bùi Văn Nam cho biết, để đạt được kết quả trên, cùng với việc nền kinh tế tiếp tục duy trì sự ổn định và tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2019 cơ quan thuế các cấp đã bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính triển khai quyết liệt, có hiệu quả nhiều giải pháp quản lý thu ngay từ đầu năm và trong suốt quý I/2019.

 

Trước tiên, ngành thuế đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP, cơ quan thuế các cấp đã tập trung rà soát toàn bộ nguồn thu trên từng địa bàn theo từng khoản thu, sắc thuế để giao dự toán phấn đấu thu cao ngay từ đầu năm với mức tăng thu 7,9% so với dự toán pháp lệnh. Trên cơ sở đó, từng đơn vị quản lý thu triển khai đôn đốc thu NSNN quyết liệt ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm.

 

Ngành thuế góp phần cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó có 2 dự án quan trọng là: Luật Quản lý thuế sửa đổi (dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới đây) và Nghị quyết của Quốc hội về xử lý các khoản nợ thuế không có khả năng thu (dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến thông qua vào kỳ họp tháng 10 cuối năm nay).

Ngoài ra, ngành thuế đang tiếp tục nghiên cứu, rà soát để trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung về thể chế, chính sách nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho người nộp thuế đáp ứng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4.
 

Ngành thuế đang đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử, hiện đại hoá phương thức quản lý thu nộp NSNN. Tính đến cuối tháng 3/2019, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai rộng rãi tại 63/63 Cục Thuế và 100% số Chi cục Thuế trên cả nước với 703.392 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,99% số DN đang hoạt động; phối hợp với 50 ngân hàng thương mại trên cả nước để triển khai thực hiện hệ thống nộp thuế điện tử với số DN tham gia là 697.527 DN đạt 99,2% tổng số DN đang hoạt động.

 

Hệ thống hoàn thuế điện tử được triển khai tại tất cả 63/63 Cục Thuế, đạt 96,2% số DN và 96,7% số hồ sơ hoàn thuế theo phương thức điện tử. Triển khai thí điểm hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế tại Hà Nội và TPHCM đối với 254 DN đạt 263.991 hóa đơn điện tử. Hiện nay đang xây dựng Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 hướng dẫn về hóa đơn điện tử.

 
 

Hoàn thiện thể chế, siết chặt công tác hoàn thuế

 

Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam cho biết, để đạt được những kết quả tốt, cơ quan Thuế đã tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát hồ sơ khai thuế, kiểm tra giám sát chặt chẽ việc khai thuế của người nộp thuế, xử lý, đôn đốc, nộp đúng, đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng theo đúng chính sách pháp luật.

 

Ông Bùi Văn Nam cũng cho biết, ngành thuế đã nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra để khai thác tăng thu cho NSNN; xây dựng được kho cơ sở dữ liệu tập trung với nhiều thông tin được cập nhật thường xuyên, liên tục, phục vụ tốt cho việc thực hiện có hiệu quả đối với công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra chống chuyển giá. Phát hiện và truy thu kịp thời vào ngân sách đối với những khoản thu từ chuyển nhượng vốn... Trong 3 tháng đầu năm, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện được 8.089 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 9,28% kế hoạch năm 2019 với tổng số tiền kiến nghị tăng thu 1.786,1 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 247,3 tỷ đồng; giảm lỗ là 4.299,6 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 842,1 tỷ đồng, đạt 47,2% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra…

 

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam vẫn cho rằng, tình hình nợ đọng thuế trong quý I/2019 diễn biến phức tạp và đang có xu hướng tăng dần lên qua các tháng.

 

Tiến độ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tại địa phương còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ kế hoạch, chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra, kiểm tra tại một số địa bàn chưa cao.  Công tác chống thất thu đối với khu vực DN nhỏ và vừa, hộ, cá nhân kinh doanh tại một số địa bàn còn chưa được triển khai quyết liệt, chưa phối hợp tốt với các cơ quan trên địa bàn để xác định đúng doanh số, áp dụng mức thuế khoán đối với các hộ, cá nhân kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá cao kết quả thu NSNN quý I/2019 đạt khá so với cùng kỳ nhiều năm qua. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, so với mục tiêu phấn đấu đã giao tại Quyết định số 238/QĐ-TCT của Tổng cục Thuế, thu NS quý I mới đạt 23,9%, một số khoản thu lớn và địa bàn trọng điểm thu còn chậm so với yêu cầu đề ra. 

 

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thẳng thắn cho rằng, kết quả thu quý I /2019 tốt một phần do tăng trưởng quý IV/2018 khá tốt.

 
 

“Quý I là tốt rồi 3 quý còn lại tốt nữa bảo đảm năm nay hơn năm ngoái thực hiện mục tiêu đã đặt ra, do đó, thời gian tới thách thức thời gian tới vẫn còn nhiều”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lưu ý.

 

Lãnh đạo Bộ Tàic chính yêu cần ngành thuế cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cần ngành thuế phải thực hiện theo mô hình tổ chức bộ máy mới, cơ quan thuế các cấp phải khẩn trương hoàn thành việc giao chỉ tiêu thu nợ đọng thuế cho các phòng, các Chi cục Thuế đảm bảo thực hiện vượt mức chỉ tiêu kế hoạch thu nợ thuế năm 2019 mà Tổng cục Thuế đã giao tại văn bản ngày 30/1/2019. Phấn đấu tổng số nợ thuế đến thời điểm 31/12/2019 không vượt quá 5% tổng thu ngân sách năm 2019.

 

Ngành thuế phải triển khai thực hiện tốt công tác quản lý thu đối với các khoản thu từ đất đai, thu từ hộ, cá nhân kinh doanh, DN nhỏ và vừa, thu từ tài nguyên, khoáng sản. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban ngành chức năng trong việc rà soát hoạt động kinh doanh của hộ, cá nhân kinh doanh…

“Công tác cải cách hiện đại hoá được đẩy mạnh nhưng chưa đạt yêu cầu, ngành thuế cần xác định việc cải cách hiện đại hoá cùng thu hút tạo thuận lợi vô cùng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng phát triển, phải triển khai đồng bộ từ cấp trung ương đến tư lệnh các địa phương là các Cục trưởng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu ngành thuế đến cuối năm phải tích cực đóng góp hoàn thiện thể chế, cụ thể là các Luật. Ngành thuế phải rà soát công tác hiện địa hoá cải cách hành chính, tăng cường kết nối các đơn vị như tài nguyên môi trường, công an, các ngành khác,  khắc phục sự thiếu đồng bộ về hạ tầng. Bên cạnh đó, cần tích cực triển khai việc kê khai nộp thuế hoàn thuế điện tử mang hoá đơn điện tử phù hợp không, công tác hiện đại hoá, cải cách hành chính tạo thuận lợi giảm chi phí cho DN, hạn chế tiêu cực rủi ro.
 

Việc thanh tra kiểm tra theo rủi ro phải thực hiện sớm, để khắc phục sớm, không để dồn cuối năm, không xử lý kịp thời”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lưu ý. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nhắc nhở việc cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền hỗ trợ. Chính sách thuế nhiều, khối lượng công việc lớn, làm sao để các DN không bị động, chủ động nộp thuế, không trốn tránh.

 

Cần đẩy mạnh kiểm tra giám sát kê khai thuế người nộp thuế, thực hiện tốt hồ sơ hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng chính sách pháp luật lựa chọn DN kiểm tra…

 
“Việc hoàn thuế thực chất là chi ngân sách, phải quản lý chặt chẽ, các địa phương phải trách nhiệm. Tôi sẽ đề nghị xem xét lại việc phân cấp hoàn thuế, nếu không làm kỹ sẽ rất rủi, ảnh hưởng đến cán bộ ”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Huy Thắng

246 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 779
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 779
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77237966