Số thu bị ảnh hưởng do dịch
Cụ thể, thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 1/2021 do Tổng cục Thuế quản lý ước đạt 134.000 tỷ đồng, đạt 12% so với dự toán, bằng 81,2% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ dầu thô đạt 2.450 tỷ đồng, bằng 8,9% dự toán. Thu nội địa đạt 131.550 tỷ đồng, bằng 12% dự toán, bằng 83,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức và lợi nhuận còn lại và thu từ xổ số kiến thiết và chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước đạt 104.850 tỷ đồng, bằng 11,9% so với dự toán pháp lệnh, bằng 84,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Thuế thu nhập DN (TNDN) ước đạt 35.100 tỷ, bằng 15,7% dự toán, bằng 68,6% cùng kỳ. Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) ước đạt 13.400 tỷ đồng, bằng 13,9% dự toán, bằng 140,2% cùng kỳ (chủ yếu do tăng thu từ mặt hàng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước)…
Tổng cục Thuế cho hay, nguyên nhân chủ yếu do thu NSNN phụ thuộc lớn vào mức tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, kinh tế xã hội năm 2020 của nước ta diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh mẽ và diễn biến khó lường trên toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực như hàng không, du lịch, dịch vụ, thương mại, xuất nhập khẩu...
|
Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm ngập mặn nghiêm trọng diễn ra tại nhiều địa phương đã tác động không thuận đến tình hình kinh tế năm 2020. Tình hình kinh tế tăng trưởng không thuận lợi bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan dẫn đến ảnh hưởng số thu.
Tổng cục Thuế lý giải, thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho những đối tượng bị thiệt hại, ngành tài chính đã triển khai thực hiện cơ chế, chính sách, một số chính sách hỗ trợ DN và người dân đã triển khai trong nửa cuối năm 2020 tiếp tục có hiệu lực và làm giảm số thu NSNN trong những tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ. Ví dụ như: Nghị quyết số 954/UBTVQH14 ngày 2/6/2020 về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020 ước tính làm giảm số thu thuế TNCN trong tháng 1/2021 khoảng 1.800 tỷ đồng; Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức có doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm làm giảm thu trong tháng 1/2021 khoảng 2.800 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Trong đó, kinh tế quý IV/2020 đã có sự hồi phục nên số thuế TNDN phát sinh quý IV/2020 phải nộp trong tháng 1/2021 mặc dù đạt khá so với dự toán nhưng còn thấp so với mức thu cùng kỳ năm 2020.
Tháo gỡ khó khăn đi đôi với chống gian lận thuế
Tổng cục Thuế đưa ra dự báo, giá dầu thô trong thời gian tới sẽ dao động ở mức khoảng 56 USD/thùng, bằng 124,4% giá dự toán, sản lượng dự kiến khoảng 0,55 triệu tấn, bằng 7% dự toán. Theo đó, dự báo tổng thu NSNN tháng 2/2021 do cơ quan Thuế quản lý đạt khoảng 74.000 tỷ đồng, bằng 6,6% dự toán, bằng 87% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Tổng cục Thuế, năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội được dự báo là sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp tác động đến sản xuất kinh doanh trong nước và thu nộp NSNN. Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN năm 2021, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai quyết liệt các giải pháp phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu mà Quốc hội, Chính phủ giao. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 02/2021/NQ-CP của Chính phủ; tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các DN phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề để tăng thu cho NSNN.
Ngành thuế cũng tăng cường các biện pháp phòng chống gian lận, trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế; thực hiện quản lý thuế điện tử; tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, tạo môi trường thuận lợi, rõ ràng minh bạch cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế các cấp triển khai rà soát lại toàn bộ các nguồn thu năm 2020 và đăng ký chỉ tiêu phấn đấu thu năm 2021; giao chỉ tiêu phấn đấu thu cho các Cục Thuế tăng tối thiểu 5% so với dự toán pháp lệnh và phù hợp với diễn biến hồi phục của nền kinh tế tại từng địa phương. Trên cơ sở đó, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phấn đấu tập trung thu NSNN ngay từ những tháng đầu năm 2021 theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Tổng cục Thuế.
Ngành thuế tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ DN ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực thông qua việc đổi mới phương thức, phát triển đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, kịp thời các hướng dẫn về nội dung sửa đổi trong các chính sách thuế mới trên báo chí.
Tổng cục Thuế sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra trên cơ sở phân tích rủi ro, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra các DN thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao. Phấn đấu giảm tỷ lệ nợ thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN năm 2021. Tiếp tục xử lý nợ thuế theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14.
Tại Hội nghị triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị toàn ngành thuế phải có nhìn nhận thấu đáo, áp dụng đúng quy định của pháp luật nhưng không cứng nhắc, thấu tình đạt lý, tăng cường chủ động, trách nhiệm trong công tác phối hợp với các đơn vị cũng như đối thoại với doanh nghiệp, không tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".
Năm 2021, dự toán thu ngân sách nhà nước mà Quốc hội giao cho ngành thuế là 1.116.700 tỷ đồng. Đây là chỉ tiêu không đơn giản trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, nền kinh tế dự báo tăng trưởng vẫn còn thấp.
Anh Minh