Qua thanh tra. kiến nghị xử lý hành chính 1.682 tập thể và 2.676 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 163 vụ, 89 đối tượng - Ảnh: VGP/LS
Kiến nghị xử lý hành chính 1.682 tập thể và 2.676 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 163 vụ, 89 đối tượng
Báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2022 của TTCP cho thấy, thời gian qua, toàn ngành đã triển khai 4.257 cuộc thanh tra hành chính và 77.770 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực, phát hiện vi phạm về kinh tế 25.022 tỷ đồng, 9.623 ha đất. Trong đó, kiến nghị thu hồi 10.268 tỷ đồng và 134 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 14.753 tỷ đồng, 9.489 ha đất; ban hành 57.154 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 4.243 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 1.682 tập thể và 2.676 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 163 vụ, 89 đối tượng.
Các cơ quan hành chính tiếp nhận 186.824 đơn các loại; đã xử lý 175.493 đơn, có 151.036 đơn đủ điều kiện xử lý, chiếm 80,8% tổng số đơn đã xử lý; qua xử lý có 22.589 đơn khiếu nại, 9.078 đơn tố cáo, 119.369 đơn kiến nghị, phản ánh; có 10.452 vụ việc khiếu nại, 3.289 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính Nhà nước.
Thông qua công tác giải quyết khiếu nại tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 3,4 tỷ đồng, 1,6 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 16,9 tỷ đồng, 3,3 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 20 tổ chức, 258 cá nhân; kiến nghị xử lý 279 người (trong đó có 231 cán bộ, công chức); chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 13 vụ, 14 đối tượng (có 10 cán bộ, công chức).
Kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, phòng chống tham nhũng được công bố, công khai theo đúng quy định của pháp luật; các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 4.538 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 67 đơn vị vi phạm.
22 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng
Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, trong kỳ báo cáo có 22 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 18 người.
Ngành thanh tra tiếp tục hướng dẫn các cơ quan Nhà nước và chỉ đạo cơ quan thanh tra tăng cường việc phát hiện và xử lý tham nhũng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các cơ quan hành chính Nhà nước phát hiện 30 vụ việc, 40 người. Kết quả phát hiện số vụ việc tham nhũng và số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm do để xảy ra tham nhũng tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Đối với cuộc thanh tra chuyên đề về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, đã có nhiều cơ quan thanh tra làm tốt, kịp thời triển khai thanh tra, kết luận thanh tra đảm bảo chất lượng như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Cần Thơ, Bạc Liêu... Bên cạnh đó, vẫn có một số đơn vị triển khai, báo cáo còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn ngành.
Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, đã tập trung đôn đốc việc rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thanh tra thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại, hạn chế: Vẫn còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra, trong đó có những cuộc thanh tra đột xuất, dư luận xã hội quan tâm. Việc đôn đốc, thực hiện kết luận, kiến nghị về thanh tra còn bất cập. Việc tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng một số bộ, ngành, địa phương còn chưa đầy đủ; nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo giải quyết còn chậm, kéo dài khi giải quyết còn sai sót. Một số kế hoạch công tác phòng chống tham nhũng triển khai còn chậm; tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận nêu bật những kết quả trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, đại diện các đơn vị cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, đơn vị, qua đó có kiến nghị, giải pháp góp phần phát triển ngành thanh tra.
Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong: Tăng cường hơn nữa công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra, nhất là về tiền, tài sản, đất đai và xử lý cán bộ vi phạm - Ảnh: VGP/LS
Phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm chuyển ngay cơ quan điều tra xử lý không chờ kết luận thanh tra
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phát nêu rõ: Kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm của ngành thanh tra đã góp phần tạo sự ổn định chính trị - xã hội, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, phòng chống tham nhũng tiêu cực, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cũng thẳng thắn chỉ rõ, hoạt động của ngành thanh tra vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Vì thế, cán bộ đảng viên, công chức, viên chức ngành Thanh tra cần nghiêm túc nhìn nhận lại, nhất là nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế thực tiễn chính ở những cơ quan đơn vị nơi mình đang công tác để nghiên cứu, đề xuất những giải pháp hữu hiệu, nhằm sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế đó để góp phần hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu toàn ngành tiếp tục bám sát định hướng chương trình thanh tra năm 2022, yêu cầu, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính và tình hình thực tế để tiếp tục tổ chức thực hiện hoàn thành kế hoạch thanh tra và nhiệm vụ đột xuất do cấp trên giao; xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra 2023 có trọng tâm, trọng điểm, bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy chính quyền các cấp.
Tăng cường hơn nữa công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra, nhất là về tiền, tài sản, đất đai và xử lý cán bộ vi phạm; tập trung tham mưu hoàn thành những công việc với vai trò là cơ quan Thường trực Tổ công tác 153 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án đối với các dự án đầu tư, đất đai ở một số địa phương.
Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; chú ý thực hiện có hiệu quả những quy định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập; đôn đốc, hướng dẫn các cấp, các ngành thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và tăng cường phát hiện tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cơ quan điều tra xử lý không chờ ban hành kết luận thanh tra; tập trung ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong thực thi công vụ.
Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa thanh tra với các bộ, ban, ngành địa phương, giữa thanh tra với các cơ quan trong khối nội chính; phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và toàn xã hội để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Lê Sơn