Ngành thanh tra phát hiện sai phạm nhiều nghìn tỷ đồng, hàng nghìn hecta đất 

(Chinhphu.vn) – Sáng 22/7, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020 của ngành thanh tra, các báo cáo cho thấy, qua công tác thanh tra, ngành thanh tra đã phát hiện sai phạm về kinh tế lên đến hơn 31 nghìn tỷ đồng, hơn 3.432 ha đất, kiến nghị xử lý hàng trăm tập thể và cá nhân vi phạm.
 

 

 

 

Tổng Thanh tra Lê Minh Khái phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/ Lê Sơn

Phát hiện nhiều sai phạm về kinh tế và đất đai

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ do Phó Tổng thanh tra Trần Ngọc Liêm trình bày cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã triển khai 3.245 cuộc thanh tra hành chính và 73.695 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 31.149 tỷ đồng, 3.432 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 13.752 tỷ đồng và 507 ha đất (đã thu hồi 3.699 tỷ đồng, 83 ha đất); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 17.397 tỷ đồng, 2.925 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 805 tập thể và 12 cá nhân; ban hành 46.795 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 4.225 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 41 vụ, 46 đối tượng.

Về thanh tra hành chính, Thanh tra Chính phủ thực hiện 37 cuộc thanh tra, đã ban hành kết luận 7 cuộc. Qua các kết luận thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 3.609 tỷ đồng, 25 ha đất; trong đó đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 3.598 tỷ đồng, 16 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 11 tỷ đồng, 16 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính nhiều tổ chức, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 02 vụ.

Thanh tra các bộ, ngành và địa phương đã tiến hành 3.208 cuộc thanh tra, tổng hợp kết quả từ 1.708 cuộc thanh tra đã kết luận, phát hiện vi phạm về kinh tế 1.656 tỷ đồng, 3.406 ha đất, kiến nghị thu hồi 1.067 tỷ đồng và 491 ha đất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý số tiền 589 tỷ đồng, 2.916 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 805 tập thể và 12 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét 39 vụ, 46 đối tượng. Một số địa phương tổ chức thanh tra hành chính đạt kết quả cao như: TP. Hồ Chí Minh, Điện Biên, Cần Thơ, Bắc Ninh, Đắk Nông.

Lực lượng thanh tra chuyên ngành tiến hành 73.695 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của 171.025 tổ chức, cá nhân, phát hiện 53.387 tổ chức, cá nhân có vi phạm với số tiền là 25.884 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 9.087 tỷ đồng; ban hành 46.795 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 4.225 tỷ đồng. Thanh tra các bộ, ngành, địa phương có kiến nghị thu hồi số tiền lớn là Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng, các tỉnh Bắc Ninh, Điện Biên, Phú Thọ, Thái Nguyên, Trà Vinh, Bà Rịa-Vũng Tàu...

Thực hiện giám sát hoạt động của đoàn thanh tra chưa hiệu quả

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thanh tra Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số hạn chế, yếu kém cần sớm khắc phục.

Đó là, còn nhiều cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch; vẫn còn một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra, trong đó có những cuộc thanh tra đột xuất, dư luận xã hội quan tâm. Số cuộc thanh tra trong toàn ngành giảm so với cùng kỳ năm 2019. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động thanh tra chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; việc phối hợp trong giám sát hoạt động đoàn thanh tra còn có mặt hạn chế; công tác thẩm định, đôn đốc, xử lý về thanh tra của toàn ngành có nhiều cố gắng nhưng tỉ lệ thu hồi về kinh tế trong kỳ còn thấp, đạt tỉ lệ 58,2% (giảm 13% so với cùng kỳ năm 2019). 

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trong lĩnh vực đất đai, khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội. Việc tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng các cấp, các ngành; việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện tiếp công dân và xử lý đơn thư đã có chuyển biến nhưng chưa thường xuyên. Việc phân loại, xử lý đơn nhiều trường hợp chưa chính xác. Tỉ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giảm hơn cùng kỳ năm 2019, một số địa phương tỉ lệ giải quyết còn thấp, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo giải quyết còn chậm, kéo dài, khi giải quyết còn nhiều sai sót. Việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận xử lý tố cáo có hiệu lực pháp luật một số vụ việc chưa dứt điểm, còn để kéo dài.   

Công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn một số tồn tại như: số lớp phổ biến, tuyên truyền, quán triệt pháp luật về phòng, chống tham nhũng và số người được phổ biến, tuyên tuyền, quán triệt thông qua các hội nghị, lớp học giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước; việc xây dựng Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập và thực hiện một số kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng còn chậm; tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế, có rất ít vụ việc, vụ án được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ.

Trong công tác xây dựng ngành, cơ cấu tổ chức và chất lượng đội ngũ cán bộ ngành thanh tra còn bất cập; tính kỷ luật, kỷ cương của một số cán bộ thanh tra còn hạn chế.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: VGP/ Lê Sơn

Bất cập khi cấp dưới giám sát cấp trên

Phó Chánh Thanh tra Bộ Công Thương Bùi Dũng Thế cho biết những bất cập trong quy định về giám sát hoạt động của đoàn thanh tra. Theo ông Dũng, việc giám sát hoạt động của đoàn thanh tra là cần thiết, tuy vậy với quy định hiện hành thì việc thực hiện giám sát gặp khó khăn, nhất là ở cấp thanh tra cơ sở do số lượng cán bộ có hạn, trong khi cùng thời điểm phải tổ chức nhiều đoàn thanh tra nên không đủ người làm nhiệm vụ giám sát. Do đó, việc giám sát chủ yếu chỉ thực hiện qua báo cáo của đoàn thanh tra nên khó bảo đảm tính khách quan, chính xác. Ông Thế cho rằng, thực tiễn cho thấy, quy định về giám sát hoạt động của đoàn thanh tra chỉ phù hợp với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, ít phù hợp với hoạt động của thanh tra chuyên ngành quản lý thị trường cấp tỉnh. Theo quy định hiện hành, không quy định tiêu chuẩn của người được giao nhiệm vụ giám sát đoàn thanh tra. Nên nhiều khi lãnh đạo đoàn thanh tra là lãnh đạo cấp vụ, giám sát đoàn thanh tra lại là cấp phòng.

Bên cạnh đó, theo ông Bùi Dũng Thế, việc theo dõi và kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu các chế tài xử lý đối tượng có hành vi cản trở, chống đối, không thực hiện, thực hiện không đầy đủ và kịp thời.

Đối tượng thanh tra chuyên ngành của Bộ Công Thương rất rộng, phân bố trên phạm vi cả nước với nhiều lĩnh vực như xăng dầu, khí hoá lỏng, điện lực, than, vật liệu nổ… Tuy nhiên, sau khi kết luận thanh tra được ban hành thì việc theo dõi, thực hiện kết luận thanh tra khó khăn vì đối tượng thanh tra ở xa cơ quan thanh tra, không có cơ chế uỷ quyền về theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra.

Lê Sơn

349 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1155
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1155
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87145489