Hệ thống quản lý giám sát tự động tại Hải quan Hà Nội (Ảnh: M.P)

Theo đó, trong năm 2021, ngành Tài chính sẽ phải thực hiện đồng bộ, toàn diện một loạt các giải pháp cải cách hành chính trọng tâm. Đó là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan; phát triển mạnh mẽ thị trường chứng khoán trở thành kênh đầu tư hiệu quả, giúp huy động các nguồn vốn để tạo nguồn lực phát triển kinh tế và đáp ứng các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế.

Đồng thời, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; rút ngắn quy trình xử lý, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước; giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước để phù hợp với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, chủ động đôn đốc, điều phối các bộ ngành để tiếp tục cải cách toàn diện quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ Tài chính cho biết, kế hoạch hành động đề ra mục tiêu kết thúc năm 2021 sẽ phải nâng xếp hạng chỉ số Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội đảm bảo năm 2021 hoàn thành nhiệm vụ tăng từ 30-40 bậc so với năm 2019. Nâng xếp hạng chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới đảm bảo năm 2021 hoàn thành nhiệm vụ tăng từ 10-15 so với năm 2019. Tiếp tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, trong đó phấn đấu áp dụng áp dụng 100% cho dịch vụ công thiết thực đối với người dân. Tiếp tục nghiên cứu để nâng xếp hạng chỉ số Vốn hóa thị trường chứng khoán…

Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phấn đấu đạt được các chỉ tiêu tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính đã đề ra các nhóm nhiệm vụ cụ thể nhằm nâng xếp hạng chỉ số nộp thuế; nâng xếp hạng chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới; nâng xếp hạng chỉ số vốn hóa thị trường chứng khoán; phát triển thị trường bảo hiểm, thị trường tài chính…/.

 
M.P