|
Hình ảnh tại Hội nghị (Ảnh: M.P) |
Ngày 7/7, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách 6 tháng cuối năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Tiến độ thu ngân sách đạt thấp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2020 được triển khai trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước biến động rất lớn. Do tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới nhanh chóng rơi vào tình trạng suy thoái; các đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nặng nề; các nền kinh tế lớn và nhiều nước trong khu vực ASEAN được dự báo tăng trưởng âm ở mức sâu.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng ước đạt 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019; nếu thu từ cổ phần hóa đạt tiến độ dự toán, cộng với số thuế đã gia hạn, thì đạt khoảng trên 48% dự toán.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, đây là năm có tiến độ thu ngân sách đạt thấp nhất kể từ năm 2013; cả nước có 34/63 địa phương thu 6 tháng đạt trên 50% dự toán; không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số thì chỉ có 14/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán; 30/63 địa phương tiến độ thu đạt dưới 45% dự toán.
Trong 16 địa phương trọng điểm thu có điều tiết về Trung ương, chỉ có 5/16 địa phương đạt tiến độ thu nội địa trên 50% (Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu); 11 địa phương còn lại đạt dưới 50%, trong đó 8 địa phương đạt dưới 40% dự toán.
Đối với chi ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 6 ước đạt 41,8% dự toán. Ngân sách Nhà nước đã chi khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã chi cho công tác phòng chống dịch là 4,1 nghìn tỷ đồng; chi hỗ trợ cho hơn 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID- 19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ khoảng 11,3 nghìn tỷ đồng. Ngân sách Trung ương cũng đã chi 1.664 tỷ đồng dự phòng năm 2020 để hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch tả lợn châu Phi, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau thiên tai.
Trước tác động của đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các giải pháp tài khoá để ứng phó, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19, vật tư, nguyên liệu đầu vào của một số ngành sản xuất chịu tác động lớn của dịch bệnh; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh; nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay…
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, 6 tháng cuối năm, ngành Tài chính đã đề ra 10 nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện. Trong số đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tăng cường thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế.
Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khoá, kể cả các giải pháp về thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, ngành tài chính tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước, quyết tâm thu đạt mức cao nhất dự toán Quốc hội quyết định. Đồng thời, tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách Nhà nước, chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước. Các bộ, ngành, địa phương quản lý chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, theo dự toán.
Ngoài ra, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm cả kế hoạch năm 2019 chuyển sang). Các địa phương chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ, tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư và các nguồn lực hợp pháp khác để đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng, trong đó có nhiệm vụ phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: M.P) |
Đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng khó khăn thách thức phía trước còn rất lớn, vì vậy ngành tài chính cần tìm được lời giải cho câu hỏi, tiếp tục làm gì để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Theo Thủ tướng, cỗ máy tăng trưởng được ví như cỗ xe tam mã (gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng), do vậy Thủ tướng đặt vấn đề ngành tài chính đóng góp lực đẩy cỗ xe tam mã này như thế nào để kéo nền kinh tế.
Cần tiếp tục theo dõi sát tình hình quốc tế và trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng, chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cùng các cấp, các ngành phải phấn đấu cao nhất để thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm: Bảo đảm dự toán thu chi ngân sách đã đề ra; bảo đảm nguồn lực tài chính cần thiết để hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối với các nền kinh tế.
Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính cần có quan điểm chủ động, tích cực hơn về vai trò chính sách tài khóa trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng.
Theo lời Thủ tướng, IMF cũng như nhiều nước trên thế giới đã liên tục đưa ra những gói kích thích tài khóa khổng lồ lên đến trên 11.000 tỷ USD, đưa mức thâm hụt ngân sách toàn cầu lên đến 13,9% GDP. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất cụ thể về các gói kích thích tài khóa, các giải pháp tiếp tục giãn, hoãn, miễn, giảm thuế và huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định.
Tại Hội nghị, Thủ tướng lưu ý Bộ Tài chính cần đặc biệt lưu ý đến việc giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng nhắc lại con số 700.000 tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD) vốn kế hoạch cần giải ngân trong năm 2020.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, khẩn trương báo cáo Chính phủ triển khai gấp giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng gợi mở một số biện pháp xử lý vấn đề giải ngân chậm: Thứ nhất, nửa tháng họp giao ban một lần về giải ngân, thúc đẩy, kiểm điểm, tìm nguyên nhân và biện pháp; Thứ hai, thành lập các đoàn kiểm tra của Trung ương do một số bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo; Thứ ba, kịp thời đề xuất điều chuyển vốn ngay trong tháng 8 đối với những địa phương, ngành không làm được; Thứ tư, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương dựa trên tiêu chí giải ngân vốn đầu tư công. "Vì, có Bí thư, Chủ tịch đi xin vốn, bổ sung danh mục công trình nhưng xin về không triển khai, giao khoán cho bên dưới, không động tĩnh gì, nhất là giải phóng mặt bằng" - Thủ tướng nhấn mạnh.