Đây là thông tin tại Hội nghị Tổng kết công tác tài chính-ngân sách nhà nước năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018 ngày 8/1 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, Bộ Tài chính đã điều hành chủ động, hoàn thành Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2017.
Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành những văn bản như: Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 19/4/2017 về tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính-NSNN năm 2017; phương án điều hành NSNN… Đồng thời, Bộ Tài chính tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế các ngành, lĩnh vực theo Nghị quyết số 40/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với công tác thu NSNN, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tập trung tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2017 ngay từ ngày đầu, tháng đầu; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cấp uỷ và chính quyền địa phương, động viên và tranh thủ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân để làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành thu NSNN ngay từ đầu năm; chú trọng khai thác nguồn thu; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế (đến hết tháng 11/2017, cơ quan thuế đã thực hiện thu được gần 39,9 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế năm 2016 chuyển sang, tăng 14,2% so cùng kỳ năm 2016; cơ quan hải quan đã thực hiện xử lý và thu hồi 589,7 tỷ đồng nợ thuế phát sinh từ ngày 31/12/2016 trở về trước); tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; kiểm soát chặt chẽ mã số, xuất xứ hàng hóa, giá trị tính thuế hải quan.
Với những nỗ lực nêu trên, đến hết 31/12/2017, thu cân đối NSNN ước đạt 1.283,2 nghìn tỷ đồng, vượt 71 nghìn tỷ đồng, vượt 5,9% so dự toán, tăng 43,7 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội đạt mức động viên 25,6% so GDP; trong đó, thuế phí đạt 21% GDP. Số vượt thu là của ngân sách địa phương (chủ yếu là vượt thu tiền sử dụng đất). Do không bù trừ số vượt thu giữa các địa phương, nên không kể tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, vẫn còn một số địa phương hụt thu cân đối ngân sách địa phương.
Ảnh: VGP/Huy Thắng
|
Về chi NSNN, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng cho biết, Bộ Tài chính đã sớm có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương tích cực, chủ động, tiết kiệm triệt để các khoản chi ngay từ khâu phân bổ dự toán và trong quá trình thực hiện, hạn chế tối đa việc đề nghị bổ sung kinh phí, ứng trước dự toán năm sau; thực hiện điều hành, quản lý, sử dụng nguồn dự phòng các cấp chặt chẽ.
Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền bổ sung, ban hành các chính sách, chế độ chi phù hợp với thực tiễn; tăng cường kiểm soát chi NSNN chặt chẽ, đúng chế độ; phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; rà soát, báo cáo về sắp xếp lại nhà đất, ô tô công, xử lý xe dôi dư; trên cơ sở đó Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị sửa đổi cơ chế sử dụng xe công theo hướng mở rộng khoán sử dụng xe công, kiến nghị về việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ sắp xếp lại nhà, đất và số tiền thu được từ vị trí cũ khi thực hiện di dời; đẩy mạnh công tác thanh tra tài chính-ngân sách... qua đó từng bước tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.
Các bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, chi trong phạm vi dự toán được giao, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi; rà soát, sắp xếp, tiết kiệm chi thường xuyên; mua sắm tài sản theo đúng chế độ quy định....
Tính đến 31/12/2017, các nhiệm vụ chi thường xuyên đã cơ bản thực hiện xong theo dự toán, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách; chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN đạt khoảng 75,9% dự toán, vốn TPCP đạt khoảng 23,5% dự toán (năm 2016 tương ứng đạt 77% và 45,3% dự toán).
Bội chi NSNN năm 2017 được điều hành trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định (174,3 nghìn tỷ đồng, bằng 3,48% GDP thực hiện). Trên cơ sở kết quả thu và cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai và sử dụng nguồn lực tại chỗ theo quy định, cân đối ngân sách trung ương và các địa phương cơ bản được bảo đảm.
Huy Thắng